Mẹ&Con – Thận không hề là “bệnh người lớn” như nhiều người lầm tưởng…

Có những trẻ ngay từ lúc còn là thai nhi trong bụng mẹ, bác sĩ đã phát hiện ra có vấn đề về thận. Có những trẻ ở độ tuổi mầm non, cấp 1 vẫn phải đến bệnh viện điều trị thường xuyên vì mắc bệnh liên quan đến thận. Làm sao giữ gìn trái thận cho con? Những điều này mẹ sẽ cần ghi nhớ…

8 cách chăm sóc thận cho trẻ
8 cách chăm sóc thận cho trẻ

1. Cho trẻ uống đủ nước

Khi trẻ còn bú sữa mẹ những tháng đầu đời, sữa mẹ đã cung cấp đủ cho trẻ lượng nước cần thiết. Nhưng khi trẻ bắt đầu ăn dặm, lớn dần lên, bạn cần lưu ý bổ sung cho con đầy đủ lượng nước cần thiết (khoảng 1,3-1,5 lít nước/ngày). Nhớ một chi tiết rằng các bé ở tuổi tập đi thường hiếu động nên nhu cầu nước cần rất cao để bù đắp, nhất là khi thời tiết nóng bức.

Nước cho trẻ uống nên sử dụng nước lọc là chính, có thể bổ sung thêm chút nước ép trái cây, không sử dụng trà, nước sâm, nước ngọt có ga, các loại nước đóng chai như trà xanh… Nếu trẻ không uống đủ lượng nước, các chất “cặn” như canxi không được tống hết ra nước tiểu sẽ tích tụ lại lâu ngày tạo thành sỏi gây tắc nghẽn, nhiễm trùng và suy thận.

Với trẻ ở độ tuổi đi học cấp 1, mẹ cần kiểm tra xem nhà vệ sinh của bé ở trường có đảm bảo sạch sẽ không, vì rất nhiều trường hợp bác sĩ từng gặp, chỉ vì nhà vệ sinh ở trường quá bẩn, trẻ sợ đi nên suốt 5 tiết học thường… không chịu uống miếng nước nào (để khỏi phải “mắc tè”). Tình trạng này nếu kéo dài lâu, từ năm này sang năm khác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thận của bé.

2. Ít muối, ít mỡ 

Thói quen ăn mặn sẽ dẫn đến nguy cơ cao huyết áp sau này khi trẻ trưởng thành. Và nên nhớ rằng cao huyết áp với suy thận có mối liên quan mật thiết với nhau. Vì thế, để bảo vệ quả thận cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, bạn hãy tập cho con ăn càng nhạt (ít muối) càng tốt. Không nên cho trẻ ăn thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, bánh pizza, bánh snack… vì chúng chứa rất nhiều muối. Chế biến món ăn cho con, bạn chỉ nên nêm chút nước mắm, đừng giữ thói quen nêm muối vào.

Ngoài ra, hạn chế bớt lượng mỡ động vật (trừ mỡ cá) cũng nên sớm thực hiện. Bé nên được ăn dầu ô-liu, dầu mè, dầu nành, mỡ cá… Chú ý đến cả cân nặng của trẻ, đừng để con thừa cân, béo phì vì khi đó huyết áp của bé sẽ dần dần tăng cao. Từ cao huyết áp đến suy thận chỉ là một bước rất nhỏ.

3. Bổ sung thêm đạm thực vật

Ăn quá nhiều đạm động vật sẽ khiến quả thận mau “mệt” hơn vì phải hoạt động nhiều hơn. Tất nhiên, trẻ nhỏ rất cần đạm động vật để phát triển hoàn thiện. Nhưng bạn nên chọn đạm từ cá nhiều hơn thịt, với thịt thì nên ưu tiên thịt gà, thịt bò nhiều hơn thịt heo. Ngoài ra, nên tập thêm cho trẻ các loại đạm từ nguồn gốc thực vật như sữa đậu nành, đậu hũ, đậu Hà Lan… Chúng vẫn rất tốt cho quá trình phát triển của bé mà lại giúp thận của con “ít mệt” hơn. Thói quen này nếu duy trì tốt mãi đến khi bé lớn lên, trưởng thành thì đó cũng chính là một trong những cách rất giá trị ngăn ngừa bệnh thận.

4. Đừng ăn quá nhiều “đồ lòng”

Các loại đồ lòng của heo, bò, gà… như gan, tim, cật… không giúp “ăn gì bổ nấy” như nhiều mẹ tưởng. Thực tế, các thực phẩm này chứa nhiều cholesterol không tốt cho tim mạch đồng thời lại chuyển hóa thành axit uric, nếu ăn nhiều và thường xuyên dễ có nguy cơ tạo sỏi urate, nhất là khi không uống đủ lượng nước. Bạn có thể thêm nó vào thực đơn để bé có những bữa ăn đa dạng, phong phú, nhưng luôn cần để ý kiểm soát ở mức vừa phải, 1-2 lần xuất hiện trong bữa ăn/tuần thôi nhé!

5. Không tự ý dùng vitamin C liều cao

Vitamin C có khả năng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, giúp bé tránh được bệnh vặt. Sẽ thật tốt nếu mỗi ngày bạn cho con uống một ly nước cam, ăn vài tép quýt, bưởi… Nhưng nên nhớ, không bao giờ nên tự ý xem vitamin C là “thần dược”, rồi mua các viên sủi, kẹo vitamin C liều cao cho con ăn/uống thường xuyên. Khi trẻ dùng khoảng 1.000mg vitamin C/ngày kéo dài trong một khoảng thời gian, có thể xảy ra nguy cơ lắng đọng oxalate gây bệnh về thận.

Ngoài vitamin C, mẹ cũng không được tự ý cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc gì lâu dài mà không có chỉ định của bác sĩ, cho dù đó là thuốc Nam, thuốc Bắc, là các loại “thuốc bổ” vì chúng hoàn toàn có thể ẩn chứa những tác dụng phụ, gây độc cho thận.

6. Giữ vệ sinh tốt cho bé

Một nhắc nhở quan trọng khác là bạn cần giữ vệ sinh cho con, vì một số bệnh ngoài da như ghẻ hay viêm họng có thể dẫn đến viêm thận. Bạn cần tắm rửa cho bé mỗi ngày, cho thay quần áo sạch. Khi bé bệnh, dù là bệnh nhẹ cũng cần điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không chủ quan bỏ qua hoặc tự ý cho con uống các loại thuốc của các thầy “lang vườn” vì những loại lá thuốc không rõ nguồn gốc này có thể ảnh hưởng đến thận của bé.

7. Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ

Việc khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần rất quan trọng để giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh nói chung và bệnh về thận nói riêng, phòng ngừa các biến chứng nặng. Đừng quên trẻ có thể mắc bệnh thận từ khi còn trong bào thai, lúc mới sinh hay bất cứ độ tuổi nào trong quá trình tăng trưởng. Những bệnh thận rất thường gặp ở trẻ em là: nhiễm trùng đường tiểu, viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư… Bạn cần ghi nhớ rằng suy thận là một trong số 10 bệnh thường gặp ở trẻ em, và đứng hàng thứ 4 trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong. Việt Nam hiện mới có cơ sở chuyên khoa thận dành riêng cho trẻ em ở Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi Đồng 1, còn lại đều là các cơ sở điều trị chung cho tất cả các bệnh nhân thận. Do đó, nếu được khám, theo dõi thường xuyên, bé sẽ tránh được tình trạng được đưa tới bệnh viện khi đã “muộn”.

8. Không tự ý ngưng quá trình điều trị

Bệnh về thận là bệnh cần theo dõi sát sao, lâu dài ngay cả khi đã được chữa khỏi. Thế nhưng không ít người vì chủ quan hoặc vì điều kiện đi khám xa xôi, khó khăn nên đã tự ý… quên luôn việc tái khám cho trẻ, hoặc tự ý ngưng khi thấy bé đã có được những dấu hiệu thuyên giảm tốt. Một số bệnh về thận như hội chứng thận hư, nếu điều trị kịp thời, trẻ sẽ khỏe mạnh trở lại và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên khoảng 80% sẽ bị tái phát. Vì vậy, việc tiếp tục theo dõi sát sao tình trạng của con là việc cần làm nghiêm túc, không được tự ý ngưng thuốc khi bác sĩ đã cho ra viện, rất nguy hiểm cho con. Ngoài ra, khi thấy bé xuất hiện những dấu hiệu bất thường như bé tiểu ít, tăng cân nhanh, phù ở tay, chân, mi mắt… cần đưa trẻ đến ngay bác sĩ để chẩn đoán, kiểm tra.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành

Với trẻ nhỏ, mẹ nhớ để mắt đến màu nước tiểu của trẻ (màu nước tiểu vàng sậm nghĩa là bé uống không đủ nước). Trường hợp nước tiểu đổi màu bất thường, nhất là đổi sang màu giống như đỏ, bạn phải lưu ý ngay để đưa bé đi khám.

> Những tác dụng của tinh bột nghệ

> 5 tác dụng của hoa đậu biếc với sức khỏe

Tags:

Bài viết liên quan