Mẹ&Con - Ngỡ như chỉ bắt gặp “rào cản văn hóa” trong trường hợp kết hôn với người nước ngoài. Thế nhưng, sự bén duyên của trai Nam với gái Bắc (hoặc ngược lại) cũng nảy sinh quá nhiều mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống…

Vuot rao can van hoa vung mien

(Hình minh họa)

Nỗi lòng người trong cuộc…

Chị Hiệp (Thủ Đức) thổn thức với chuyên viên tư vấn: “Với công việc đặc thù của phóng viên, lại phụ trách bên mảng thời sự nên tất nhiên thời gian làm việc của mình luôn linh động. Trong khi đó, “anh xã” (người Hà Nội gốc) khá gia trưởng và kỹ tính về mọi mặt. Trước khi lấy nhau, anh luôn hứa hẹn tôn trọng sở thích, nghề nghiệp của mình. Sau khi cưới, lúc vợ chồng son giá tuy cũng có giận hờn nhưng anh vẫn cảm thông.

Từ khi cu Bin chào đời, dù đã tranh thủ đến mức tối đa, chạy “vắt giò lên cổ”, mình cũng không có đủ thời gian để chăm sóc gia đình và hoàn thành công việc. Tệ hơn nữa, các chuyến công tác ở tỉnh diễn ra như “cơm bữa”. Khi ấy, ngoài việc công ty, anh phải kiêm luôn từ giặt giũ, nội trợ đến chăm con. Cũng từ đó, sóng gió bắt đầu nổi lên. Bao nhiêu tức tối kìm nén bấy lâu trong anh có dịp bùng phát. Anh ra “tối hậu thư”: hoặc là mình đổi việc hoặc là nghỉ ở nhà chăm con. Chuyện kinh tế, anh sẽ đảm nhận.

Không chấp nhận quyết định ấy, mình “bí mật” nhờ cô bạn tìm người giúp việc. Anh cũng giận lắm vì mình lại “qua mặt”. Cũng may, chị giúp việc rất tháo vát. Không khí gia đình cũng bớt căng thẳng. Cho đến một hôm, do chị ấy sơ ý, một phần con trai mình khá hiếu động, cháu té và bị gãy tay. Chồng mình không nói, không rằng, cầm tờ đơn ly hôn đã soạn sẵn đưa mình kí. Giờ mình không biết phải làm sao? Từ bỏ công việc mình yêu thích thật khó khăn và tan vỡ hạnh phúc gia đình là điều mình không bao giờ muốn…”

Lấy được chị vợ đảm đang, anh Hùng (Tân Phú) tự hào ra mặt. Nhưng mỗi lần chị vào bếp, anh lại nơm nớp lo sợ. Là con gái Sóc Trăng, chị Hương thường xuyên nấu các món ăn gắn liền với hương vị mắm – đặc sản quê mình. Mỗi lần như thế, anh và bé My lại đèo nhau đi… ăn tiệm. Một mình chị phải “thanh toán” các sản phẩm mình làm ra. Anh Hùng chia sẻ: “Tính vợ tôi hơi bảo thủ và dễ hờn mát. Nhiều lần tôi đã thỏ thẻ cùng cô ấy. Thế nhưng, do thói quen, mắm trở thành “gia vị” không thể thiếu trong các món ăn. Nhiều lúc sợ cô ấy buồn, hai bố con ráng… bịt mũi, nín thở ăn cho xong…”

Cũng gặp khúc mắc về vấn đề “bất đồng văn hoá”, chị Hương (Q.1) tâm sự: “Kinh tế gia đình tôi cũng khá vì cả hai vợ chồng đều có công ăn, việc làm tốt, thu nhập tương đối cao. Nhưng mỗi lần, tôi mua sắm những vật dụng trong nhà hay chi tiền hơi “quá tay” là y như rằng tôi và chồng hục hặc nhau. Sinh ra ở vùng quê miền Trung, nên chồng tôi rất tiết kiệm nhiều khi hóa… keo kiệt. Nhiều lần, tôi đã góp ý nhưng lại đụng chạm đến lòng tự ái vốn có của anh. Thật khó chịu, vì những chuyện không đáng như thế mà vợ chồng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”

Yêu nhau chín bỏ làm mười…

Bằng những trải nghiệm thú vị của chính mình, chuyên viên tư vấn tâm lý Phạm Tam Đỉnh (tổng đài 1088) cho rằng sự khác biệt về vùng, miền có thể sẽ gây khó khăn phần nào trong đời sống vợ chồng trong giai đoạn đầu. Sau một thời gian dài chung sống và gắn bó, những khó khăn đó dường như bé dần và “tiêu biến” mất. Ông còn “ví von” rằng: sự khác biệt ấy giống như là 1 thứ “gia vị đặc biệt”, làm cho cuộc sống vợ chồng thêm phần thi vị. “Là dân miền Nam chính gốc, nhưng tôi lấy vợ xa tít tận miền Trung. Đã quen và yêu nhau mấy năm, chuẩn bị tinh thần khá kỹ nhưng thời gian đầu tôi vẫn thấy “ngộp” về những khác biệt: từ ngôn ngữ đến cách sinh hoạt của gia đình bên vợ. Những lần chuyện trò với “nhạc phụ” hay “nhạc mẫu”, lắm lúc, tôi rơi vào tình huống “dỡ khóc, dỡ cười”, nào là “chi, mô, răng, rứa…”, không hiểu ý hai cụ đang nói gì, chỉ biết gật đầu “vâng, dạ” hoặc cười trừ. Vô tình, vợ tôi trở thành “thông dịch viên” bất đắc dĩ” tự bao giờ”. Chuyên viên tư vấn “bật mí” thêm.

Đồng quan điểm với chuyên viên, chị Quế (Đồng Nai) hớn hở khoe: “Trước kia, tôi luôn đặt ra mục tiêu: phải kết hôn với người cùng quê. Thế nhưng, kế hoạch ấy đã “phá sản” hoàn toàn khi tôi gặp anh – chồng tôi bây giờ, chàng trai Tiền Giang chân chất, thật thà trái ngược hoàn toàn với tính cách ngang bướng của đứa con gái Hải Phòng như tôi. Và niềm hạnh phúc càng nhân đôi vì mẹ chồng tôi là người quá tuyệt vời. Bà luôn gần gũi. Mỗi lần về thăm nhà chồng, tôi luôn được bà tận tình chỉ dạy cách nấu những món ăn ngon hay nhỏ to tâm sự cùng nhau. Mình và mẹ chồng thân thiết nhau lắm, chẳng có “rào cản” gì giữa hai mẹ con cả. Mỗi dịp lễ, tết, mình và chồng đều tranh thủ đưa cháu về thăm lần lượt cả quê nội lẫn quê ngoại”.

Chị Minh Nguyệt – chuyên viên tư vấn tổng đài 1088 cũng nhấn mạnh: “Nếu ‘những người trong cuộc’ biết điều chỉnh cách sống, cư xử phù hợp, cương – nhu đúng thời điểm thì những mâu thuẫn, bất đồng hay ‘chiến tranh lạnh’ giữa vợ chồng và các thành viên trong gia đình sẽ không bao giờ xảy ra. Và những gia đình tan vỡ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi”.

Ông bà ta vẫn thường dạy: “Đồng vợ, đồng chồng: tát biển Đông cũng cạn”. Và vợ chồng là duyên nợ trời ban. Thế nên, nếu bạn ở trong trường hợp vợ (chồng) Bắc và ngược lại thì cũng đừng nên bối rối mà hãy sát cánh cùng (anh ấy,chị ấy) vượt qua những mâu thuẫn, bất đồng và chèo chống “con thuyền hạnh phúc” đi đến bờ bến bình yên.

Làm sao để vượt “rào cản”?

Vượt qua rào cản văn hóa, hóa giải những bất đồng không đáng có trong đời sống vợ chồng tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra cũng lắm truân chuyên. Bạn hãy thử xóa nhòa cái “rào cản” vô hình theo những lời mách bảo dưới đây, bạn nhé!

Nhập gia tùy tục: Đó là điều tất yếu. Yêu nhau cũng đồng nghĩa với việc yêu cả gia đình của người yêu. Và khi chấp nhận lấy nhau, bạn nên làm quen với phong tục, tập quán và “truyền thống” của gia đình người bạn đời của mình nếu sống chung một mái nhà. Sẽ có những khó khăn bước đầu khi bạn hòa nhập trong môi trường hoàn toàn lạ lẫm. Trong trường hợp này, chồng, vợ và các thành viên trong gia đình nên gần gũi, hướng dẫn và tạo điều kiện để “thành viên mới” nhanh chóng đi vào “quỹ đạo” cuộc sống.

Tôn trọng sự khác biệt: Trong trường hợp này, câu nói “hòa nhập chứ không hòa tan” càng có ý nghĩa hơn. Do mỗi người được sinh ra, lớn lên và thừa hưởng những phương pháp giáo dục trong từng môi trường khác nhau của từng gia đình nên tuyệt đối không thể bắt “đối tác” “từ bỏ” hoàn toàn những gì vốn thuộc về cô ấy, anh ấy và “lột xác” hoàn toàn sau khi kết hôn. Giải pháp ưu việt nhất là nên tôn trọng những bản sắc riêng của mỗi người.

Dung hòa lối sống: Ba miền Bắc, Trung, Nam với ngôn ngữ, cách ứng xử, phong tục tập quán, lối sống phong phú và đa dạng. Thế nên, sự kết hợp các cặp vợ chồng giữa các vùng, miền sẽ mang đến nhiều thi vị. Trong quá trình chung sống, sẽ diễn ra quá trình “giao thoa” văn hoá. Nếu như tinh ý, bạn sẽ “chọn lọc” được những điểm hay trong những “cái riêng” để tạo thành “cái chung” cho cả hai người, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của hai vợ chồng.

Khéo léo trong ứng xử: Dành những khoảng thời gian nhất định để gần gũi, tâm sự, quan tâm đến các bậc cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình hai bên. Thường xuyên tổ chức họp mặt gia đình thông qua các bữa cơm thân mật, vui vẻ hàng ngày, hay những chuyến đi chơi xa.

Cùng nhau giải quyết mâu thuẫn: “Bát trong chạn còn khua”. Thế nên, trong đời sống vợ chồng sẽ khó tránh khỏi những bất đồng và mâu thuẫn.

Một điều rất quan trọng không thể không đề cập đến, nếu xảy ra “va chạm”, tranh cãi, vợ chồng nên “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; không sử dụng những thuật ngữ nói xấu, miệt thị xúc phạm nguồn gốc xuất thân, đụng chạm đến gia tộc của cả hai người.

Hai bên nên giảm bớt sự tự ái, tự ti, bình tĩnh ngồi nói chuyện với nhau để tìm phương hướng giải quyết những mâu thuẫn và tìm thấy “tiếng nói chung”. Tuyệt đối không để “chiến tranh lạnh” diễn ra giữa mọi người trong gia đình. Điều này càng làm cho mâu thuẩn càng có cơ hội phát triển đến đỉnh điểm.

Tags:

Bài viết liên quan