Mẹ và Con - Xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện sớm dị tật rất quan trọng. Tất cả các bà bầu đều được khuyến cáo nên làm đầy đủ xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe thai nhi là bình thường. Trong đó, không thể không kể tới xét nghiệm Double test.

Xét nghiệm Double test là một sàng lọc an toàn, dễ thực hiện nhưng có độ chính xác khá cao nhằm giúp phát hiện sớm các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể thường gặp như hội chứng Down, Edwards và Patau.

Xét nghiệm Double test là gì?

Xét nghiệm Double test là phương pháp được thực hiện vào khoảng tuần thứ 11 đến 13 thai kỳ, tốt nhất là vào tuần thai thứ 12. Phương pháp này xét nghiệm máu của mẹ và tiến hành định lượng nồng độ β-hCG tự do và PAPP-A. Trong đó:

  • β-hCG tự do là thành phần chính của hormone hCG. hCG xuất hiện trong huyết thanh của mẹ vào khoảng 6-8 ngày sau khi trứng được thụ tinh và đạt nồng độ cao nhất sau 50 – 80 ngày tính từ kỳ kinh nguyệt cuối. Nếu thai nhi mắc bệnh Down thì nồng độ β-hCG tự do sẽ tăng khá cao trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai.
  • PAPP-A là một loại glycoprotein do nhau thai bài tiết. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nếu thai nhi mắc hội chứng Down thì nồng độ PAPP-A sẽ giảm đáng kể. Phương pháp đo nồng độ PAPP-A  chỉ sử dụng được trong tam cá nguyệt đầu tiên vì sau đó dù thai có mắc Down hay không thì PAPP-A vẫn không có nhiều thay đổi.

Một số trường hợp đặc biệt được khuyến cáo nên làm xét nghiệm Double test:

  • Bà bầu trên 35 tuổi
  • Bà bầu có tiền sử sảy thai, thai lưu
  • Người thân của mẹ có tiền sử dị tật bẩm sinh
  • Bà bầu bị nhiễm virus trong thời gian mang thai
  • Kết quả siêu âm thai khi khám định kỳ cho thấy độ mờ da gáy thuộc trường hợp nguy cơ cao.
Xét nghiệm Double test
Xét nghiệm Double test

Ưu nhược điểm của Double test

Ưu điểm

Xét nghiệm hoàn toàn an toàn, không gây bất kỳ rủi ro nào cho mẹ bầu. Quy trình thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, không xâm lấn. Kết quả tương đối nhanh với độ chính xác cao (khoảng 80% – 90%). Là cách đơn giản để dự đoán tình hình sức khỏe thai nhi để chẩn đoán chính xác hơn.

Nhược điểm

Một số trường hợp dương tính giả có thể khiến mẹ lo lắng dù được giải thích là kết quả chỉ mang tính ước đoán. Nếu mang thai thì kết quả xét nghiệm thường kém chính xác.

Xét nghiệm Double test gồm những gì?

Quy trình làm Double test cũng không phức tạp. Mẹ bầu được lấy máu ở tĩnh mạch để làm xét nghiệm. Xét nghiệm này nhằm tính toán kiểm tra định lượng β-hCG tự do và PAPP-A trong máu.

Sau đó kết hợp với độ mờ da gáy (NT), chiều dài đầu mông (CRL) của thai nhi và một số thông số khác để tính toán hệ số Corr.MOM cũng như đánh giá nguy cơ thai nhi có bất thường.

Double test cùng với những chỉ số khác được gọi chung là combined test. Thực tế thì các cơ sở y tế sẽ làm Combined test để có kết quả chính xác hơn. Dù tên gọi phổ biến vẫn là Double test (nhằm phân biệt với Triple test).

Cần hiểu rằng Xét nghiệm Double test chỉ mang tính dự đoán nguy cơ. Tức là xét nghiệm chỉ dự đoán thai nhi có nguy cơ cao mắc các dị tật bẩm sinh chứ không thể khẳng định 100% là có mắc phải hay không. Nếu kết quả xét nghiệm Double test cho thấy có thể có dị thường thì cần làm thêm những xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác hơn.

Thường bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp không xâm lấn NIPT hoặc xâm lấn chọc ối: Xét nghiệm ADN của thai nhi trong mẫu máu người mẹ hoặc nước ối để đánh giá dị tật bẩm sinh, độ chính xác có thể lên tới 99,9%.

Một số thắc mắc thường gặp khi làm Double test

Xét nghiệm Double test có phải nhịn ăn không?

Mặc dù Double test là một xét nghiệm máu, nhưng mẹ bầu không cần nhịn ăn trước khi tiến hành như những xét nghiệm máu thông thường khác trừ khi có hướng dẫn riêng từ bác sĩ xét nghiệm.

Ngoài ra mẹ cũng nên báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng nào. Vì một số hoạt chất có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Sẽ cần tạm ngưng sử dụng để đảm bảo độ chính xác của Double test.

Xét nghiệm Double test ở đâu?

Các bệnh viện phụ sản đều có dịch vụ xét nghiệm này. Mẹ nên làm xét nghiệm ở ngay cơ sở y tế khám thai định kỳ để được chăm sóc tốt nhất. Đồng thời cũng giúp bác sĩ có thông tin tổng quát để dễ dàng đánh giá, chẩn đoán tình hình hơn.

Xét nghiệm Double test giá bao nhiêu?

Việc xét nghiệm Double test bao nhiêu tiền sẽ phụ thuộc vào từng cơ sở y tế. Hiển nhiên là chi phí cho xét nghiệm ở bệnh viện tư sẽ cao hơn bệnh viện công. Bù lại, dịch vụ ở cơ sở y tế tư thường tốt hơn, tạo trải nghiệm thoải mái cho mẹ bầu. Tùy theo tình hình tài chính mà mẹ có thể tham khảo giá và cân nhắc kỹ hơn.

Xét nghiệm Double test bao lâu có kết quả

Xét nghiệm Double test bao lâu có kết quả?

Kết quả xét nghiệm nhanh nhất là sau 2-3 giờ. Thông thường, kết quả sẽ có sau 2-3 ngày, chậm nhất là 7-10 ngày tùy vào cơ sở y tế.

Khám thai, sàng lọc dị tật bẩm sinh cho thai nhi cực kỳ quan trọng. Cha mẹ cần lưu ý và khám thai, xét nghiệm đúng các mốc thời gian để đảm bảo độ chính xác trong kết quả. Đồng thời, cần hiểu rõ mục đích của từng loại xét nghiệm để yên tâm hơn. Cần hiểu rằng có trường hợp dương tính giả, cũng như xét nghiệm Double test chỉ đánh giá nguy cơ chứ chưa thể kết luận chính xác.

Bài viết liên quan