Mẹ và Con - Ngay cả trẻ em cũng cần phải học những nguyên tắc, kỹ năng giao tiếp cũng như phép lịch sự tối thiểu khi đến thăm nhà người khác để tránh các tình huống khó xử, gây bối rối cho người lớn.

Những đứa trẻ ngây thơ và hồn nhiên như một tờ giấy trắng. Vì thế, sẽ có lúc con có cư xử, hành động không đúng chuẩn mực. Nếu đến thăm nhà người khác nhưng con tọc mạch, táy máy thì sẽ dễ khiến chủ nhà khó chịu và gây nên những tình huống khó xử cho cả hai bên.

Dạy con chào hỏi khi đến thăm nhà người khác

Một trong những kỹ năng giao tiếp đầu tiên mà bố mẹ nên dạy con chính là kỹ năng chào hỏi. Việc thưa gửi, chào hỏi mọi người, đặc biệt là người lớn sẽ giúp trẻ thể hiện sự lễ phép và lịch sự của mình. Một đứa trẻ biết chào hỏi sẽ dễ gây được thiện cảm với tất cả mọi người, được mọi người quý mến.

Vì thế, hãy dạy con học cách chào hỏi, đặc biệt là khi đến thăm nhà người lớn. Con phải biết chào khi vừa gặp gỡ và luôn nói tạm biệt khi ra về. Và để con làm được điều này, bạn nên là hình mẫu, là tấm gương cho con. Trong những lần đầu tiên con được cùng người lớn đến thăm nhà người khác, bạn hãy chủ động chào hỏi chủ nhà và những người đang có mặt để con có thể bắt chước theo.

Dạy con chào hỏi khi đến thăm nhà người khác
Dạy con chào hỏi khi đến thăm nhà người khác

Nói cảm ơn và xin lỗi khi cần thiết

Cảm ơn hay xin lỗi đều là những kỹ năng cần thiết một đứa trẻ cần phải học. Kỹ năng giao tiếp phi bạo lực này sẽ giúp trẻ được đánh giá cao, thể hiện con ứng xử có văn hóa, là một người văn minh và hiểu chuyện.

Trước khi đưa con đi bất kỳ nơi đâu, chẳng hạn như đến thăm nhà người khác, nên dạy con nói cảm ơn khi được cho một điều gì đó hoặc khi được giúp đỡ. Và con cần phải chủ động xin lỗi nếu con làm sai.

Đón nhận đồ bằng hai tay

Khi đến thăm nhà người khác, trẻ em thường được chủ nhà mời bánh kẹo, nước uống hoặc cho đồ chơi để ngồi chơi trong lúc bố mẹ trò chuyện với nhau. Vì vậy, bạn hãy dạy trẻ sử dụng hai tay khi được đưa cho bất kỳ món đồ vật nào. Điều này thể hiện sự tôn trọng mà con dành cho người khác, giúp con ghi điểm trong mắt người lớn.

Không vào phòng riêng, trèo lên giường của gia chủ

Trong gia đình thì phòng ngủ, giường ngủ là nơi riêng tư nhất của mỗi cá nhân. Vì thế, trước khi trẻ đến thăm nhà người khác, bố mẹ cần nhắc trẻ không được tự ý bước vào phòng riêng của người khác, trước khi trẻ muốn vào một phòng nào đó thì đều phải hỏi ý bố mẹ và tốt nhất thì không nên vào những khu vực này. 

Trong trường hợp trẻ được chủ nhà cho phép đi vào phòng thì cũng phải học cách gõ cửa trước khi bước vào. Ở trong phòng thì không được trèo lên giường khi chưa được cho phép.

cách dạy con chào hỏi

Không tự ý cầm, nắm, lục lọi đồ đạc

Một điều dễ gây khó chịu cho người khác chính là tự ý cầm nắm, sử dụng đồ đạc của họ khi chưa được cho phép. Tuy nhiên, trẻ em lại thường có tính tò mò cao, hiếu kỳ với cái mới nên rất dễ xảy ra tình huống trẻ lấy đồ chơi trong nhà hoặc lục các ngăn kéo, hộc tủ,..

Vì thế, bố mẹ cần dạy trẻ đến thăm nhà người khác thì không được tự ý lấy bất cứ thứ gì hoặc mở ngăn tủ ra trừ khi được gia chủ nhờ mở ra lấy đồ giúp hoặc cho phép trẻ sử dụng một món đồ nào đó. Và trong trường hợp trẻ không nhận được sự đồng ý từ gia chủ thì cho dù có thích món đồ đó đến đâu, trẻ cũng phải chấp nhận rằng món đồ đó không phải của mình và không được khóc lóc, ăn vạ gây khó xử cho người lớn.

Không nói lời nhận xét thiếu tế nhị

Mỗi gia đình sẽ có cách bày trí, nếp sống khác nhau. Do đó, trẻ có thể thấy món ăn không được ngon, cách trang trí nhà chưa được đẹp. Tuy nhiên, hãy nói với trẻ không được thốt ra những lời đó trước mặt gia chủ và con cần phải học cách tôn trọng cuộc sống riêng tư của người khác.

Nếu con cảm thấy có điều gì chưa phù hợp, con có thể giữ lại những suy nghĩ này và chia sẻ với bố mẹ ở một nơi riêng tư hơn. Lúc đó, bố mẹ sẽ giải thích cho con rằng liệu suy nghĩ của con có phù hợp hay chưa, từ đó đưa ra cho con thêm nhiều lời khuyên khác.

Không quên dạy trẻ quy tắc trên bàn ăn

Nếu trẻ và bố mẹ đến thăm nhà người khác và có ở lại, hãy dạy trẻ các quy tắc trên bàn ăn như cách cầm muỗng, đũa,… Và đừng quên dặn trẻ trước khi ăn phải mời người lớn, không ăn trước khi người lớn ăn, không xới đồ ăn lung tung hay gõ đũa vào chén…  Đây đều là những nguyên tắc quan trọng trong bàn ăn, đặc biệt là đối với văn hóa Á Đông mà người lớn nên hướng dẫn cho trẻ ngay từ đầu.

dạy trẻ quy tắc trên bàn ăn

Không làm ồn

Với trẻ con, việc đùa giỡn làm ồn là một điều khó tránh khỏi. Thế nhưng không vì vậy mà bạn cho phép trẻ la hét, làm ồn trong nhà của người khác vì gia chủ có thể sẽ bị hàng xóm phản ánh dẫn đến những rắc rối không đáng có.

Hãy dặn con đi nhẹ nhàng, trò chuyện với âm lượng vừa đủ, không la hét khi quá khích hoặc không tạo âm thanh lớn tiếng trong bất cứ trường hợp nào.

Khi đến thăm nhà người khác, việc giữ những nguyên tắc giao tiếp, cư xử văn minh và lịch sự được xem là những điều cơ bản mà ai cũng cần nắm. Nếu trẻ có những hành động chưa đúng chuẩn mực, nhiều người sẽ đánh giá bố mẹ chưa có phương pháp dạy con phù hợp và có thể mất thiện cảm với cả gia đình. Do đó, trước khi đưa trẻ đến nhà bất kỳ ai hoặc dù cho có vui chơi ở nơi công cộng thì cũng hãy dạy trẻ những nguyên tắc trên bạn nhé!

Bài viết liên quan