Mẹ&Con - Với diễn biến phức tạp, tỷ lệ trẻ mắc bệnh, tử vong gia tăng, bệnh tay chân miệng đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Bạn biết gì về căn bệnh có cái tên nghe tưởng chừng chẳng có gì nguy hiểm này? Đây là những kiến thức hữu ích dành cho bạn!   Có nên bẻ khớp tay chân cho bé? Nước sơn móng tay và 5 tác dụng bạn không ngờ tới Làm sao giúp trẻ bỏ tật mút tay?

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 trong năm. Bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ bệnh ho, hắt hơi.

2. Biểu hiện bệnh thế nào?

Đầu tiên, trẻ sẽ sốt. Có thể là sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39- 40 độ C. Kế đến, trẻ sẽ đau họng, chảy nước bọt liên tục, biếng ăn hoặc bỏ ăn, khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường. Để ý kỹ, bạn sẽ thấy trẻ xuất hiện sang thương da, niêm chủ yếu nằm ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Sang thương ở miệng đa số là những vết loét đỏ (do các bóng nước vỡ ra), đường kính 2-3mm ở vòm họng, niêm mạc má, nướu răng, lưỡi. Sang thương ở da thường là bóng nước, có đường kính 2-10mm, hình bầu dục, hoặc hơi tròn, nổi cộm hay ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau, khi bóng nước khô để lại vết thâm da.

8 điều có thể bạn chưa biết về bệnh tay chân miệng 6

3. Khi nào bệnh xem là trở nặng?

Các triệu chứng bệnh bị xem là trở nặng khi trẻ rung giật cơ, bứt rứt, lừ đừ, chới với, yếu chi, co giật, hôn mê. Với đường hô hấp và tim mạch thì sẽ xuất hiện dấu hiệu mạch nhanh, tay chân lạnh, thở nhanh hơn bình thường, sùi bọt hồng ở miệng. Nếu như ở độ 1, trẻ chỉ có dấu hiệu loét miệng và hoặc sang thương ở da, thì sang độ 2 trẻ sẽ rung giật cơ, bứt rứt, chới với. Đặc biệt, ở độ 3 trẻ sẽ yếu liệt chi, liệt các dây thần kinh sọ, co giật, hôn mê. Và ở độ 4 (nguy hiểm nhất), trẻ sẽ suy hô hấp, phù phổi, tăng huyết áp, trụy mạch.

4. Làm sao phân biệt với bệnh khác?

Tay chân miệng dễ bị nhầm lẫn với dị ứng da, viêm da mủ và thủy đậu. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý: Nếu trẻ bị dị ứng da thì sang thương hồng ban đa dạng nhiều hơn bóng nước (tay chân miệng chủ yếu là sang thương bóng nước); viêm da mủ thì sang thương đau, đỏ, có mủ, không có sang thương trong niêm mạc miệng (tay chân miệng sang thương không có mủ và có trong niêm mạc miệng); thủy đậu thì sang thương rải rác toàn thân, không tập trung đặc biệt ở một vùng nào (tay chân miệng sang thương tập trung chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng).

8 điều có thể bạn chưa biết về bệnh tay chân miệng 7

4. Điều trị ra sao?

Trẻ sẽ được cho điều trị tại nhà nếu bệnh chỉ dừng ở độ 1. Cách điều trị tại nhà là cho trẻ hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol 10 -15mg/kg cân nặng/mỗi 4-6 giờ (sử dụng khi trẻ sốt từ 38 độ C trở lên), vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng, cho trẻ nghỉ ngơi, sử dụng thêm các vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành, dùng kháng sinh theo toa bác sĩ khi có bội nhiễm, tái khám mỗi 1-2 ngày trong 7 ngày đầu của bệnh. Trường hợp bệnh trở nặng thì cần đưa bé vào bệnh viện ngay.

5. Dinh dưỡng cho bé khi bệnh

Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét. Như vậy, những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh flan, tàu hủ đường… Nếu trẻ ăn kém, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra.

8 điều có thể bạn chưa biết về bệnh tay chân miệng 8

6. Biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa tay chân miệng, cần rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, sau khi mặc, thay tã cho trẻ, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh. Bạn cũng cần rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn, cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.

7. Tay chân miệng là bệnh của… trẻ con?

Không đúng thế! Mặc dù bệnh tay chân miệng thường xảy ra nhất với trẻ dưới 10 tuổi, nhưng bệnh vẫn có thể gặp ở thanh thiếu niên và người lớn. Thậm chí đã có người lớn tử vong vì bệnh tay chân miệng. Do đó, bạn không nên chủ quan. Cần giữ vệ sinh cho bé yêu và cho mọi thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là nếu đang sống trong vùng có dịch. Cũng cần biết rằng không được chủ quan khi bé mắc bệnh, sau đó hết các dấu hiệu bệnh. Bởi vì virus tay chân miệng còn tồn tại trong cơ thể thêm một tuần nữa và tiếp tục lây qua người khác.

8 điều có thể bạn chưa biết về bệnh tay chân miệng 9

8. Dịch chỉ trầm trọng vào mùa hè?

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra theo mùa nóng ấm. Ở vùng ôn đới, bệnh phổ biến ở mùa hè và đầu thu. Còn ở các nước khí hậu nhiệt đới như nước ta, hầu như bệnh xuất hiện quanh năm, dù mùa hè vẫn có tần suất cao nhất. Vì vậy, đừng nghĩ rằng dịch chỉ trầm trọng trong giai đoạn mùa hè nhé.

Tags:

Bài viết liên quan