Mẹ&Con – Trong quá trình mang thai, mắt thai nhi được hình thành ở vào khoảng tuần thứ 7 đến cuối tuần thứ 8 và tiếp tục phát triển, hoàn thiện cho đến khi bé chào đời.

Không cần nói thêm về tầm quan trọng của đôi mắt, vì chỉ cần bạn nhắm mắt lại 5 phút thôi, bạn sẽ thấy “cuộc sống” của mình khác hẳn!

bệnh mắt ở trẻ sơ sinh

1. Làm gì khi mắt con dính ghèn?

Không ít bà mẹ (nhất là các bà mẹ mới có con đầu lòng) mặt mày tái xanh khi một sớm mai kia bỗng thấy con ngằn ngặt khóc, ngọ nguậy và… không thể mở mắt ra được. Quan sát kỹ hơn, sẽ phát hiện trên lông mi mắt trẻ bị dính ghèn. Đây là một dạng nhiễm trùng mắt (nhẹ) khá thường gặp ở trẻ sơ sinh trong những tuần đầu tiên khi bé mới chào đời.

Hiện tượng này có nghiêm trọng không? Câu trả lời có thể khiến bạn mừng là: Không! Tuy nhiên, bạn cần hết sức lưu tâm, chăm sóc mắt trẻ đúng cách để tránh tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, hoặc chuyển sang viêm kết mạc mắt.

Xử lý hiện tượng này: Tốt nhất bạn nên dùng một ít bông gòn sạch và rửa mắt cho trẻ thật cẩn thận, nhẹ nhàng bằng nước đun sôi để nguội. Hãy rửa mắt cho trẻ nhiều lần mỗi khi thấy đổ ghèn. Trên thị trường có một số dung dịch rửa mắt cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên bạn không nên tự ý dùng mà chỉ dùng khi bác sĩ chỉ định. Bạn cũng cần lưu ý là khi lau, không nên dùng một miếng bông lau từ mắt này sang mắt kia vì như thế vô tình sẽ làm trẻ có thể bị lây (từ bị nhiễm trùng một bên thành hai bên mắt). Cho trẻ nằm ngủ buổi tối, nếu trẻ nằm nghiêng hãy chú ý “lật” bé nằm ở tư thế nghiêng sao cho mắt bị đau ở bên trên, tránh tiếp xúc với drap giường.  ‎

2. Làm gì khi mắt con bị đỏ?  

Trong những tháng đầu tiên sau khi sinh, bạn có thể rất hốt hoảng khi phát hiện mắt bé bị đỏ, cộm, đổ nhiều ghèn. Con thường xuyên dụi mắt và rất khó chịu. Đây là bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ. Bệnh có thể do siêu vi hay vi khuẩn gây nên.

Hiện tượng này có nghiêm trọng không? Có nghiêm trọng rồi đấy! Tuy nhiên, bạn cũng không cần thiết phải vội vàng đưa bé vào ngay bệnh viện. Đau mắt đỏ có thể khỏi được nếu bạn có cách chăm sóc tốt tại nhà.

Xử lý hiện tượng này, bạn có thể hòa tan nửa muỗng cà phê muối vào một ly nước đun sôi để nguội còn âm ấm. Dùng bông gòn tẩm dung dịch này để rửa mí mắt cho trẻ. Sau mỗi lần lau ở một bên mắt, nhớ thay bông gòn mới. Bạn cũng cần lưu ý là bắt buộc phải vệ sinh tay mình thật sạch trước khi chăm sóc mắt cho bé.

Sau 3-5 ngày chăm sóc tại nhà, nếu mắt bé vẫn không đỡ hoặc có hiện tượng mí mắt bị dính vào nhau, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để khám và điều trị. 

Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Ba 

Cẩn trọng với tắc “lệ đạo” bẩm sinh

Hiểu theo cách đơn giản nhất thì “lệ” là nước mắt, “đạo” là con đường. Lệ đạo chính là hệ thống đường dẫn nước mắt đi từ vùng hố lệ đến khe mũi dưới. Nước mắt vào lệ đạo qua điểm lệ, chảy trong lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi và chảy vào vùng mũi họng qua khe mũi dưới.

Khi nước mắt không chảy vào lệ đạo mà lại chảy ra ngoài sẽ gây nên hiện tượng chảy nước mắt sống thì nguyên nhân thường gặp nhất là do tắc lệ đạo, nhất là đối với trẻ sơ sinh. Khi phát hiện thấy trẻ bị chảy nước mắt sống hoặc thường thấy đọng nước ở khe mi thì nên đưa trẻ đi khám ngay, để được điều trị đúng và kịp thời.

Việc điều trị tắc “lệ đạo” bẩm sinh tùy theo tuổi của trẻ. Đối với trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi, bác sĩ sẽ điều trị chủ yếu bằng cách day, xoa nắn vùng túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh tra tại mắt nếu có viêm nhiễm đi kèm. Không nên bơm thông lệ đạo trong thời kỳ này vì dễ gây tổn thương lệ đạo. Hơn nữa trong thời kỳ này lệ đạo có thể tự thông.

Đối với trẻ từ 3-12 tháng tuổi, bác sĩ sẽ điều trị bằng bơm thông lệ đạo, kết quả thông rất khả quan. Trường hợp trẻ lớn hơn 1 tuổi, bơm thông lệ đạo thường kém hiệu quả. Điều trị lúc này chủ yếu bằng mổ nối thông túi lệ mũi khi trẻ lớn hơn hoặc tiến hành đặt silicon qua hai lệ quản giúp nước mắt chảy xuống mũi.

Tags:

Bài viết liên quan