Cho dù bạn có vài phút hay vài giờ trong ngày, bạn vẫn có thể bắt đầu nuôi dưỡng và lan tỏa sự tử tế với con trẻ và gia đình bạn bằng những ý tưởng thiết thực như: cùng nhau giúp đỡ người khác, cùng nhau thực hành thiền định và cùng nhau hỗ trợ cộng đồng của bạn…
Giúp trẻ nuôi dưỡng sự tử tế bằng cách viết note
Nghiên cứu cho thấy rằng, việc theo dõi lòng tử tế sẽ giúp bạn dễ dàng nuôi dưỡng và lan tỏa nó hơn. Bạn có thể thực hành việc theo dõi này bằng cách ghi giấy note và dán lên tường nhà. Nhưng hãy lưu ý rằng việc “ghi giấy note” này càng đơn giản càng tốt. Chẳng hạn như với mỗi hành động tốt mà con bạn thực hiện, bạn hãy để chúng tự ghi lại vào một tờ giấy note rồi ký tên của chúng vào, sau đó dán lên tủ lạnh hoặc khoảng tường nào đó trong nhà bạn.
Nếu con bạn còn nhỏ và chưa thể tự ghi lại được, bạn có thể ghi lại giúp chúng rồi yêu cầu chúng dán nhãn tên mình (mà bạn đã làm sẵn cho chúng) lên tờ giấy note này. Đây không chỉ là cách mang ý nghĩa vinh danh hành động tử tế của con bạn, mà nó còn là động lực cho gia đình bạn tiếp tục thực hiện nhiều việc làm tốt đẹp hơn nữa trong tương lai.
Khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc của bản thân
Trong một nghiên cứu, những đứa trẻ được yêu cầu thảo luận về cảm xúc của các nhân vật trong một cuốn sách, trong khi một nhóm khác chỉ được yêu cầu là vẽ minh họa cho câu chuyện được kể trong sách. Hai tháng sau, kết quả đã chỉ ra, nhóm nói về cảm xúc thì có sự đồng cảm mạnh mẽ hơn đối với các nhân vật trong sách.
Dạy trẻ về lòng nhân ái
Theo các chuyên gia, từ 3-4 tuổi, trẻ đã bắt đầu phát triển cảm xúc cũng như đã biết đồng cảm với người khác. Vì vậy, các bậc phụ huynh có thể nói về lòng yêu thương và sự sẻ chia với con cái mình ở độ tuổi này.
Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý thời điểm nói cho con trẻ vấn đề này để trẻ nhớ nhanh và khó quên hơn. Nếu gặp một em bé vô gia cư trên đường phố, cha mẹ cần giải thích để con mình hình dung được phần nào lý do em bé đó lại phải lang thang khắp nơi như vậy. Nếu có các chương trình đi thăm trại trẻ mồ côi, hãy dắt trẻ theo cùng để trẻ hiểu là vẫn còn nhiều đứa trẻ rất bất hạnh, và không phải đứa trẻ nào cũng được cha mẹ yêu thương và chăm sóc đầy đủ.
Khi trẻ lớn hơn một chút thì có thể nói với chúng về việc làm từ thiện và ý nghĩa của sự cho đi. Làm từ thiện không phải là đợi khi mình giàu có hơn, có đầy đủ điều kiện hơn thì mới bắt đầu. Thay vì vậy, hãy dạy cho trẻ thông điệp “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cha mẹ hãy nhắc nhở trẻ giữ gìn cẩn thận đồ chơi cũ, sách truyện cũ, quần áo cũ,… rồi đợi dịp thích hợp thì kêu gọi trẻ đem những món đồ này cho lại những đứa trẻ thiếu thốn khác. Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em có xu hướng giúp đỡ những người gặp khó khăn hơn nếu chúng hiểu những gì người khác đang trải qua. Nhà tâm lý học Dawn Huebner cho biết: “Việc làm này phù hợp nhất với trẻ trên 5 tuổi, những trẻ đã có thể hiểu rằng không phải ai cũng có nhiều như chúng”.
Cũng cần chỉ dẫn trẻ về thái độ cho đi, hãy cho với sự trân trọng, sẻ chia chứ không phải là cho với sự coi thường, kẻ cả. Con trẻ còn ngây thơ nên khi được cha mẹ tạo điều kiện tiếp xúc với các hoàn cảnh kém may mắn hơn, trẻ sẽ hiểu hơn về cuộc sống của bản thân và mọi người xung quanh. Từ đó cũng sẽ khơi dậy và có thể nuôi dưỡng lòng nhân ái cho trẻ.
Cùng trẻ thực hành thiền
Nhiều nghiên cứu cho rằng, nếu dạy trẻ thực hành thiền đúng cách, trẻ sẽ có xu hướng ngoan hơn, bớt nghịch hơn.
Có rất nhiều bài tập thiền dành cho trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Vì vậy, cha mẹ cần cẩn thận chọn lựa bài thiền phù hợp với con mình để đạt được hiệu quả tối đa. Ngoài việc đăng ký cho con những khóa thực hành thiền ở các trung tâm uy tín, phụ huynh cũng có thể đăng ký học thiền cùng con.
Ở các lớp học thiền, trẻ cũng sẽ được nghe kể các câu chuyện về hoa sen, về Đức Phật hay các đạo lý sống đẹp trong cuộc đời. Từ đây, ý thức về lòng từ bi của con trẻ cũng có cơ hội hình thành và phát triển.
Để lại lời nhắn ẩn danh
Thỉnh thoảng, cha mẹ hãy đưa trẻ đến các thư viện cộng đồng để đọc sách, hoặc chỉ đơn giản là cho trẻ tiếp xúc với không khí yên tĩnh ở nơi “ngập tràn tri thức” này.
Có thể thử mượn cho trẻ cuốn truyện tranh nào đó để chúng tự đọc (hoặc xem hình) trong 5 đến 10 phút. Đây cũng là cách rèn luyện cho trẻ sự tập trung. Và trước khi trả sách để rời khỏi thư viện, hãy hỏi trẻ rằng chúng có muốn để lại một lời nhắn dễ thương cho người kế tiếp đọc cuốn sách này? Bạn có thể gợi ý cho trẻ những lời như: “Chúc một ngày tuyệt vời!” hay “Mình hy vọng bạn cũng yêu thích cuốn sách này như mình”.
Khi trẻ đã chọn được lời nhắn ưng ý, bạn hãy ghi lại giúp trẻ lời nhắn này vào một mẫu giấy note rồi kẹp vào cuốn sách đó. Chắc chắn, người bắt gặp lời nhắn này sẽ vô cùng hạnh phúc, cùng lúc đó, bạn cũng đã lan tỏa sự tử tế đến với trẻ.
Cùng nhau học một ngôn ngữ mới
Nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ sẽ có khả năng nắm bắt quan điểm của người khác tốt hơn. Vì vậy, hãy cùng con trẻ tiếp xúc với một ngôn ngữ mới mà cả hai cùng hứng thú thông qua các ứng dụng học ngôn ngữ đang rất phổ biến hiện này đi nào!
Cho phép trẻ nuôi thú cưng
Trong một nghiên cứu, Tiến sĩ Melson của Đại học Purdue tại Indiana đã hỏi một nhóm trẻ đang nuôi thú cưng rằng các em sẽ làm gì khi buồn, tức giận hay sợ hãi? Hơn 40% trong số trẻ đã trả lời rằng chúng sẽ chia sẻ những cảm xúc đó với thú cưng của mình.
Thực tế là việc nuôi thú cưng giúp trẻ học tốt hơn, năng động hơn, tinh thần thoải mái và có xu hướng gắn kết với các thành viên trong gia đình hơn.
Dạy trẻ cách chủ động đưa ra lời giúp đỡ
Nếu bạn đang đi dạo với con trẻ và phát hiện ai đó đang chụp ảnh tự sướng trước một điểm tham quan ở gần đó, hãy cùng trẻ đến hỏi họ xem, liệu họ có cần bạn chụp giúp họ một vài tấm ảnh hay không?
Việc làm này có vẻ nhỏ, nhưng bạn sẽ không biết được mức độ lan tỏa đến con trẻ lớn như thế nào đâu. Vì vậy, đừng bỏ qua nhé!
Tuy nhiên, hãy nhắc trẻ rằng chỉ chủ động đưa ra lời đề nghị giúp đỡ ai đó xa lạ khi chúng đi cùng với bố mẹ hoặc những người thân trong gia đình mà thôi.
Khám phá thế giới rộng lớn qua danh sách mong đợi
Bạn và con trẻ hãy cùng nhau lập danh sách những việc cần phải làm cho sinh nhật tiếp theo hoặc dịp đặc biệt nào đó của gia đình bạn. Hãy hỏi trẻ những việc tốt đẹp trẻ muốn làm cùng mình hoặc gợi ý trẻ tham gia quyên góp cho các chương trình thiện nguyện bằng cách bỏ ống heo.
Hãy để trẻ tự quyết định khoản tiền chúng sẽ ủng hộ cho tổ chức từ thiện nào đó hay tự thưởng cho bản thân món đồ chúng yêu thích sau khi khoảng thời gian dài tiết kiệm tiền như vậy. Phụ huynh chỉ ở bên cạnh nêu ra ý kiến để trẻ tham khảo mà thôi, đừng can thiệp quá sâu vào các quyết định của trẻ ở thời điểm này.
Theo Parents