Đã bao giờ bạn tưởng tượng, một ngày nào đó, bạn không thể nhớ về tất cả những gì đã diễn ra? Điều này nghe có vẻ khó tưởng nhưng thực tế lại hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, hãy cùng tìm hiểu xem đâu là những nguyên nhân gây mất trí nhớ bạn nhé!
Các nguyên nhân gây mất trí nhớ thường gặp
Do lão hóa
Quá trình lão hóa của cơ thể sẽ ảnh hưởng đến các tế bào não của bạn và khiến bạn rơi vào tình trạng “nhớ nhớ, quên quên”. Bạn có thể mất một phần ký ức, hoặc quên hoàn toàn những sự kiện diễn ra trong cuộc sống từ trước đến nay.
Nguyên nhân gây mất trí nhớ này thường diễn ra sau khi bạn bước qua tuổi trung niên. Nếu thường xuyên bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho não bộ, bạn có thể hạn chế được tình trạng mất trí nhớ này.
Do tai nạn
Khi bạn té ngã, va đập phần đầu vào một vật cứng nào đó, bạn có thể bị mất trí nhớ. Nguyên nhân gây mất trí nhớ lúc này do hệ thần kinh bị tổn thương về mặt thực thể hoặc tinh thần. Bạn có thể bị mất trí nhớ tạm thời, cũng có thể quên toàn bộ ký ức của mình vĩnh viễn.
Sau va đập, phần sọ não của của bạn có thể bị tổn thương do chấn thương sọ não, tụ máu bầm sọ não,… và khiến bạn không chỉ mất trí nhớ mà còn bị rối loạn ngôn ngữ, mất khả năng vận động và nhiều biến chứng khác.
Do bệnh lý
Nguyên nhân gây mất trí nhớ được cho là bởi các bệnh lý thần kinh, chẳng hạn như:
- U não
- Nhiễm trùng não
- Nhiễm trùng màng não
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ
- Não úng thủy
- Sa sút trí tuệ
- Bệnh mất trí nhớ
- Chứng mất trí nhớ thể Lewy
- Bệnh Parkinson
- Bệnh Huntington
- …
Bạn có thể mất trí nhớ do tác động của bệnh lý, hoặc do điều trị bệnh. Chẳng hạn như phẫu thuật u não có thể để lại biến chứng gây mất trí nhớ.
Thiếu oxy lên não
Khi oxy lên não quá ít, không đủ để nuôi các tế bào não, bạn sẽ rơi vào tình trạng lú lẫn, mất nhận thức và quên đi những ký ức đã diễn ra. Tuy nhiên, phần nhiều các trường hợp mất trí nhớ do thiếu oxy lên não sẽ được khắc phục nếu oxy kịp thời được cung cấp cho não sau đó vài phút.
Chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh
Một nguyên nhân gây mất trí nhớ thường gặp chính là do bạn không bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ. Để tăng cường trí nhớ và giúp não luôn khỏe mạnh, cần lưu ý bổ sung axit béo omega-3, vitamin B và chất chống oxy hóa để chống lại tác hại của môi trường đối với não của bạn.
Do sức khỏe tinh thần
Bởi vì tâm trí và cơ thể của chúng ta được kết nối và ảnh hưởng lẫn nhau, cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta có thể tác động đến bộ não của chúng ta. Khi bạn buồn bã hoặc có những cảm xúc tiêu cực, bạn cũng mau quên hơn. Các nguyên nhân gây mất trí nhớ xét theo khía cạnh cảm xúc gồm có:
Căng thẳng
Căng thẳng quá mức có thể khiến tâm trí chúng ta quá tải, gây mất tập trung và chảy máu chất xám. Căng thẳng cấp tính, ngắn hạn có thể gây ra vấn đề về trí nhớ tạm thời, trong khi căng thẳng mãn tính, lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ vĩnh viễn.
Trầm cảm
Trầm cảm có thể làm suy giảm chức năng não bộ và khiến bạn mất hứng thú với môi trường xung quanh. Đây chính là nguyên nhân gây mất trí nhớ, suy giảm khả năng tập trung và nhận thức của bạn. Những người bị trầm cảm thường không thể chú ý nhiều đến những gì đang diễn ra nên rất khó để nhớ về những gì đã xảy ra với họ.
Hơn nữa, trầm cảm cũng làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, khiến việc ghi nhớ thông tin trở nên khó khăn hơn.
Lo lắng
Bạn có biết, lo lắng cũng là một nguyên nhân gây mất trí nhớ? Bạn đã bao giờ gặp tình huống đã học thuộc lòng tất cả mọi thứ nhưng khi vào phòng thi, bạn quên sạch tất cả và chỉ nhớ ra sau khi buổi thi đã kết thúc? Đó chính là tình trạng mất trí nhớ tạm thời do lo lắng.
Bất kể bạn lo lắng vì điều gì, bạn cũng có nguy cơ bị mất trí nhớ, không thể nhớ được chuyện đã diễn ra, những kiến thức đã học dù cho bạn có cố gắng thế nào đi chăng nữa.
Những người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa hoặc hội chứng sợ không gian rộng, sợ không gian hẹp,… cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Họ thường không thể nhớ được vấn đề nếu đứng trước nỗi lo sợ của mình.
Đau buồn
Đau buồn có thể tương tự như trầm cảm, nhưng nó thường được kích hoạt bởi một tình huống cụ thể, chẳng hạn như mất người thân đột ngột, ly hôn, chia tay, bị đuổi việc,… Cảm xúc đau buồn có thể bào mòn năng lượng của chúng ta. Bạn có thể cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Việc trải qua nỗi đau khiến trí nhớ của chúng ta có thể bị ảnh hưởng. Vì thế, đau buồn được xem như một nguyên nhân gây mất trí tạm thời mà nhiều người gặp phải. Bạn sẽ mất từ vài ngày đến vài tuần để vượt qua nỗi đau. Sau đó, trí nhớ của bạn cũng dần được “hồi phục”.
Mất trí nhớ có nguy hiểm hay không?
Mất trí nhớ tạm thời hay vĩnh viễn đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc và học tập của người bệnh. Do đó, nếu bạn có những dấu hiệu như thường xuyên quên những hành động đã làm, không thể nhớ được lời người khác nói, không thể nhớ những việc đã diễn ra dù có cố gắng suy nghĩ về chúng,… thì bạn không nên chủ quan.
Tốt nhất, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để tìm ra nguyên nhân gây mất trí nhớ là gì và có thể khắc phục, điều trị hay không. Bạn có thể được chụp CT hoặc MRI não, đo điện não đồ, làm các bài kiểm tra nhận thức,… để đánh giá tình trạng nghiêm trọng của bệnh và nguyên nhân gây mất trí nhớ. Từ đó bác sĩ sẽ hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.
Có thể thấy, nguyên nhân gây mất trí nhớ xuất phát từ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của chúng ta. Do đó, bên cạnh việc ăn uống, xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh nhằm bảo vệ sức khỏe não bộ, đừng quên cố gắng nghỉ ngơi thư giãn và đẩy lùi căng thẳng đang diễn ra trong cuộc sống bạn nhé!