Mẹ&Con – Chín tháng thai kì, mối liên hệ gắn kết chặt chẽ giữa mẹ và thai nhi chính là nhau thai. Nhau thai được gắn vào tử cung, nhằm đảm bảo cung cấp cho thai nhi đầy đủ chất dinh dưỡng và oxy, đồng thời sản xuất ra đủ hormon giúp bào thai phát triển

Mẹ biết gì về nhau thai? Nhau thai là gì?

Nhau thai cũng liên kết với bào thai thông qua dây rốn. Chính vì quan trọng và đặc biệt như thế nên có đến ngàn lẻ một chuyện xoay quanh chỉ một chữ “nhau” này!

Nhau thai bình thường có hình dạng giống cái đĩa lớn vào thời điểm bé sẵn sàng chào đời, đường kính khoảng 15 – 22cm, nặng khoảng 400 – 600g, bề mặt mịn, sáng bóng, có màu đỏ và dày khoảng 2 – 4cm. Nhau thai là nơi trung gian để thực hiện sự trao đổi chất bổ dưỡng từ mẹ sang con, và ngược lại đưa các chất cần thải bỏ từ con sang mẹ. Nếu có bất kì trục trặc nào ở nhau thai, việc trao đổi chất này không thực hiện được, sẽ không còn sự lưu thông giữa máu mẹ và máu con. Việc đó cũng đồng nghĩa với bạn không thể bảo vệ và nuôi dưỡng bé yêu trong lòng mình nữa.

Không chỉ thế, nhau thai còn giống như một miếng lá chắn, giúp bảo vệ bào thai trước nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Có nhau thai, bé phần nào được bảo vệ, che chở để có thể phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nhau thai đành “bất lực”, ví dụ như vi-rút cúm, vi-rút Rubella… vẫn có thể xâm nhập vào bào thai dù đã có nhau thai. Ngoài ra, nhau thai cũng không “cản” nổi các chất độc hại từ rượu, thuốc lá, ma túy… nên nếu mẹ sử dụng những chất này thì chất độc hại vẫn “lách” được qua nhau thai để truyền thẳng tới thai nhi trong bụng mẹ.

Nhau thai - mang bầu
tinh-trang-nhau-thai-bam-mat-sau-co-tot-khong

Thường thì hiếm khi có “trục trặc” với nhau thai. Song cũng có những trường hợp nhau thai bị phù do mẹ dùng những chất độc hại (rượu, thuốc lá…) như đã nói trên, do nhiễm trùng, hoặc do bất thường nhiễm sắc thể gây ra bất thường giữa nhau và thai. Rất tiếc, cho đến lúc này vẫn không có cách gì điều trị một khi đã bị phù nhau thai. Do đó, chẳng may gặp phải “sự cố” này thì chỉ có cách chủ động bỏ thai, hoặc cứ để thai tiến triển một thời gian cho đến khi tự mất do nhau không đủ sức đảm nhiệm chức năng dinh dưỡng cho thai nữa.

Ngoài ra, có một “trục trặc” khác thường gặp ở những tháng cuối thai kì là hiện tượng canxi hóa bánh nhau. Đây là hiện tượng có lắng đọng canxi giữa bánh nhau và cơ tử cung. Thật ra, xin nói rõ là hiện tượng canxi hóa bánh nhau diễn ra suốt thai kì và là một dấu hiệu bình thường, như đồ vật dùng lâu ngày thì “cũ” dần thôi. Tuy nhiên, sẽ là nguy hiểm nếu ở những tháng cuối thai kì, bánh nhau bị canxi hóa với cấp độ nặng.

Cấp độ canxi hóa bánh nhau được tính như sau: Độ 0 – tuổi thai khoảng 31 tuần (+/- 1 tuần); Độ 1 – tuổi thai 34 tuần (+/- 3,2 tuần); Độ 2 – tuổi thai 37,6 tuần (+/- 2,7 tuần); Độ 3 – tuổi thai 38,4 tuần (+/- 2,2 tuần). Trường hợp nếu thai dưới 33 tuần tuổi mà độ canxi hóa đã chuyển sang cấp độ 2 hoặc 3 thì phải khám thai thường xuyên để bác sĩ theo dõi. Một số trường hợp khi sự canxi hóa bánh nhau ảnh hưởng đến bé, có khả năng gây suy dinh dưỡng bào thai, cao huyết áp, suy thai… thì có khi sẽ phải đình chỉ thai để đưa bé sinh non sớm hơn dự tính nhằm bảo đảm cho bé không gặp nguy hiểm với tình trạng bánh nhau.

“Chăm sóc” cho nhau thai

Để tránh tình trạng canxi hóa bánh nhau như đã nói ở trên, lời khuyên của bác sĩ dành cho thai phụ là chỉ uống sữa ở mức vừa phải (theo hướng dẫn của bác sĩ), không tự ý bổ sung quá nhiều canxi vào chế độ ăn hàng ngày với mong muốn con cứng cáp khỏe mạnh. Việc lạm dụng canxi của mẹ có khả năng khiến canxi bị thừa, lắng đọng ở bánh nhau gây nên hiện tượng canxi hóa bánh nhau.

Thêm vào đó, mẹ cũng cần đi khám thai theo đúng định kì để các bác sĩ có thể theo dõi cũng như phát hiện ra bất kì hiện tượng bất thường nào ở nhau thai. Ví dụ như có một số trường hợp, nhau thai bị tuột khỏi thành tử cung, bám quá chặt hoặc bám sai vị trí thì bắt buộc phải được theo dõi nghiêm ngặt vì không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi mà có nguy cơ ảnh hưởng cả đến tính mạng của người mẹ nữa.

Thai phụ cũng cần chú ý, trong trường hợp bị cao huyết áp thì cần đi khám thai càng sớm càng tốt và cần kiểm soát huyết áp thông qua chế độ dinh dưỡng, thuốc… Song song đó, cần hạn chế tối đa các chấn thương bụng, tuyệt đối tránh hút thuốc, uống rượu. Vì tất cả những yếu tố vừa kể trên đều là yếu tố có khả năng gây đứt rời nhau thai, tức nhau thai rời khỏi thành tử cung trước khi sinh, khiến bé yêu trong bụng không được nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng nữa.

Cuối cùng, mẹ cũng nên biết rằng sau khi em bé được sinh ra, nhau thai cũng bị đẩy ra ngoài. Song, một vài trường hợp đặc biệt, nhau thai không được đẩy hoàn toàn ra ngoài. Lúc này một phần của nhau thai vẫn còn lại trong tử cung mà theo dân gian hay gọi là “sót nhau”. Trong trường hợp này, có thể thai phụ sẽ được gây tê và được thực hiện việc lấy nhau thai ra bởi các bác sĩ sản khoa giỏi, nhằm hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với mẹ.

Chăm sóc cho… nhau

Cẩn thận nhau thai bám thấp!

  • Nhau thai bám thấp là tình trạng nhau thai bao phủ một phần hoặc tất cả cổ tử cung. Khi sinh nở, nếu nhau thai bám thấp, bé sẽ bị chặn lại ở cổ tử cung không ra ngoài được. Các mạch máu nối nhau thai tới tử cung có thể mòn dẫn đến chảy máu nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con trong quá trình chuyển dạ.
  • Nếu bị nhau thai bám thấp, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình mang thai, chờ đến tuần thứ 34, kiểm tra xem phổi của bé đã hoàn thiện chưa. Nếu phổi bé đã hoàn thiện tốt, bác sĩ sẽ thực hiện việc sinh mổ cho mẹ để tránh những biến chứng bất thường trong quá trình sinh nở.Nhau thai là cơ quan liên kết mẹ và thai nhi trong bụng, là một phần thiết yếu của thai kì và được đào thải sau khi bạn sinh con.
Tags:

Bài viết liên quan