Mẹ và Con - Nếu người vợ không thể sinh con, liệu có nên đồng ý để gia đình chồng tìm người mang thai hộ cho hai vợ chồng hay không?

Với một số gia đình truyền thống hiện nay, sinh con nối dõi tông đường là bổn phận, trách nhiệm của các đôi vợ chồng sau khi kết hôn. Nếu chẳng may cả hai kết hôn đã lâu nhưng khó thụ thai, 99% gia đình cho rằng đó là lỗi của người vợ. Và không ít các ông chồng, các bà mẹ chồng tính toán chuyện nhờ người mang thai hộ, sinh con ra rồi hai vợ chồng cùng nuôi. Những tưởng đây là một cách giải quyết hợp tình hợp lý nhưng phía sau đó là không ít nỗi niềm… Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con lắng nghe tâm sự và xem chuyên gia nói gì về việc này bạn nhé!

mang thai hộ

“Cô đẻ làm được thì để người khác đẻ!”

Một độc giả giấu tên đã gửi chia sẻ đến Tạp chí Mẹ và Con:

“Vợ chồng em kết hôn với nhau cũng được 5 năm rồi. Mãi mà vẫn chưa có mụn con nào. Sốt ruột quá nên hai vợ chồng em cũng đưa nhau đi khám, bác sĩ bảo cổ tử cung em bị dị dạng, khó thụ thai. Sau khi biết chuyện, chồng em và gia đình chồng liền tính đến chuyện tìm người để mang thai hộ. Em phản đối thì mẹ chồng bảo không đẻ được nên im miệng để người khác đẻ, nếu còn phản đối thì ly hôn, chồng em tìm người khác cưới để còn có con có cháu mà nối dõi. Từ ngày hôm đó đến giờ cuộc sống của em chẳng khác gì địa ngục, vợ chồng lạnh nhạt với nhau, không nói với nhau câu nào cũng chẳng thiết tha gì chuyện chăn gối. Ngày nào em cũng bị mẹ chồng và em chồng gièm pha, bảo là “cau điếc”. Em không biết phải làm gì bây giờ…”

Pháp luật Việt Nam có cho phép mang thai hộ hay không?

Trước tiên, hãy cùng chuyên gia của Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu xem hiện nay, tại Việt Nam có được mang thai hộ hay chưa bạn nhé! Theo Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

“Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để hưởng lợi về kinh tế hoặc một lợi ích khác.”

Hiện nay, Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã cho phép mang thai hộ nhưng chỉ với mục đích nhân đạo, không được vì mục đích kinh doanh hay thương mại hóa.

nhờ người mang thai hộ

Để được Luật pháp chấp nhận, cặp vợ chồng khi tìm người mang thai cần có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, gặp phải một trong những vấn đề sau:

  • Có vấn đề bất thường về tử cung.
  • Bị dị dạng tử cung bẩm sinh hoặc đã từng phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
  • Điều kiện sức khỏe không tốt, mắc các bệnh mãn tính nguy hiểm không thể mang thai được như: suy thận, suy tim… vì những bệnh này có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và bé.
  • Tiền sử người mẹ đã bị sảy thai nhiều lần.

Ngoài ra, để được tìm người mang thai hộ, cả hai vợ chồng phải thuộc diện đang không có con chung và đã được tư vấn về y tế, tư vấn, pháp lý.

Ai được phép mang thai hộ?

Không phải ai cũng có quyền nhận mang thai hộ. Để tránh các phát sinh, hệ lụy, tranh chấp, Khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định cụ thể về người nhận mang thai hộ:

  • Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.
  • Người thân thích ở đây bao gồm Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của vợ hoặc chồng.
  • Người đó đã từng sinh con một lần và chỉ được mang thai hộ một lần.
  • Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhân của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
  • Phải có sự đồng ý của chồng ( nếu người được nhờ mang thai hộ đã có chồng)
  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

que thử thai

Có nên đồng ý để chồng tìm người mang thai hộ hay không?

Thật khó để có thể có câu trả lời chính xác rằng, có nên đồng ý để chồng và gia đình chồng tìm người mang thai hộ hay không. Xét về mặt tích cực, cả hai sẽ có con chung và con cái có thể được xem như tài sản lớn nhất của bố mẹ, giúp gắn kết gia đình lại với nhau. Sau khi có con, mâu thuẫn của hai vợ chồng cũng như mâu thuẫn giữa bạn và gia đình chồng có thể sẽ có khả năng được hóa giải.

Tuy nhiên, quyết định này có thể cũng sẽ dẫn đến một số khó khăn hay tình huống bất ngờ mà bạn cần chuẩn bị tâm lý từ đầu. Trước tiên chính là cảm giác tủi thân của người phụ nữ, phải bất lực nhìn người khác mang nặng đẻ đau con của mình và chồng mình. Gần như bị tước mất trải nghiệm thiêng liêng nhất của cuộc đời người phụ nữ là việc vô cùng xót xa…

Liệu chồng mình có tình cảm với người mang thai hộ hay không cũng là một vấn đề khiến nhiều bà vợ đau đầu trước quyết định lớn này. Dĩ nhiên, là con người ai cũng lo sợ mất đi người mà mình yêu thương. Vì thế, dễ hiểu khi các bà vợ lo lắng sau khi người được nhờ có thai, chồng của mình sẽ phải quan tâm, chăm sóc người ấy thường xuyên và bỗng một ngày họ có tình cảm với nhau, mình trở thành người dư thừa trong cuộc sống hôn nhân của chính mình.

Và chưa kể, những đứa trẻ khi lớn lên, biết được mẹ mình không phải là người mang thai mình, sinh ra mình có thể cảm thấy bối rối, không biết ai mới thật sự là mẹ. Dù người lớn có giải thích như thế nào đi chăng nữa thì suy nghĩ của trẻ con vẫn rất dễ hiểu sai về vấn đề này, làm rạn nứt tình cảm mẹ con.

nhờ mang thai

Nên làm gì trước khi tìm người mang thai hộ?

Quyết định tìm người mang thai hộ có thể nói là một quyết định lớn và khó khăn đối với các cặp vợ chồng khi khó thụ thai, không thể có con. Để tránh các hậu quả, hệ luỵ và rắc rối về sau, bên cạnh việc tuân thủ đúng như những gì Luật pháp đã quy định, các cặp vợ chồng nên dành thời gian ngồi lại với nhau, thẳng thắn trình bày quay điểm, suy nghĩ, lo lắng của mình. Hãy cho đối phương biết cảm giác của bạn, những gì bạn đang nghĩ đến. Và cũng đừng quên thống nhất với nhau các quy định, nguyên tắc khi tìm người mang thai hộ để tình cảm vợ chồng không bị rạn nứt sau quyết định này, bạn nhé!

Và trên hết, hãy nghĩ thoáng hơn rằng con cái là lộc trời cho. Rồi con cũng sẽ lớn, có gia đình riêng, không sống cùng bố mẹ nữa. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là hai người sống cùng nhau có hạnh phúc hay không, có thể ở bên nhau đến cuối con đường hay không mà thôi. Đừng quá đặt nặng việc có con, cuộc sống hôn nhân của hai bạn sẽ dễ thở hơn rất nhiều.

có thai

Nếu bạn và chồng đang tính đến việc tìm người mang thai hộ vì bạn không thể sinh em bé, hãy bình tâm suy nghĩ thật kỹ, cân nhắc các mặt lợi – hại. Đừng chỉ vì quá muốn có con chung với chồng hay nhượng bộ gia đình chồng mà đồng ý bởi đây là cuộc hôn nhân của bạn, sướng khổ bạn là người gánh nên hãy đưa ra các quyết định vì thật tâm bạn muốn thế, bạn nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.