Làm mẹ luôn là ước mơ của biết bao chị em phụ nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chạm tới thiên chức cao cả này do căn bệnh tắc vòi trứng đã khiến nhiều chị em phụ nữ gặp tình trạng vô sinh, hiếm muộn. Vậy tắc vòi trứng có điều trị được không và phòng ngừa tắc vòi trứng như thế nào?
Tắc vòi trứng là gì?
Bên cạnh buồng trứng và tử cung thì vòi trứng (vòi tử cung) cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh sản của người phụ nữ. Bộ phận sinh sản này nối thông từ buồng tử cung đến buồng trứng. Thông qua vòi trứng, tinh trùng sẽ bơi lên để thụ tinh với trứng.
Vì một lý do nào đó mà vòi trứng bị tổn thương (do ứ dịch, viêm, sẹo…) dẫn đến tắc vòi trứng sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, khiến người phụ nữ khó hoặc không thể mang thai.
Hằng năm, trên thế giới có khoảng 10 triệu phụ nữ bị tắc vòi trứng. Có thể nói, tình trạng này là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm 25 – 30% nguyên nhân vô sinh nữ.
Triệu chứng khi bị tắc vòi trứng
Khi vòi trứng bị tắc thì có triệu chứng gì hay không? Theo các bác sĩ, nhiều phụ nữ không biết mình bị tắc vòi trứng do không có triệu chứng. Tình trạng bệnh này thường chỉ gây ra những cơn đau bụng, có thể âm ỉ như những cơn đau xảy ra trong kỳ kinh nguyệt hoặc cơn đau nặng hơn, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Ngoài ra, khi bị tắc vòi trứng, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như thời gian hành kinh kéo dài, kinh nguyệt ra nhiều hơn, đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp, chu kỳ kinh nguyệt thất thường,… khiến chị em nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác.
Nguyên nhân gây tắc vòi trứng
Các nguyên nhân dẫn đến tắc vòi trứng gồm có:
Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Viêm vùng chậu hình thành mô sẹo ở ống dẫn trứng và gây ứ dịch bên trong buồng trứng. Điều này sẽ tạo thành vật cản khiến quá trình vận chuyển trứng thụ tinh đến tử cung bị cản trở.
Tiền sử mang thai ngoài tử cung
Phụ nữ từng mang thai ngoài tử cung, có can thiệp phẫu thuật hút thai để đảm bảo an toàn cho thai phụ sẽ có nguy cơ tắc vòi trứng cao hơn do quá trình can thiệp phẫu thuật có thể để lại sẹo ở vòi trứng.
Lạc nội mạc tử cung
Nguyên nhân tắc vòi trứng có thể do phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung khiến các tế bào nội mạc phát triển bên ngoài tử cung, làm tổn thương vòi trứng và ống dẫn trứng. Lạc nội mạc tử cung còn làm rối loạn sự phóng noãn gây vô sinh.
Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Hai nhóm bệnh lây qua đường tình dục (STDs) phổ biến là bệnh lậu và Chlamydia. Vi khuẩn dẫn đến hai bệnh này đều có thể dẫn đến viêm cổ tử cung, viêm nhiệu đạo, hình thành tổn thương và gây sẹo ở vòi trứng.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, tắc vòi trứng còn xuất phát từ nguyên nhân bẩm sinh hoặc các phẫu thuật ổ bụng.
Chẩn đoán tắc vòi trứng như thế nào?
Để chẩn đoán tắc vòi trứng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh chụp Xquang tử cung – vòi trứng và nội soi. Trong đó:
- Chụp X-quang tử cung – vòi trứng (HSG): Thủ thuật này giúp kiểm tra tình trạng bên trong của tử cung và vòi trứng xem vòi trứng có bị tắc hay không.
- Nội soi: Biện pháp nội soi giúp bác sĩ kiểm tra vòi trứng cũng như phát hiện các vấn đề khác có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, chẳng hạn như tình trạng lạc nội mạc tử cung hoặc mô sẹo dính.
Tắc vòi trứng có nguy hiểm không?
Có! Nếu không được điều trị sớm, tắc vòi trứng có thể gây nên những cơn đau bụng dữ dội do viêm nhiễm ở vùng chậu và khu màng bụng.
Ngoài ra, tắc vòi trứng còn có thể khiến phụ nữ. mang thai ngoài tử cung do ống dẫn trứng bị chít hẹp, trứng sau khi thụ tinh không thể trở về tử cung làm tổ mà phải làm tổ ở thành ống. Thai ngoài tử cung không phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.
Bên cạnh đó, người phụ nữ bị tắc vòi trứng cũng dễ bị vô sinh hiếm muộn do tắc ống dẫn trứng làm cho trứng và tinh trùng không thể gặp nhau để thụ thai.
Tắc vòi trứng có chữa được không?
Tắc vòi trứng là nguyên nhân gây vô sinh hàng đầu, khiến chị em trong độ tuổi sinh sản không thể chạm tay vào hạnh phúc được làm mẹ. Tuy nhiên, tình trạng tắc vòi trứng vẫn có thể chữa được bằng các biện pháp nội khoa và ngoại khoa, cụ thể:
- Nội khoa: Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng sinh nhằm làm tiêu viêm, thông tắc vùng bị tắc giúp vòi trứng thông như bình thường.
- Ngoại khoa: Nếu tình trạng tắc vòi trứng nghiêm trọng, điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì có thể điều trị bằng các biện pháp can thiệp như dùng bơm hơi để thông tắc vòi trứng, phẫu thuật nội soi vòi trứng, phẫu thuật cắt và nối ống dẫn trứng, phẫu thuật cắt ống dẫn trứng,…
Phòng ngừa tắc vòi trứng
Để vòng ngừa tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh, việc quan trọng là ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là biện pháp quan trọng không chỉ để hạn chế tắc vòi trứng mà còn giúp bảo vệ sức khỏe, tránh những biến chứng nguy hiểm do các bệnh xã hội gây ra. Cần chủ động sử dụng bao su và xét nghiệm STDs thường xuyên.
Ngoài ra, chị em phụ nữ cũng nên thăm khám thường xuyên khi có các dấu hiệu bất thường xảy ra. Như vậy thì có thể sớm điều trị hiệu quả, tránh để lại biện chứng trong quá trình điều trị. Người bệnh cũng nên tuân theo phác đồ và hướng dẫn điều trị của bác sĩ, luyện tập thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá,…
Tắc vòi trứng nếu không điều trị kịp thời không chỉ làm mất đi khả năng sinh con của người phụ nữ mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, hãy chủ động duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của mình bạn nhé!