1. Tận dụng điểm thưởng
Rất nhiều lời khuyên khuyên bạn từ bỏ các thói quen nhỏ nhặt dễ gây lãng phí như uống cà phê để có thể tiết kiệm tiền. Nhưng nếu tư duy sáng tạo hơn, bạn sẽ không phải từ bỏ những điều bạn yêu thích, chẳng hạn Kassanda Dasent – CEO của BridgeTech Enterprises – đã sử dụng điểm thưởng của thẻ tín dụng mua cà phê cô ấy thích mà không phải bỏ tiền túi ra. Hãy sử dụng thẻ tích lũy điểm tại siêu thị bạn thường xuyên mua sắm, dần dần bạn sẽ ngạc nhiên khi số điểm mình tích được lại có thể mua được cà phê cho bạn một tháng đó.
2. “Hô biến” nhà thành rạp chiếu phim
Cùng bạn bè hoặc gia đình đi xem phim sẽ tốn một khoản chi tiêu nhỏ, tuy nhiên, tích tiểu thành đại, một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra những khoản chi tiêu nhỏ đó cũng ngốn kha khá chi phí hàng tháng. Nhân lúc phải hạn chế đi ra ngoài, hãy biến nhà bạn thành một “rạp chiếu phim” nhỏ tại gia, mua thêm đồ ăn nhẹ tại cửa hàng tạp hóa, vậy là bạn có thể cùng mọi người tận hưởng khoảnh khắc thoải mái ở nhà rồi.
3. Mang theo đồ ăn trưa
Nếu bạn không muốn lo lắng về việc gấp gáp đóng gói đồ ăn trưa vào buổi sáng, hãy chuẩn bị sẵn một phần vào đêm hôm trước khi bạn nấu bữa tối. Việc này sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc ăn ngoài, thậm chí chi phí chỉ bằng một nửa. Dĩ nhiên, một tuần bạn có thể dành ra 1 – 2 ngày làm việc để ra ngoài ăn trưa cùng với đồng nghiệp.
4. Uống nước
Nếu đến một nhà hàng mà đồ uống và rượu có giá hơi “chát”, vậy thì bạn chỉ cần uống nước thôi. Mặc dù có vẻ đây là một lựa chọn nhàm chán, nhưng hãy nhớ rằng nó cũng là một lựa chọn không chỉ lành mạnh cho sức khỏe mà còn giúp bạn tiết kiệm tiền nữa.
5. Không mua sắm tùy hứng
Lần tới, khi bạn bị thôi thúc mua một món hàng, hãy ghi nhớ quy tắc 30 ngày. Chờ đợi 30 ngày sẽ giúp bạn nhận ra bạn có thực sự cần nó hay không, hơn nữa còn tạo điều kiện để bạn tìm kiếm các chương trình khuyến mãi tốt hơn.
6. Bám sát danh sách
Nếu bạn đi đến cửa hàng tạp hóa và không chuẩn bị danh sách vật dụng cần thiết, bạn sẽ dễ dàng nhượng bộ và mua những món đồ ngoài ý muốn. Dành thời gian để xem qua tủ bếp và lập danh sách những thứ bạn cần trong tuần sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền và tránh lãng phí thực phẩm.
7. Thường xuyên ghé thư viện
Hãy tận dụng nguồn tài nguyên miễn phí tốt nhất trong thành phố của bạn: thư viện. Có rất nhiều tài liệu và sách có sẵn trong thư viện. Nếu bạn không có sở thích sưu tầm sách, một chiếc thẻ thư viện sẽ là chìa khóa để giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền từ việc mua sách đấy.
8. Chia sẻ vấn đề
Bạn không thể tiết kiệm tiền khi bạn đời là một người phung phí. Hãy thẳng thắn nói chuyện với người ấy về dự định của cả hai, đặt ra các mục tiêu chính và tập trung cho nhiệm vụ tiết kiệm trước mắt. Thay vì tranh cãi về việc nên tiết kiệm cho một chiếc ghế sofa mới hay một kỳ nghỉ Hè, hãy dành thời gian thảo luận về việc tiết kiệm cho điều mà cả hai cùng muốn.
9. Hãy mượn nếu có thể
Tại sao phải mua máy cắt, máy khoan điện nếu bạn có thể thuê hoặc mượn một cái? Hãy mượn đồ từ đồng nghiệp và hàng xóm. Tạo ra một cộng đồng để mọi người có thể chia sẻ và cho thuê đồ sẽ giúp bạn và những người xung quanh tránh việc mua những thứ “chỉ xài được một lần”.
10. Mua đồ dùng rồi
Nếu bạn cần một món đồ nội thất mới, như tủ sách hoặc bàn ăn, trước tiên hãy kiểm tra trên các ứng dụng, trang web cũng như các cửa hàng đồ cũ. Bạn có thể tìm thấy những người khác bán các mặt hàng bạn đang tìm kiếm trên các trang web như chodocu, Thanhlydocu, Sieuthihangcu… hoặc các chợ bán quần áo dùng rồi.
11. Một tuần ăn kiêng
Trong bảy ngày tiếp theo, hãy thử chỉ mua những nhu yếu phẩm thực sự cần và bỏ qua những thực phẩm không cần thiết, có hại cho sức khỏe như kẹo cao su hoặc cà phê, bia và bánh quy. Bạn sẽ bỏ túi một khoản kha khá đấy. Và nếu thấy chế độ ăn uống này thích hợp với mình, bạn có thể tăng lên hai tuần.
12. Dọn dẹp tủ đồ
Ai cũng có những đồ vật dư thừa, không dùng đến và luôn cất trong kho. Hãy nhìn lại, dọn dẹp những thứ đồ không cần thiết và làm thành một gian hàng nhỏ của bạn. Bạn có thể tận dụng các trang web hay mạng xã hội để đăng bán những món đồ này – chúng đều là những “hội chợ” rất tiện lợi. Như vậy, bạn có thể dọn sạch kho và nhường chỗ cho khoản tiền tiết kiệm hay những thứ có ý nghĩa hơn.
13. Cẩn thận lựa chọn của bạn
Một nghiên cứu cho thấy rằng bạn giữ thứ gì càng lâu, mong muốn sở hữu nó càng lớn – và bạn sẽ sẵn sàng trả tiền cho nó. Tồi tệ hơn, cảm giác chiếm hữu đó chỉ xuất hiện sau 30 giây cầm vật phẩm. Hãy giữ tay trong túi của bạn cho đến khi bạn tìm được những thứ bạn đã lên danh sách mua sắm!
14. Tiết kiệm từ những khoản chênh lệch
Lấy ví dụ khi bạn mua được một món hàng có giá thấp hơn so với ban đầu: bạn chỉ phải mất 1 triệu rưỡi để mua cái ghế 2 triệu trong các chương trình khuyến mãi, và rõ ràng bạn đã tiết kiệm được một khoản tiền. Nhưng khoản tiền này có thật sự đi vào ngân sách tiết kiệm của bạn không? Hãy cẩn thận với điều đấy và gửi số tiền hời này vào tài khoản tiết kiệm ngay khi có thể.
15. Tiết kiệm 1%
Cân nhắc việc tiết kiệm thêm một chút mỗi tháng. Bạn có thể lập các tài khoản tiết kiệm ngân hàng tại ngân hàng chi lương của bạn, và yêu cầu rằng ngay khi bạn nhận được lương, 1-10% trong số đó sẽ chuyển thẳng vào khoản tiết kiệm. Như vậy, mỗi tháng bạn sẽ có thêm một khoản tiết kiệm cố định mà bạn không thể tiêu xài hay phung phí được.