Mẹ và Con - Phương pháp giao tiếp phi bạo lực là một phương pháp vô cùng quan trọng mà trẻ cần được học. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng có thể nhfin ra vai trò của cách giao tiếp này.

Lời nói là một con dao hai lưỡi. Nếu dùng không đúng cách có thể làm tổn thương người khác và ngay cả chính bản thân. Do vậy, việc dạy trẻ cách giao tiếp không gây tổn hại tới người khác cũng là một kỹ năng sống rất quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu phương pháp “giao tiếp phi bạo lực” để trẻ biết cách “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nhé!

1. Giao tiếp phi bạo lực là gì?  

Non Violent Communication, viết tắt là NVC hay “giao tiếp phi bạo lực” do nhà tâm lý học người Mỹ Marshall Rosenberg (1934-2015) đề xướng vào đầu thập niên 1960. Phương pháp giao tiếp mới này được ông đưa ra trong khi ông làm việc với các phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen, để giúp giải quyết những mâu thuẫn giữa nhóm sinh viên tranh đấu chống phân biệt chủng tộc và hội đồng quản lý các trường đại học.

Ngày nay, giao tiếp phi bạo lực được áp dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ trị liệu tâm lý (psychotherapy), tư vấn cho gia đình và vợ chồng (family and couple counselling), giải quyết xung đột nơi làm việc (workplace conflict resolution), hòa giải (mediation) và trong các nỗ lực tìm kiếm hòa bình tại những vùng có xung đột.

giao tiếp phi bạo lực

2. Tại sao giao tiếp phi bạo lực là một trong những kỹ năng sống trẻ cần có?

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội khiến nhiều bạn trẻ, kể cả học sinh tiểu học, dễ dàng tiếp cận với những thông tin độc hại, ảnh hưởng tới sự phát triển về tâm tính, nhân cách. Cụ thể thì bạo lực mạng luôn là chủ đề gây nhức nhối trong xã hội. Đặc biệt, với những bạn nhỏ rất dễ tổn thương về mặt tâm lý thì lời nói không tốt có thể kích động hành vi ngược đãi bản thân, dẫn đến tự tử. Chính việc giao tiếp không “lựa lời”, không có chọn lọc đã gián tiếp gây nên cái chết cho nhiều người, hầu như là các bạn trẻ. Do vậy, việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ, cụ thể ở đây là kỹ năng giao tiếp, sẽ giúp trẻ không làm tổn thương cũng như bị tổn thương bởi lời nói. 

Phương pháp “giao tiếp phi bạo lực” ra đời với mục đích hàn gắn cũng như giải quyết các mâu thuẫn giữa:

  • Mối quan hệ cá nhân
  • Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình
  • Mối quan hệ cộng đồng (trường học, công ty, tổ chức, quốc gia…)

Nhận thức về phương pháp giao tiếp phi bạo lực giúp con điều chỉnh cách thể hiện bản thân, đồng thời tăng khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác.

3. Bốn quy tắc “chủ chốt” trong giao tiếp phi bạo lực (OFNR)

Nguyên lý hoạt động của phương pháp “giao tiếp phi bạo lực” này là dựa trên lý thuyết rằng tất cả hành vi của con người đều xuất phát từ những nỗ lực nhằm đáp ứng các nhu cầu như:

  • Thể hiện bản thân
  • Tình bạn
  • Hỗ trợ
  • Hy vọng
  • Chấp nhận

dạy trẻ kỹ năng sống

Và để đạt được mục tiêu cuối cùng, bốn quy tắc không thể thiếu trong phương pháp giao tiếp phi bạo lực này chính là OFNR, bao gồm:

3.1 Observation (Quan sát)

Nhìn và lắng nghe một cách đơn thuần mà không phán xét, diễn dịch, phân tách hay so sánh. Đây cũng là một trong những kỹ năng sống cho trẻ để không bị mắc kẹt trong mớ cảm xúc đã được định sẵn về những gì nghe hay nhìn thấy được và không đưa ra kết luận vội vàng. 

Do đó, hãy lắng nghe và xử lý thông tin kỹ hơn. Làm như vậy, cuộc đối thoại sẽ không bị gián đoạn. Đồng thời, mối quan hệ giữa người với người có thể trở nên tốt đẹp hơn.

3.2 Feelings (Cảm nhận)

Nêu ra cảm nhận của bản thân một cách chân thật với chủ ý xây dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ này. Cần phân biệt cảm nhận (feelings) với ý nghĩ (thoughts), vì ý nghĩ thường mang tính phán xét, đổ lỗi hay so sánh…

3.3 Needs (Nhu cầu)

Bày tỏ một cách chân thật nhu cầu hay điều mà mình đang cần hoặc mong mỏi ngay lúc ấy. Chẳng hạn như: “Mình cần được cảm thấy gần gũi / an toàn / được quý trọng / được thông cảm / sự thành thật…”

Theo Marshall Rosenberg, tất cả những ngôn từ và lối giao tiếp mang tính bạo lực đều là những lối diễn đạt bi thảm (tragic expressions) và vụng về những nhu cầu (needs) hay mong muốn của con người. Do vậy cần lưu ý rèn luyện để diễn đạt nhu cầu một cách khéo léo.

kỹ năng giao tiếp phi bạo lực

3.4 Request (Yêu cầu)

Đối với yêu cầu, cần mềm mỏng nhưng không mang tính đùa giỡn, đòi hỏi hay hăm dọa. Đưa ra một yêu cầu hay đề nghị cụ thể và khả thi để giúp mình có được điều mà mình đang cần. 

Luyện tập nhuần nhuyễn 4 quy tắc trên sẽ giúp kỹ năng sống cho trẻ dần được hoàn thiện, đặc biệt trong lời nói, giao tiếp, giúp ích cho mọi việc trong cuộc sống sau này. 

4. Ví dụ về giao tiếp phi bạo lực

Để đơn giản hóa các lý thuyết về giao tiếp phi bạo lực, bạn có thể tham khảo tình huống dưới đây. 

Tình huống giả định: Khi bạn A nói xấu hoặc tung những tin đồn thất thiệt về bạn B trên mạng xã hội. Lúc này cần: 

4.1 Quan sát

Hãy nhớ rằng bạn B cần bỏ qua những đánh giá chủ quan của mình và chỉ tường thuật lại những gì bạn ấy thấy, chẳng hạn như:

Nên: “Tớ thấy dạo gần đây có một số tin đồn về bản thân trên mạng xã hội ”.

Không nên: “Tại sao cậu lại tung những tin đồn ác ý, sai sự thật về tớ như thế hả”.

4.2 Cảm giác

Hãy thử đề cập đến cảm xúc của mình khi bắt gặp tình huống này. Bạn B có thể sử dụng những cụm từ như: “Tôi cảm thấy”, “Tôi thấy”…

Nên: “Tớ thấy dạo gần đây có một số tin đồn về bản thân trên mạng xã hội. Những điều không đúng này làm tớ cảm thấy rất buồn, tổn thương”.

cách daỵ con

4.3 Nhu cầu

Đây là cơ hội để bạn B giải thích về những cảm xúc phía trên. Ví dụ như: “Tớ đã suy nghĩ rất nhiều về những điều này và cảm thấy thực sự không đúng nên mình tớ có thể ngồi lại nói chuyện đẻ cả 2 hiểu nhau hơn”.

4.4 Yêu cầu

Cuối cùng, bạn B hãy đưa ra lời đề nghị với bạn A để giải quyết hậu quả như sau:

Nên: “Cậu có thể dành cho tớ một chút thời gian để tháo gỡ khúc mắc này không?”.

Không nên: “Tớ yêu cầu cậu xóa ngay đi”.

Kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là lối giao tiếp phi bạo lực, sẽ cần thời gian để cải thiện dần dần. Bạn có thể dựa vào những kinh nghiệm bạn từng trải để điều chỉnh cách diễn đạt, dùng từ hay phản ứng để nhận lại nhiều sự cảm thông và lắng nghe từ người đối diện.

Kỹ năng sống cho trẻ, giao tiếp phi bạo lực không đơn thuần là một loại hình giao tiếp. Đây thực ra là một thái độ sống để trẻ trở nên có trách nhiệm với những điều diễn ra bên trong mình. Hãy nói với con rằng trong hầu hết những tình huống mâu thuẫn trong giao tiếp, thái độ khinh khỉnh và la hét không giúp ích gì được gì. Chỉ có sự im lặng và bình tĩnh mới là công cụ đắc lực giúp con soi sáng những khoảnh khắc u tối của cuộc sống. 

Dạy kỹ năng sống cho trẻ, đặc biệt là phương pháp giao tiếp phi bạo lực, không phải là chuyện ngày một ngày hai là xong. Điều này rất cần sự kiên trì rèn luyện và dạy dỗ của cha mẹ để biến nó thành một cách ứng xử thông minh, khéo léo. Chính ba mẹ hãy trở thành tấm gương sáng để trẻ học hỏi và noi theo nhé! 

 

Bài viết liên quan