Bị muỗi đốt quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị sốt xuất huyết. Hiện nay có rất nhiều cách đuổi muỗi từ thiên nhiên như dùng sả, tỏi, cây xô thơm,… để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình thay vì dùng nhang muỗi hoặc các chất đuổi muỗi hóa học. Cùng tìm hiểu bạn nhé!
Vì sao chúng ta bị muỗi đốt?
Một số người thường bị muỗi đốt hơn người khác. Điều này do các nguyên nhân như:
- Do trang phục: Thị giác ở muỗi thường rất nhạy. Chúng sẽ dễ dàng nhận biết đối tượng con người nếu bạn mặc quần áo màu đậm như đỏ, đen, xanh dương đậm,…
- Do nhóm máu: Người có nhóm máu O có nguy cơ “thu hút” muỗi đốt cao hơn gấp 2 lần so với những người thuộc nhóm máu A. Với người nhóm máu B, độ thu hút muỗi sẽ ở mức trung bình.
- Do hơi thể: Những người to con, thở mạnh sẽ dễ bị muỗi đốt hơn do muỗi đánh hơi được khí CO2 (carbon dioxide) cách xa tới khoảng gần 500m. Nếu bạn không tìm cách đuổi muỗi, muỗi sẽ liên tục bay đến và “hút máu” mỗi khi bạn thở mạnh.
- Do mang thai: Hơi thở của phụ nữ mang thai có lượng CO2 cao hơn đến 21%, làm tăng nguy cơ bị muỗi đốt.
- Do thân nhiệt: Muỗi không chỉ “đam mê” với khí CO2 mà còn vô cùng nhạy với axit lactic, axit uric và nhiều hợp chất khác trong mồ hôi. Khi thân nhiệt cao, dễ đổ mồ hôi thì muỗi cũng sẽ nhận biết được bạn nhanh hơn. Đây là lý do chúng ta dễ bị muỗi đốt sau khi vận động, tập thể dục.
- Do vi khuẩn: Da chính là nơi “cư ngụ” của các loại vi khuẩn và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, muỗi rất dễ bị thu hút bởi vi khuẩn. Do đó, nếu không vệ sinh cơ thể sạch sẽ, muỗi sẽ thích “tấn công” bạn hơn đấy.
- Do uống bia: Khi uống bia, cơ thể bạn sẽ gia tăng lượng ethanol làm tăng tiết mồ hôi và nhiệt độ cơ thể, tăng nguy cơ bị muỗi đốt.
Bị muỗi đốt nhiều có sao không?
Nếu không tìm được cách đuổi muỗi và thường xuyên bị muỗi đốt thì có sao không? Muỗi đốt nhiều sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Cụ thể, các thống kê cho thấy mỗi năm có đến hơn 750.000 người chết do các căn bệnh do muỗi gián tiếp lây nhiễm. Trong đó, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em.
Sốt xuất huyết Dengue
Bị muỗi vằn đốt có thể dẫn đến bệnh sốt xuất huyết với các triệu chứng ban đầu bao gồm đau bụng, sốt cao liên tục, buồn nôn,… Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, có thể cảm thấy đau nhức hai bên hố mặt, đau cơ, lỗ chân lông bị xung huyết,… Trong trường hợp không kịp phát hiện, điều trị, người bệnh có thể bị giảm huyết áp đột ngột, chảy máu nặng và tử vong.
Sốt rét
Với những gia đình không tìm được cách đuổi muỗi, để muỗi xuất hiện nhiều trong không gian nhà ở thì sẽ có nguy cơ cao bị sốt rét – một căn bệnh truyền nhiễm do muỗi gián tiếp lây truyền. Người bị sốt rét dễ cảm thấy ớn lạnh, nhức mỏi, vã mồ hôi,… Hiện nay, trên thế giới mỗi năm vẫn có đến hơn 515 triệu người bị sốt rét và trong số đó, số người tử vong là 1-3 triệu người.
Virus Zika
Một căn bệnh vô cùng nguy hiểm do muỗi gây ra chính là nhiễm virus Zika. Chủng virus này có thể lây từ mẹ sang con, lây qua đường tình dục và đường máu. Khi trẻ nhiễm virus Zika có thể gặp hàng loạt biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe, chẳng hạn như bị bại não, mắc bệnh đầu nhỏ.
Sốt vàng da
Sốt xuất huyết có một biến thể khác, ít để lại biến chứng độc hại nhưng chưa có biện pháp điều trị đặc trị, đó chính là sốt vàng da. Người bệnh bị sốt vàng da không chỉ có da vàng mà còn bị vàng mắt, suy chức năng thận, gan, chảy máu mắt mũi miệng.
Thống kê số người mắc bệnh sốt vàng da cho thấy, có đến 50% người bệnh tử vong và đa phần đều do bị muỗi đốt.
Viêm não Nhật Bản
Bị muỗi đốt có thể dẫn đến viêm não Nhật Bản – một căn bệnh gây ra hơn 10.000 cái chết trên toàn thế giới mỗi năm. Các triệu chứng khi bị viêm não Nhật Bản thường là: nhức đầu, sốt, khó nuốt, khó thở, rối loạn khả năng phát âm, tiêu chảy, nôn ói, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này nhưng đối tượng mắc bệnh chính là trẻ em. Vì thế, trẻ dưới 15 tuổi cần tiêm vắc xin phòng ngừa để hạn chế tối đa các ảnh hưởng.
Cách đuổi muỗi hiệu quả bạn cần biết
Cách đuổi muỗi với tinh dầu thiên nhiên
Các loại tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu tràm, tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu sả,… vô cùng an toàn và có công dụng đuổi muỗi vô cùng hiệu quả. Với những gia đình có con nhỏ, bạn có thể áp dụng cách đuổi muỗi này mà không cần lo lắng tinh dầu làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Để đuổi muỗi bằng tinh dầu, bạn có thể thoa tinh dầu thiên nhiên lên trên quần áo của trẻ. Như vậy, muỗi sẽ không lại gần và tấn công con. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng máy xông tinh dầu đuổi muỗi để không gian trong nhà thêm sạch thơm, không còn muỗi nữa.
Cách đuổi muỗi bằng bã cà phê
Bạn muốn đuổi những con muỗi vo ve đáng ghét cứ quanh quẩn trong nhà? Hãy thử áp dụng cách đuổi muỗi bằng bã cà phê xem sao bạn nhé.
Không gian ẩm ướt chính là nguyên nhân chính để muỗi sinh sôi và phát triển. Vì thế, bạn có thể trữ lại bã cà phê sau khi sử dụng cà phê pha phin và rắc bã cà phê lên những khu vực bị ẩm ướt, tích tụ nước khó thể làm khô được. Nhờ vậy mà muỗi sẽ không có nơi đẻ trứng và trứng đã có cũng không còn đủ độ ẩm để nảy nở.
Cách đuổi muỗi bằng dầu gió
Tủ thuốc gia đình của chúng ta thường sẽ có những lọ dầu gió với công dụng xoa bóp, thoa khi đau bụng, thoa vào vết muỗi đốt. Và dầu gió cũng có thể hỗ trợ đuổi muỗi vô cùng hiệu quả.
Một số cách đuổi muỗi bằng dầu gió mà bạn có thể áp dụng như:
- Bôi dầu trực tiếp lên làn da để mùi hương của dầu gió trở thành tấm khiên giúp muỗi không đến gần bạn. Tuy nhiên, cần lưu ý không áp dụng cách này với trẻ em vì da trẻ còn rất non nớt, dễ bị bỏng.
- Bạn cũng có thể mở nắp lọ dầu rồi để trong một góc phòng, khu vực có nhiều muỗi nhất để mũi bay đi.
- Cách đuổi muỗi bằng dầu gió cuối cùng chính là bôi dầu gió lên cánh quạt để mùi hương dầu gió được lan tỏa khắp không gian nhà ở.
Cách đuổi muỗi bằng vỏ bưởi
Sau khi gọt vỏ bưởi, bạn có thể tận dụng phần vỏ này để phơi nắng thật khô rồi mang vào nhà, dùng nến đốt. Mùi hương tỏa ra từ vỏ bưởi không chỉ giúp đuổi muỗi hiệu quả mà còn là một giải pháp giúp làm thơm phòng, khiến không gian nhà ở của bạn thêm thơm ngát mùi hương tự nhiên, không còn mùi ẩm mốc khó chịu.
Nếu không có bưởi, bạn có thể thay thế bằng vỏ cam, chanh, quýt,… để áp dụng cách đuổi muỗi và làm thơm phòng này. Chỉ sau một vài lần đốt, bạn sẽ thấy không gian nhà mình thêm thoáng đãng, thơm ngát đấy.
Cách đuổi muỗi bằng nước rửa chén bát
Nước rửa chén không chỉ có tác dụng làm sạch chén bát mà còn có thể sử dụng để đuổi muỗi vô cùng hiệu quả. Chỉ cần cho một ít nước rửa bát ra đĩa và đặt ở góc phòng, bạn sẽ thấy muỗi dần tránh xa không gian nhà ở của mình.
Cách đuổi muỗi bằng lá tía tô và cây húng chanh
Lá tía tô và cây húng chanh có công dụng đuổi muỗi vô cùng hiệu quả. 2 loại cây này vô cùng dễ trồng, không cần tưới nước thường xuyên nhưng vẫn phát triển tươi tốt. Bạn chỉ cần trồng các loại cây này trong nhà là vừa có thể hạn chế muỗi, vừa có thêm rau sạch phục vụ cho những bữa ăn trong gia đình rồi đấy nhé.
Cách đuổi muỗi bằng cây sả
Muỗi rất ghét mùi hương tỏa ra từ cây sả. Do đó, bạn có thể trồng sả trong khu vực không gian nhà ở để hạn chế muỗi và ngăn ngừa nguy cơ bị muỗi đốt. Cây sả rất dễ trồng nên bạn không cần phải lo lắng việc không khéo tay thì không trồng được.
Cách đuổi muỗi bằng cây xô thơm
Một loại cây khác cũng được muỗi xem như “khắc tinh” chính là cây xô thơm. Bạn có thể phơi khô cây xô thơm rồi sau đó đốt chúng trên than củi, đặt trong các góc tường. Bạn sẽ bất ngờ với hiệu quả đuổi muỗi mà loại cây này mang lại.
Cách đuổi muỗi bằng tỏi
Mùi nồng của tỏi cũng có thể giúp bạn đuổi muỗi hiệu quả. Do đó, bạn có thể lấy tỏi cắt thành từng lát mỏng rồi sau đó rải ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà. Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng bụi tỏi nhỏ trong nhà để ngăn ngừa muỗi và có thêm gia vị cho các bữa ăn hằng ngày.
Nhiều người thích ăn tỏi vì dầu tỏi do da hấp thụ có thể giải phóng ra ngoài lỗ chân lông và khiến muỗi “chán ghét” không muốn đến gần. Hơn nữa, tỏi còn có tác dụng chống viêm, ngăn ngừa lão hóa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc ăn tỏi quá nhiều có thể để lại mùi hôi trên cơ thể nên hãy cân nhắc thật kỹ bạn nhé.
Cách đuổi muỗi bằng cây khuynh diệp
Cũng như sả, cây khuynh diệp cũng có mùi khá nồng, cản trở các giác quan của muỗi để muỗi không thể tìm được mùi tỏa ra từ cơ thể của chúng ta. Vì thế, bạn có thể lấy tinh dầu khuynh diệp bôi lên cổ tay, mắt cá chân hoặc xông tinh dầu khuynh diệp khắp không gian nhà ở.
Cần lưu ý gì khi áp dụng các cách đuổi muỗi?
Các cách đuổi muỗi trên đây có thể giúp muỗi tránh xa không gian nhà bạn. Tuy nhiên, để có thể đuổi muỗi hiệu quả nhất và phòng ngừa muỗi đốt, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Dọn dẹp không gian nhà ở: Không gian có quá nhiều vật dụng, dễ bị tồn đọng nước sẽ tạo cơ hội cho muỗi “cự ngụ”. Do đó, song song với việc áp dụng các biện pháp đuổi muỗi, cũng cần vệ sinh không gian nhà, dọn dẹp các vật dụng không cần thiết, đặc biệt là các vật dụng như xô, chậu, thùng – những vật dụng dễ làm tồn đọng nước. Những vật dụng nào có nước, cần đổ sạch nước đi để tránh muỗi đẻ trứng.
- Chú ý khu vực cống rãnh: Không chỉ vệ sinh khu vực trong nhà mà bạn cũng cần phải chú ý đến khu vực cống rãnh bởi khu vực này thường cũng dễ bị tồn đọng nước.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ: Như Mẹ và Con đã bật mí, vi khuẩn trên da cũng sẽ thu hút muỗi nhiều hơn. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng những cách đuổi muỗi được gợi ý phía trên, bạn cũng đừng quên vệ sinh cơ thể thường xuyên với xà phòng để đẩy lùi vi khuẩn đang “ẩn nấp” trên da. Đặc biệt, cần tắm rửa và vệ sinh cho trẻ em sau khi trẻ vận động, đặc biệt là vận động ngoài trời bởi mồ hôi có thể làm tăng lượng vi khuẩn trên da của trẻ cộng thêm lượng vi khuẩn xâm nhập khi trẻ tiếp xúc với không gian bên ngoài.
- Không dùng quá nhiều thuốc đuổi muỗi có hóa chất: Một vấn đề cần lưu ý chính là nên hạn chế các loại thuốc đuổi muỗi có hóa chất độc hại bởi khi hít các loại hóa chất này sẽ vô cùng nguy hiểm. Nên ưu tiên các cách đuổi muỗi từ thiên nhiên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bạn mệt mỏi và lo lắng vì không gian nhà ở có nhiều muỗi? Hãy áp dụng ngay những cách đuổi muỗi mà Tạp chí Mẹ và Con bật mí bạn nhé!