Mẹ và Con - Chi tiêu bao nhiêu tiền, trang trí nhà cửa ra sao, chăm sóc con cái như thế nào... đều có thể là những nguyên nhân gây xung đột vợ chồng khi Tết đang cận kề.

Thỉnh thoảng, Tết cũng như các sự kiện vui vẻ lại là yếu tố tạo ra xung đột vợ chồng. Những lời khuyên dưới đây từ Mẹ và Con sẽ giúp bạn tránh được nhiều mâu thuẫn phổ biến của các kỳ nghỉ Tết. Mẹ có thể tham khảo khi những ngày Tết Nhâm Dần đang đến thật gần.

Xung đột vợ chồng trong tài chính

Tết là thời điểm tuyệt vời nhất trong năm. Thế nhưng, đây cũng là giai đoạn bạn phải chi tiêu nhiều tiền nhất. Các khoản chi phí mua sắm, đi lại, quà tặng… thường khiến các đôi vợ chồng phải đau đầu vì bội chi. Điều này có thể dẫn đến xung đột giữa hai vợ chồng.

tài chính gia đình

Lời khuyên: Đừng để mình lâm vào cảnh “rỗng túi” sau Tết! Hai bạn nên đối diện với chuyện tiêu Tết một cách trung thực, thiết lập ra giới hạn hợp lý cho cả hai. Bạn cũng nên tiết kiệm mỗi tháng một chút. Điều này sẽ hạn chế tình trạng lương thưởng cuối năm phải gánh tất cả chi phí trong dịp Tết. Mẹ có thể tham khảo các mặt hàng bán giảm giá, xả kho trong dịp Tết, tự làm những món ăn và đồ trang trí nhà cửa, chia sẻ dịch vụ chung với bạn bè thân thiết. Chẳng hạn như thuê chung xe hơi cùng gia đình bạn bè để giảm chi phí di chuyển.

Mối quan hệ gia đình hai bên

Chúng ta không có quyền lựa chọn những ai là người ruột thịt của mình. Điều này cũng tương tự với bên phía người bạn đời của bạn. Trong khoảng thời gian chưa cưới, bạn thường không đủ thời gian để nhận ra một người mẹ độc đoán hoặc một người chú cái gì cũng biết. Thế nhưng, trong một gia đình mở rộng “hai bên bốn họ”, chắc chắn thế nào mẹ cũng sẽ tìm được một số người mà mình có thể tin tưởng và chia sẻ.

Lời khuyên: Trước khi liệt kê điều không hay của mọi người, bạn hãy nhớ rằng những người thân của chồng/vợ khiến bạn khó chịu lại có thể là người mà chồng/vợ bạn yêu quý. Cả khi người bạn đời đồng tình với bạn, bạn cũng chỉ nên nhẹ nhàng đặt câu hỏi về hành vi không tốt của người họ hàng đó. Dù vậy, bạn không nên đưa ra bất kỳ bình luận nào. Nếu chồng/vợ của bạn cũng không thích người đó, hai bạn có thể hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu chồng/vợ bạn không thấy có vấn đề gì, bạn hãy có thể nhờ đối phương hướng dẫn cho mình cách cư xử phù hợp, tránh làm mất lòng .

Phân công lao động

Với rất nhiều việc nhà và các việc lặt vặt phát sinh trong dịp Tết, dường như ai cũng sẽ cảm thấy mình đang phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm. Điều này có thể khiến bạn nhanh chóng “bùng nổ”.

Lời khuyên: Khi bắt đầu chuẩn bị cho Tết, bạn nên lập một danh sách những mục cần phải làm, đồng thời xác định ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho mỗi hạng mục. Mỗi tuần, hai vợ chồng nên trao đổi lại để đánh giá quá trình thực hiện của mình, điều chỉnh danh sách khi cần thiết, thảo luận về cảm giác của mỗi người. Nếu một trong hai cảm thấy khối lượng công việc không cân bằng, hãy nói ra để cùng tìm ra giải pháp, tránh những xung đột  vợ chồng không đáng có.

Quà tặng, quà biếu

Chắc hẳn bạn đang từng nghe qua câu nói “Hạnh phúc là cho chứ không phải nhận”. Tuy nhiên, việc “cho đi” không phù hợp cũng có thể trở thành một đề tài gây xung đột giữa hai vợ chồng.

Lời khuyên: Cách hóa giải xung đột về quà biếu trong dịp Tết là hai bạn nên trao đổi trung thực, không đặt ra các giả định về những kỳ vọng của người khác. Các cặp đôi hãy cùng nhau đưa ra ngân sách chung cho hạng mục này, sau đó lên danh sách tặng quà cho những người trong gia đình, bạn bè, người quen.

Con cái

Ngày Tết, các bé sẽ không đi học. Vợ chồng bạn sẽ phải lo ăn uống cho con, lo trông con cả ngày. Đôi khi, bạn sẽ rất bực bội với những “yêu sách” và tiếng la hét của lũ trẻ. Tất nhiên, bạn muốn bọn trẻ có một ngày Tết thật vui. Thế nhưng, làm sao có thể thực hiện điều đó mà không “phát điên” lên vì chúng hay tránh tranh cãi với người bạn đời về vấn đề này.

Lời khuyên: Vào thời điểm này, các đôi vợ chồng thường đã được nghỉ làm. Bọn trẻ không đi học và thời khóa biểu sinh hoạt của chúng có thể phần nào bị đảo lộn. Bạn đừng lấy đó làm áp lực, buộc mình phải giữ nguyên lịch trình ăn uống ngủ nghỉ đã có. Các bậc phụ huynh có thể lên một kế hoạch vui chơi phù hợp với con, tạm thời để các bé “xõa” trong một thời gian nhất định. Món quà ý nghĩa nhất mà bạn có thể mang lại cho con trong các ngày lễ chính là thời gian của bạn.

Nghi lễ tôn giáo

Tôn giáo là trung tâm của ngày Tết. Đây cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến đụng độ giữa những cặp vợ chồng có mức độ tín ngưỡng trong cúng lễ khác nhau hay xuất thân từ những vùng miền khác nhau. Những kiêng kỵ, các món ăn truyền thống trong dịp đặc biệt này cũng có thể làm nảy sinh bất đồng.

Lời khuyên: Các đôi vợ chồng cần ưu tiên giải quyết vấn đề về tôn giáo trước khi về chung một nhà. Thế nhưng, thật sự rất ít người làm việc này. Nếu mâu thuẫn về tôn giáo bất ngờ xảy ra, hai bạn nên cố gắng đồng ý về một thỏa hiệp mà cả hai đã có thể sống với nó. Bên cạnh đó, hãy trì hoãn việc thảo luận về những vấn đề tôn giáo cho tới khi kỳ nghỉ Tết kết thúc. Bởi khi đó, chuyện cúng lễ cũng không còn quá được quan tâm.

Chuyện “yêu” ngày tết

xung đột vợ chồng

Phòng ngủ là mảnh đất màu mỡ để những mâu thuẫn vợ chồng xuất hiện. Với một loạt căng thẳng, áp lực và những nhu cầu của ngày Tết, người bạn đời của bạn có thể bỏ quên việc ân ái trong khi bạn lại muốn gần gũi. Điều này khiến cả hai người đều thấy bực bội.

Lời khuyên: Hai bạn nên trò chuyện với nhau về chuyên chăn gối, cùng nỗ lực để có một dịp Tết đỡ “hao sức”, đồng thời cùng sắp xếp một số thời gian riêng tư dành cho vợ chồng.

Lạm dụng bia rượu

Tết là thời gian để chúng ta tận hưởng những bữa tiệc ăn mừng cùng gia đình và bạn bè. Thật không may, phần lớn những bữa tiệc này đều có thể dẫn tới một thói quen không tốt là uống bia rượu quá mức, thiếu kiểm soát.

Lời khuyên: Khi cả hai bạn cùng tỉnh táo, hãy trao đổi về vấn đề này, thống nhất chỉ nên uống bao nhiêu, ai sẽ là người cầm lái (để công bằng, có thể thay phiên nhau). Sau đó, hai bạn cùng hỗ trợ nhau trong việc giữ lời hứa để hạn chế tối mâu thuẫn có thể xảy ra.

Con mắt liếc ngang

Khi tất cả mọi người cùng sống trong tâm trạng lễ hội và có chút hơi men, đôi khi bạn có thể “thả hồn đi hoang”. Những đôi chung thủy nhất cũng có thể thấy bản thân có chút “cảm nắng” hay chỉ đơn giản là ngưỡng mộ một người nào đó trong những bữa tiệc, để rồi buông lời tán tỉnh, dễ dẫn đến ngoại tình.

Lời khuyên: Hãy nhớ bạn đã hứa luôn chung thủy khi cả hai đồng ý gắn kết cuộc đời với nhau. Tán tỉnh vô tư có thể mua vui cho mọi người. Thế nhưng, đừng bao giờ cho phép bản thân đi quá đà tới nỗi sau này phải hối tiếc. Mọi lời xin lỗi khi đó đã quá muộn màng.

Tiệc tất niên và mừng năm mới

Tham gia rất nhiều nhóm hội, bạn sẽ dự lễ tất niên hay tiệc mừng năm mới với nhóm bạn nào? Bạn học phổ thông hay bạn đại học hay bữa tiệc ấm cúng cùng gia đình. Bạn có đưa một nửa của mình đi dự tiệc cùng ở công ty cùng hay chỉ đi một mình. Bạn muốn ăn ở nhà nội hay nhà ngoại? Trớ trêu thay, thời gian hạnh phúc nhất trong năm cũng có thể là thời gian căng thẳng và áp lực nhất, đặc biệt là với những cặp đôi có các ý tưởng khác nhau về những hoạt động trong dịp Tết.

Lời khuyên: Hãy lên danh sách chi tiết những sự kiện mà mọi người muốn bạn tham gia. Hai bạn hãy giành thời gian xem qua danh sách này và cùng nhau quyết định đâu là sự kiện quan trọng với cả gia đình, đâu là sự kiện chỉ dành cho một cá nhân. Hãy tôn trọng nhau!

Mâu thuẫn xung quanh việc lập kế hoạch vui chơi là điều khó thể tránh khỏi trong những dịp lễ Tết. Nếu xung đột xảy ra là do lỗi từ phía bạn, hãy xin lỗi một cách nhanh chóng và chân thành, đồng thời tìm cách giải quyết gọn ghẽ, khóe léo. Nếu lỗi xuất phát từ đối phương, hãy rộng lòng tha thứ và tìm một giải pháp chung cho cả hai.

Sự tham gia của công nghệ

13 xung đột vợ chồng nảy lửa thường gặp khi Tết đến và cách hóa giải 2

Những phiền nhiễu, sự thiếu liên kết trong gia đình do có người mải nhắn tin, chơi game hoặc lướt web đều có thể gây tranh cãi trong suốt cả năm. Tình trạng này đặc biệt gây khó chịu khi cả nhà đang chuẩn bị đi chơi Tết hay thực hiện những nghi thức truyền thống.

Lời khuyên: Vì Tết là dịp có ý nghĩa đặc biệt với hầu hết mọi người nên hãy tự giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị thông minh. Điều này sẽ giúp bạn và những người thân yêu có thêm thời gian quây quần bên nhau, đặc biệt trong bữa ăn gia đình hoặc khi tham gia những hoạt động vui chơi khác.

Trang trí nhà cửa

Bạn muốn một cây quất, một cây mai, cây đào to tới đâu và muốn chi tiêu bao tiền cho hoa ngày Tết? Bạn muốn trang trí đèn màu thế nào, có muốn dán hoa lên tường không…, những điều tưởng nhỏ như thế cũng có khả năng là nguyên nhân gây ra thất vọng hoặc xung đột vợ chồng khi xuân về.

Lời khuyên: Hãy kết thúc cuộc tranh luận về trang trí nhà cửa trước khi đi tới chợ hoa. Mỗi người hãy nhượng bộ một chút. Điều này sẽ giúp các cặp đôi sẽ có một kỳ nghỉ Tết thật vui vẻ và đầm ấm.

Xung đột vợ chồng về đón Tết ở đâu?

Thật khó quyết định khi cả hai bên nội và ngoại đều muốn cùng gia đình nhỏ của bạn ăn Tết. Mẫu thuẫn sẽ dâng tới đỉnh điểm khi có ai đó muốn đi du lịch trong dịp này?

Lời khuyên: Đôi khi các tình huống đặc biệt sẽ quyết định thay cho bạn. Chẳng hạn như nếu một thành viên trong gia đình bị ốm, bạn đương nhiên phải ưu tiên dành thời gian thăm nom người đó. Nếu không, tốt nhất là cân bằng thời gian cho bên nội và ngoại. Nếu một trong hai người muốn trốn Tết và người kia thì không, hãy thảo luận những mong muốn của bạn trong ngày lễ một cách thật thà, chân thành đẻ xem liệu hai người có thể thỏa hiệp được gì với nhau.

Bạn à! Mọi xung đột vợ chồng đều sẽ có hướng giải quyết phù hợp. Điều quan trọng là hai bạn có đủ yêu thương, tôn trọng và dành sự thấu hiểu cho nhau hay không mà thôi. Do đó, thay vì khăng khăng giữ lấy ý kiến của mình, các cặp đôi hãy cùng tìm cách hài hòa mong muốn của cả hai để có một thời gian nghỉ Tết thật trọn vẹn và ý nghĩa!

Bài viết liên quan