Hạnh phúc của gia đình đôi khi đơn giản là có một mụn con. Nhưng đôi khi “con quý, con hiếm” lại là câu chuyện mà hai vợ chồng ngại ngùng khi nói chuyện với nhau.
Việc phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng vô sinh hiếm muộn có thể giúp tăng khả năng thụ thai và chào đón bé yêu của hai vợ chồng.
Như thế nào được xem là vô sinh hiếm muộn?
Thông thường, một cặp vợ chồng khỏe mạnh, có sức khỏe sinh sản bình thường, dưới 30 tuổi, tần suất quan hệ ổn định (khoảng 2-3 lần/tuần), không sử dụng các biện pháp tránh thai là khoảng 20-25% mỗi tháng. Hầu hết các đôi vợ chồng đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên sẽ có thai trong một năm đầu tiên.
Vô sinh hiếm muộn là một tình trạng bệnh lý không thể thụ thai tự nhiên ở các đôi vợ chồng giao hợp đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai. Tình trạng này thường xác định sau khi quan hệ 6 tháng (nếu người vợ trên 35 tuổi) và 12 tháng (nếu người vợ dưới 35 tuổi).
Tình trạng vô sinh hiếm muộn được chia làm hai loại:
- Vô sinh hiếm muộn nguyên phát là tình trạng vợ chồng chưa từng có thai lần nào
- Vô sinh hiếm muộn thứ phát là tình trạng vợ chồng đã có thai ít nhất một lần, đang có ý định tiếp tục mang thai những lần tiếp theo nhưng không còn có thể thụ thai được
Nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn
Để điều trị tình trạng không thể hoặc khó có thể thụ thai và có con, trước tiên cần xác định chính xác nguyên nhân bệnh. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
Tuổi tác
Với phụ nữ
Tuổi tác là một yếu tố ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến khả năng mang thai ở nữ giới. Theo đó, trong cơ thể người phụ nữ sẽ một lượng trứng nhất định và lượng trứng này sẽ giảm dần theo thời gian, làm giảm khả năng mang thai. Theo đó, khả năng thụ thai cao nhất là khi phụ nữ trong khoảng 20-30 tuổi.
Trên 30 tuổi, lượng trứng sẽ giảm đáng kể và khiến tỷ lệ thụ thai cũng giảm tương ứng. Cụ thể, nếu tỷ lệ mang thai ở phụ nữ dưới 30 tuổi là 50% thì tỷ lệ mang thai ở phụ nữ trên 40 tuổi chỉ còn dưới 10%. Thậm chí, phụ nữ trên 45 tuổi có cơ hội thụ thai ít hơn 5% và có nguy cơ sẩy thai lên đến hơn 75%.
Với nam giới
Tuổi tác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng làm cho phụ nữ mang thai của nam giới. Khi lớn tuổi (trên 40 tuổi), chất lượng tinh trùng sẽ giảm mạnh. Hơn nữa, tinh trùng cũng có tỉ lệ mảnh vỡ di truyền DNA hoặc hư hại DNA cao hơn.
Bên cạnh tình trạng vô sinh hiếm muộn, khi nam giới quan hệ tình dục trên 40 tuổi và làm phụ nữ mang thai thì thai nhi cũng có nguy cơ bị bất thường di truyền, khiến phụ nữ dễ bị sảy thai, sinh non. Trẻ sơ sinh được sinh ra cũng có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ hoặc tâm thần phân liệt cao hơn.
Cân nặng
Vô sinh hiếm muộn có thể xuất phát từ yếu tố cân nặng của cả nam và nữ giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thừa cân hoặc tăng cân đột ngột không kiểm soát có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản ở cả hai phía.
Thừa cân hoặc thiếu cân có thể làm giảm cả số lượng và chất lượng tinh trùng, tăng nguy cơ rối loạn cương ở nam giới cũng như làm giảm khả năng thụ thai ở nữ giới.
Thuốc lá
Hút và nghiện thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc tình trạng vô sinh hiếm muộn tăng cao gấp 2 lần so với bình thường. Nam giới nếu hút thuốc quá nhiều, không cai thuốc lá có thể có số lượng tinh trùng thấp, tinh trùng bị bất thường về hình dạng, khả năng “bơi” của tinh trùng để gặp trứng cũng giảm.
Với nữ giới, nicotine và các chất hóa học khác trong thuốc lá sẽ khiến cơ thể mất cân bằng estrogen – hormone kiểm soát rụng trứng. Ngoài ra, hút thuốc lá còn khiến trứng dễ bị bất thường di truyền hơn.
Một điều cần lưu ý rằng không chỉ hút thuốc mới gây nên tình trạng vô sinh hiếm muộn mà việc hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn.
Rượu bia
Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, phụ nữ uống hơn sáu đơn vị rượu một tuần có thể bị giảm khả năng mang thai đến 18%. Đối với nam giới, uống từ 2 ly rượu một ngày có thể làm số lượng và chất lượng tinh trùng giảm mạnh, thể tích tinh dịch và nồng độ testosterone cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Do đó, việc sử dụng rượu bia quá mức có thể tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn, giảm khả năng mang thai.
Thời điểm
Quan hệ đúng ngày (quanh cửa sổ thụ thai của chu kỳ kinh nguyệt – trong khoảng 6 ngày với ngày cuối cùng là ngày rụng trứng) có thể làm tăng khả năng thụ thai của người phụ nữ.
Việc quan hệ vào những ngày khác trong tháng sẽ làm giảm tỷ lệ mang thai, dẫn đến việc quan hệ tình dục nhiều lần nhưng khó có thai hơn.
Các yếu tố khác
Bên cạnh những yếu tố kể trên, một số nguyên nhân có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn bao gồm:
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Nam giới mặc quần lót quá chật hoặc gặp các chấn thương khi chơi thể thao
- Nữ giới bị lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang
Cách điều trị vô sinh hiếm muộn
Khi chẩn đoán vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tùy theo nguyên nhân bệnh lý, các bác sĩ có thể hướng dẫn kết hợp các biện pháp điều trị như:
Hướng dẫn giao hợp tự nhiên
Khi cả hai đều không mắc bệnh phụ khoa, không đang sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, có lối sống lành mạnh thì có thể áp dụng các biện pháp giao hợp tự nhiên để tăng khả năng mang thai.
Các đôi vợ chồng có thể áp dụng một số biện pháp quan hệ tình dục đúng cách như:
- Duy trì tần suất quan hệ 2-3 ngày/tuần và liên tục sau 6-12 chu kỳ kinh nguyệt
- Nên quan hệ xung quanh thời điểm dự đoán phóng noãn
- Trong trường hợp không thể giao hợp tự nhiên (người nữ bị dị tật cơ quan sinh dục hoặc số lượng và chất lượng tinh trùng của nam giới còn hạn chế, khả năng xuất tinh kém), có thể xem xét đến việc hỗ trợ bơm tinh trùng đã lọc rửa vào buồng tử cung để tăng khả năng thụ thai
Điều chỉnh chất nhầy cổ tử cung
Một biện pháp khắc phục vô sinh hiếm muộn chính là điều chỉnh chất nhầy tử cung, giúp tăng điều kiện thuận lợi cho tinh trùng có thể xâm nhập vào bên trong trứng. Trước khi thực hiện biện pháp này, người phụ nữ cần xét nghiệm huyết trắng, dịch phết âm đạo để xem có bất kỳ viêm nhiễm nào hay không và có cần thực hiện điều trị viêm nhiễm hay không.
Vi phẫu thuật tạo hình ống dẫn trứng
Trong trường hợp vô sinh hiếm muộn do tắc nghẽn đơn ổ nằm ở vị trí đoạn xa ống dẫn trứng, có thể thực hiện vi phẫu trên phần phụ để khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện cho tinh trùng bơi đến gặp trứng.
Tuy nhiên, với tổn thương đa ổ, đặc biệt là ổ ở đoạn gần ống dẫn trứng, tổn thương kéo dài, song song với việc bị teo mỏng niêm mạc ống dẫn trứng, thành ống dẫn trứng dày cứng,… thì hầu như không thể can thiệp ngoại khoa mà cần có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm để chữa vô sinh hiếm muộn.
Các phẫu thuật tạo hình đường tinh, tinh hoàn
Tắc nghẽn đường bài xuất, ống dẫn tinh ở nam giới dẫn đến khả năng thụ thai ở nữ thấp có thể được khắc phục bằng cách can thiệp vi phẫu để mang đến kết quả khả quan nhất.
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)
Trong trường hợp cơ thể người nữ có những bất thường như cổ tử cung thiếu chất nhầy hoặc phía nam giới bị dị dạng tinh trùng nhưng tinh trùng vẫn còn khả năng di động thì các bác sĩ sẽ không chỉ định thực hiện thụ thai trong ống nghiệm ngay mà thay vào đó là thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn này đòi hỏi tinh trùng cần được thu thập, tuyển lựa và chuẩn bị từ trước, không dùng tinh trùng chưa qua rửa và chọn lọc.
Kích thích phóng noãn
Việc can thiệp kích thích phóng noãn cũng là một giải pháp chữa vô sinh hiếm muộn trong trường hợp sau vài chu kỳ khó phóng noãn, không phóng noãn hoặc dù có phóng noãn nhưng chất lượng của nang noãn kém.
Kích thước phóng noãn có thể kết hợp song song với phương pháp giao hợp tự nhiên hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung
Thụ tinh trong ống nghiệm
Một biện pháp can thiệp vô sinh hiếm muộn khác chính là thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có tỷ lệ thành công thấp nếu tuổi của các cặp đôi đã cao (trên 35 tuổi).
Vô sinh hiếm muộn là nỗi đau của các đôi vợ chồng trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, “con cái là lộc trời ban” nên hãy cứ thả lỏng và thoải mái, tập trung điều trị, bạn nhé!