Mẹ&Con – Các món ăn dặm kiểu Nhật cho bé thường tiến bộ và khoa học, do đó được rất nhiều mẹ tìm hiểu. Nếu bạn cũng muốn áp dụng phương pháp này cho bé yêu thì đừng bỏ qua bài viết này nhé! 3 giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật mẹ nên biết Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật 5 bí quyết về ăn dặm kiểu Nhật

Món ăn dặm cho bé 5 – 6 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, các món ăn dặm kiểu Nhật chỉ dùng cho bé mỗi ngày một bữa, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn được ưu tiên hơn. Ngoài ra, khi chế biến món ăn cho bé, các mẹ Nhật thường để độ thô theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước.

Món ăn cho bé 5 – 6 tháng tuổi, mẹ nên cung cấp nhiều đạm (thịt cá trắng, đậu phụ), rau xanh (bí đỏ, cà rốt, rau chân vịt, cà chua…). Tránh nêm muối vào thức ăn của bé, vì chúng ảnh hưởng không tốt đến thận. Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như lòng đỏ trứng gà, sữa bò, các món hải sản mẹ cũng nên chú ý khi dùng, tốt nhất là nên tránh.

be-an

Giai đoạn 5 – 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé ăn dặm mỗi ngày một bữa. (Ảnh minh họa)

Khoai lang nghiền

– Khoai lang: 10 – 15 mg

– Nước ấm vừa đủ

Chế biến

– Gọt vỏ khoai, rửa sạch, cắt khúc và luộc mềm.

– Vớt khoai ra, dùng chày hoặc muỗng miết cho tơi.

– Cho một chút nước ấm để tạo thành hỗn hợp hơi sệt.

Cháo bắp

– Cháo trắng: 2 muỗng cà phê

– Bắp nghiền: 2 muỗng cà phê

Chế biến

– Nấu cháo với hạt ngô cho thật mềm.

– Đem cháo vào xay, xay nhuyễn mịn, rồi lọc bỏ bã ngô.

Súp khoai tây sữa

– Khoai tây: 1/8 củ

– Sữa: 60ml

Chế biến

– Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, cắt khoanh và luộc chín.

– Đun khoai tây với sữa cho đến khi khoai mềm nhừ.

– Cuối cùng, đem nghiền thành súp.

Sữa đậu nành trộn chuối

– Chuối chín nục: 1/8 quả

– Sữa đậu nành: 1 muỗng súp

Chế biến

Bạn chỉ cần dằm nát chuối và trộn đều với sữa đậu nành là có thể cho bé thưởng thức.

Thạch táo tươi

– Quả táo: ¼ quả

– Bột làm đông (bột gelatine): ¼ muỗng cà phê

– Nước lạnh: 1 muỗng súp

Chế biến

– Táo bỏ vỏ, bỏ lõi và hấp chín mềm.

– Nghiền nhỏ táo, rồi trộn với bột gelatine và nước lạnh.

– Để vào lò vi sóng khoảng 30 giây cho nóng.

– Cuối cùng, cho vào ngăn mát tủ lạnh để đông thành thạch.

Mẹ lưu ý trước khi cho bé dùng thì nên để ở nhiệt độ thường vài phút sau khi lấy ra từ tủ lạnh nhé!

Món ăn dặm cho bé 7 – 8 tháng tuổi

Đối với các bé 7 – 8 tháng tuổi, số bữa ăn của bé sẽ tăng lên 2 bữa/ngày, theo đó lượng sữa giảm dần. Độ thô của cháo lúc này cũng thay đổi, 1 gạo : 7 nước. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể cho bé dùng thêm lòng đỏ trứng gà, sữa bò và nêm muối nhạt.

an-dam

Bé 7 – 8 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ăn thịt nạc và thịt cá đỏ, thêm nhiều rau xanh. (Ảnh minh họa)

Súp bánh mì và táo

– Bánh mì gối: 6 lát (loại 12 lát cắt/bánh)

– Táo: 1/8 quả

– Nước dùng gà: 100ml

Chế biến

– Tách bỏ phần rià cứng của bánh mì, xé nhỏ, rồi đun chín và đặc trong nước dùng. Sau đó dùng đũa gỗ quậy cho bánh mì nhuyễn.

– Táo cắt miếng cau nhỏ, hấp chín mềm và đem nghiền nhuyễn.

– Trộn chung táo nghiền với bánh mì, rồi cho bé dùng ấm.

Cá hồi sốt cà chua và đậu phụ

– Đậu phụ: 30g

– Hành tây: 1/8 củ

– Cà chua: 1/6 quả

– Thịt cá hồi: 20g

Chế biến

– Hấp chín thịt cá hồi, đem xào với một chút dầu cá hồi và hành tây băm nhỏ.

– Đậu phụ thêm một chút muối, luộc chín kỹ.

– Cà chua hấp chín, rồi đem nghiền nhuyễn mịn với đậu phụ.

– Trộn đều cá hồi, đậu phụ và cà chua với nhau là xong.

Súp miso nấu khoai tây

– Khoai tây: 30g

– Tương miso: 1 muỗng cà phê

– Nước dùng: 60ml

Chế biến

– Khoai tây cắt lát, cho vào nước dùng và đun chín mềm.

– Cho tương miso vào và nấu thêm 2 phút thì bắc xuống.

– Nghiền nhuyễn món ăn đến khi đạt độ thô cho bé.

Mì udon khoai lang

– Mì udon của Nhật: 40g

– Khoai lang: 10g

– Nước dùng: 100ml

– Bột năng: ¼ muỗng cà phê

Chế biến

– Mì luộc chín mềm với nước dùng.

– Khoai lang hấp chín, nghiền mịn, sau đó thêm bột năng cho sánh.

– Khi cho bé dùng thì để khoai lên trên mì.

Món ăn dặm cho bé 9 – 11 tháng tuổi

Đây là giai đoạn bé có thể ăn và làm quen với hầu hết các loại thực phẩm để đảm bảo chất dinh dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên, khi nêm muối vào thức ăn cho bé trong giai đoạn này, mẹ chỉ nên dùng với số lượng ít.

Cá nục sốt tương

– Tương hột: ½ muỗng cà phê

– Đường: 1 muỗng cà phê

– Nước dùng: 30ml

– Bột năng: ¼ muỗng cà phê

– Cá nục: 50g

– Gừng tươi: 1 lát mỏng nhỏ

Chế biến

– Cá nục hấp chín với gừng cho thơm, sau đó dằm nhuyễn để lọc bỏ da và xương nhỏ.

– Cho tương hột, đường và thịt cá vào nước dùng, đem đun lửa nhỏ khoảng 5 – 7 phút.

– Trước khi tắt bếp thì hòa bột năng vào cho bé dùng kèm với cháo trắng.

Thịt bò cuộn bắp cải

– Thịt bò xay: 30g

– Hành tây băm nhỏ: 1 muỗng cà phê

– Cải thảo: 3 lá cỡ vừa

– Nước dùng: 100ml

– Bột năng: ¼ muỗng cà phê

– Muối: ¼ muỗng cà phê

Chế biến

– Thịt bò làm sạch, xào cùng hành tây cho chín tới.

– Lá cải thảo rửa sạch, bỏ cuống cứng và hấp chín.

– Cho thịt bò vào giữa lá rồi cuộn lại, sau đó lấy tăm tre ghim cho khỏi tuột.

– Đổ nước dùng vào nồi nhỏ, thả nhẹ các cuộn bắp cải vào và rim lửa nhỏ khoảng 6 phút.

– Gắp các cuộn thịt bò ra và cắt miếng vừa ăn cho bé.

– Phần nước rim còn trong nồi thì cho bột năng và muối vào làm sốt rưới lên cuộn thịt bò.

Khoai lang rán

– Khoai lang: 80g

– Dầu mè: 1 muỗng cà phê

– Đường: ½ muỗng cà phê

– Xì dầu: 1 muỗng cà phê

– Vừng rang: ½ muỗng cà phê

Chế biến

– Khoai lang cắt miếng vừa ăn cho bé, đem hấp chín.

– Trộn đều khoai lang với đường, dầu mè, xì dầu rồi rim đến khi nước cạn.

– Rắc vừng rang lên trên và cho bé dùng ấm.

Udon sốt thịt heo

– Thịt nạc heo xay: 15g

– Sốt cà chua (loại dành riêng cho bé): 1 gói nhỏ

– Nước lọc: 50ml

– Mì udon: 60g

– Hành tây băm nhuyễn: 1 muỗng cà phê

Chế biến

– Đun hành tây và thịt heo băm trên lửa nhỏ khoảng 1-2 phút.

– Cho sốt cà chua vào, khuấy đều tay và tắt bếp.

– Thêm mì udon cắt ngắn cỡ 2cm vào nồi nước đang còn nóng.

– Khi cho bé dùng có thể thêm phô mai để món ăn tăng chất dinh dưỡng.

Món ăn dặm cho bé 12 – 15 tháng tuổi

Ở giai đoạn 12 -15 tháng tuổi này, bé có thể ăn gần giống người lớn. Tuy nhiên, món ăn của bé vẫn nên nêm nhạt và phải mềm hơn của bạn.

be-an

Món ăn của bé 12 – 15 tháng tuổi gần giống như người lớn. (Ảnh minh họa)

Bánh mì sandwich kẹp trứng

– Trứng gà luộc chín: 1 quả

– Phô mai tươi: 15g

– Bánh mì: 2 lát (loại 12 lát)

Chế biến

– Trứng gà cho vào chén rồi dằm nhỏ, sau đó trộn đều với phô mai.

– Dùng hỗn hợp vừa trộn, phết lên bánh mì và kẹp lại.

– Ấn nhẹ bánh mì khoảng 2 phút cho dính vào nhau, rồi bỏ phần bìa cứng bánh mì và cắt miếng nhỏ vừa ăn cho bé.

Cơm sốt kem cải thảo và thịt nguội

– Cơm trắng: 80g

– Thịt nguội: 1 lát cỡ vừa

– Lá cải thảo: 20g

– Nước sốt White sauce: 1 gói nhỏ

– Bột gạo: 1 muỗng cà phê

– Muối: ¼ muỗng cà phê

Chế biến

– Cải thảo và thịt nguội xắt mỏng, sau đó đem đun sôi cùng với 40ml nước.

– Thêm nước sốt White sauce vào khuấy đều, nêm muối và đun lửa nhỏ khoảng 2 phút thì bắc xuống.

– Hòa bột gạo vào để tạo độ sánh, rồi dùng nước sốt chan lên cơm cho bé ăn.

Cơm gà

– Cơm trắng: 80g

– Thịt ức gà: 30g

– Măng tây: 1 cây nhỏ

– Hành tây: 1 muỗng canh

– Sốt cà chua em bé: 1 gói

– Muối, dầu ăn

Chế biến

– Hành tây và thịt gà bằm nhỏ. Măng tây cắt khúc vừa ăn cho bé.

– Xào thịt gà và hành tây với một chút dầu ăn, sau đó thêm sốt cà chua, măng tây.

– Nêm muối sao cho vừa miệng bé rồi đun sôi thêm 1 – 2 phút nữa.

Để tạo màu sắc hấp dẫn, mẹ có thể cho thêm một chút tương cà vào món ăn.

Soba xào thịt bò

– Mì soba: 60g

– Thịt bò băm: 20g

– Cải thảo: 20g

– Nước dùng dashi: 1 gói

– Nước tương, bột gạo, tương cà

Chế biến

– Mì soba luộc chín, cắt ngắn vừa ăn. Cải thảo đem xắt mỏng.

– Cho dashi vào 50ml nước đun sôi, sau đó bỏ thịt bò và cải thảo vào nấu thêm 2 phút.

– Xịt tương cà và nước tương cho vừa ăn với bé, thêm bột gạo để tạo độ sánh.

– Chan nước sốt lên mì soba và cho bé dùng khi còn ấm nóng.

Bánh pizza Nhật

– Lá bắp cải: ½ lá

– Bột mì: ½ muỗng canh

– Trứng gà: 1 muỗng canh

– Thịt heo: 5g

– Tép: ½ muỗng canh

– Muối, dầu ăn

Chế biến

– Bắp cải băm nhỏ cùng với tép.

– Trộn bột mì, trứng, muối với nhau sao cho thành hỗn hợp đồng nhất. Thêm bắp cải, tép vào trộn chung lần nữa.

– Đun nóng dầu trong chảo, cho hỗn hợp vào rán lửa nhỏ, rắc thêm thịt heo lên trên.

– Sau 2 phút, lật mặt dưới lên và rán thêm 1 phút, thì tắt bếp.

Tags:

Bài viết liên quan

thực đơn cho bé 7 tháng

Mách mẹ thực đơn cho bé 7 tháng khỏe mạnh, tăng cân đều

Mẹ và Con - Khi trẻ đến giai đoạn ăn dặm là điều vui mừng khôn siết, vì trẻ đã phát triển đến cột mốc mới. Tuy nhiên, khi bước qua bất kỳ cột mốc nào cũng khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Đặc biệt là giai đoạn trẻ ăn dặm. Nếu bạn đang đau đầu vì không biết lên thực đơn cho bé 7 tháng như thế nào hãy tham khảo ngay thực đơn sau đây nhé!