Mỗi một phụ huynh sẽ có một cách dạy dỗ con cái khác nhau. Có người chọn cách nuôi dạy con không đòn roi nhưng cũng có người thường xuyên kỷ luật con cái để giúp con ngoan ngoãn và vâng lời hơn. Nhưng bạn có biết, kỷ luật con sai cách sẽ khiến trẻ ngày càng chống đối bố mẹ và trở nên ương bướng hơn?
Có nên kỷ luật con cái của mình khi dạy con?
Việc kỷ luật con cái là một khía cạnh quan trọng trong việc giáo dục và nuôi dạy trẻ. Có nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi rằng “Có nên kỷ luật con cái hay không?”.
Tùy theo mỗi gia đình sẽ có những cách dạy con khác nhau. Ở một khía cạnh nào đó, kỷ luật con cái chính là cách để bạn dạy trẻ hiểu được con được phép làm gì và không được phép làm gì, nếu con làm những điều mà con không được cho phép thì sẽ nhận lại những hậu quả gì.
Kỷ luật con cái đúng cách cũng chính là cách bố mẹ xây dựng nền tảng về sự lễ phép, đạo đức cho con của mình. Trẻ lớn lên trong môi trường được dạy dỗ và kỷ luật đúng cách có thể trở thành một đứa trẻ ngoan, biết phân biệt đúng sai phải trái.
Những sai lầm thường gặp khi bố mẹ kỷ luật con cái
Bỏ đói con
Nhiều người cho rằng bỏ đói là một hình thức kỷ luật con cái để con ngoan ngoãn và nghe lời. Tuy nhiên, phương pháp bỏ đói sẽ vô tình ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Không chỉ vậy, khi bị bỏ đói, trẻ sẽ dễ trở nên cáu gắt hơn cũng như nảy sinh suy nghĩ bố mẹ không yêu thương mình.
Nếu bạn thường xuyên dùng cách này để kỷ luật con cái thì sẽ vô tình tạo ra khoảng cách giữa bố mẹ và con, khiến con không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ dành cho con.
La mắng nơi công cộng
Hãy tìm một nơi riêng tư – nơi bạn có thể nói với con về những gì vừa xảy ra mà không bị nhìn thấy hoặc nghe thấy. Nếu bạn không thể tìm được không gian để nói chuyện ngay lập tức, hãy chỉ ra ngắn gọn hành vi sai trái của con bạn và cho chúng biết bạn sẽ thảo luận về hành vi đó ở nhà.
La mắng con cái nơi công cộng sẽ vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, dần dần khiến trẻ trở thành một đứa trẻ tự ti và nhút nhát.
Đưa ra những hướng dẫn mơ hồ
Khi bạn kỷ luật con cái nhưng lại không nói cho con biết con nên làm gì hoặc chỉ nói một cách rất mơ hồ, trẻ sẽ không thể hiểu được mình sai ở đâu, vì sao mình lại bị trách phạt. Như vậy, trẻ không chỉ cảm thấy ấm ức mà còn dễ lặp lại sai phạm của mình vào những lần sau.
“Hối lộ” để có kết quả nhanh chóng
Khi bạn kỷ luật con cái của mình nhưng thấy con không nghe lời, bạn liền ra điều kiện với con như con nghe lời thì được xem tivi, được ăn kẹo, được mua đồ chơi,… Đây là một cách nuôi dạy con cái chưa phù hợp bởi lâu dần trẻ sẽ hình thành thói quen “trao đổi”. Chỉ khi bố mẹ đáp ứng một điều kiện nào thì trẻ mới nghe lời.
Trách phạt con trước mặt người quen của con
Đã bao giờ bạn la con hay yêu cầu con phải khoanh tay vào tường, xin lỗi bố mẹ ngay khi có bạn bè của con hoặc họ hàng của con ở đó? Trẻ em cũng biết xấu hổ và chính những việc làm của bố mẹ sẽ khiến trẻ phản ứng dữ dội hơn. Thậm chí, nhiều đứa trẻ trở nên chống đối hơn khi thấy bố mẹ trách phạt mình trước mặt người quen của mình.
Không cho con cơ hội được nói
Bạn chỉ chăm chăm vào việc la mắng, trách phạt và kỷ luật con cái của mình mà quên mất con cũng có quyền được nói, được giãi bày? Đây là một điều tối kỵ khi nuôi dạy con bởi có thể bạn đang hiểu lầm trẻ. Hơn nữa, việc phớt lờ ý kiến của trẻ cũng khiến trẻ cảm thấy mình không được bố mẹ tôn trọng.
Cùng một việc nhưng cách kỷ luật con cái lại khác nhau
Trẻ không chịu làm bài tập về nhà lần đầu tiên, bạn cấm con xem tivi tận 1 tuần. Nhưng đến lần thứ 2, thứ 3, bạn chỉ cấm con xem tivi 1 ngày. Và vào những lần sau, bạn chỉ yêu cầu con làm bài tập về nhà rồi mới được xem tivi.
Không thống nhất trong cách kỷ luật con cái là một sai lầm mà nhiều bố mẹ gặp phải. Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy không nhất thiết phải nghe lời bố mẹ vì dù gì thì một vài lần nữa bố mẹ cũng sẽ cho qua mà thôi.
Tranh cãi về cách kỷ luật con trước mặt con
Không thống nhất trong cách dạy con cũng là một sai lầm trong kỷ luật con cái mà những bậc phụ huynh nên chú ý. Bạn và người bạn đời của mình nên thống nhất trước về cách dạy con ngoan, những hành vi nào con không được phép làm và nên trách phạt con như thế nào.
Nếu chưa thể tìm được sự thống nhất, bạn có thể tạm thời im lặng để người bạn đời của mình dạy con thay vì cãi nhau trước mặt con.
Cần lưu ý gì khi dạy dỗ, kỷ luật con?
Một số lưu ý mà các bậc phụ huynh cần nắm khi dạy con để tránh việc con tái phạm lỗi nhiều lần gồm có:
- Đàm phán và giáo dục con: Thay vì áp đặt, nhiều phụ huynh ngày nay chọn sử dụng phương pháp đàm phán và giáo dục hơn. Trước khi trách phạt con, bạn cần giải thích cho trẻ về lý do tại sao một hành động không chấp nhận và hậu quả của nó. Như vậy trẻ có thể hiểu rõ hơn về quy tắc và trách nhiệm của mình.
- Tôn trọng cảm xúc của con: Kỷ luật nên đi kèm với sự tôn trọng cảm xúc của trẻ. Hiểu rõ nguyên nhân của hành vi trẻ phạm lỗi và hỗ trợ trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy được quan tâm và được lắng nghe.
- Tạo cơ hội cho trẻ sửa sai: Thay vì lập tức kỷ luật con cái của mình, bạn có thể cho con biết con đã sai và cho con cơ hội để sửa sai. Nếu trẻ chưa biết phải làm gì, bố mẹ có thể cùng trẻ thảo luận về các giải pháp – một cách để trẻ học được cách vượt qua những vấp ngã trong cuộc sống.
- Công bằng: Phương pháp kỷ luật nên linh hoạt và công bằng. Mức độ nghiêm túc của phương pháp kỷ luật cần phù hợp với mức độ nghiêm trọng của hành vi mà trẻ làm sai. Và quy tắc khi kỷ luật trẻ nên được áp dụng một cách nhất quán.
- Tránh la mắng con một cách “mặc định”: Bố mẹ nên tránh việc kỷ luật con cái mặc định mà không tìm hiểu rõ về tình hình của con. Đôi khi, một hành vi có thể có nguyên nhân sâu xa và việc hiểu rõ vấn đề có thể giúp giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
Tóm lại, kỷ luật con cái có thể là một phần quan trọng trong quá trình giáo dục con. Tuy nhiên, phương pháp và tư duy kỷ luật con cũng cần được cân nhắc để đảm bảo tính tích cực và giáo dục hiệu quả bạn nhé.