Mẹ&Con - Nói chuyện câu trước câu sau là Mai đề cập ngay đến con. Mà cả nhóm chỉ mỗi mình Mai lập gia đình và có con đầu tiên. Thân nhau đến mấy cũng phải le lưỡi than: bà này “nghiện” con mất rồi!

Có con, “hành”… đồng nghiệp

Biểu hiện “nghiện” con của Mai mọi người đã phát hiện ra từ khi Mai có thai. Khi đó, cô hành chồng chưa đủ, còn lên hành cả những người chung quanh ở cơ quan. Cứ như thể trên thế gian này chỉ mình Mai có thai vậy. Mai mạnh miệng sai bảo người nọ người kia trong phòng làm giúp cô việc này, việc nọ, kể cả trưởng phòng cũng bị cô sai tuốt.

Có khi, ngay trong bữa ăn, cô nôn thốc nôn tháo, bảo chạy ra ngoài thì cô than là bầu bì đi lại khó nên… ói tại chỗ cho tiện. Mọi người chỉ biết nhìn nhau cười trừ.

Dù gì, làm mẹ cũng là thiên chức cao cả của người phụ nữ, nhất là ở cơ quan mà hai phần ba số người đang khát khao được làm mẹ mà chưa được này. Vì vậy mà họ chiều Mai hết mình. Mai được đà càng lấn tới.

Nhưng chuyện mang thai không phải chỉ ngày một ngày hai mà là một cuộc hành trình đến 9 tháng 10 ngày mới kết thúc. Ðương nhiên Mai chỉ hơi mệt một chút so với bình thường vì đứa trẻ ngày một hình thành, lớn lên trong bụng mình, nhưng những người xung quanh thì thấy nản thực sự. Dù sao cũng chỉ dám để trong lòng chứ không ai nói ra.

Vợ “nghiện” con

(Hình minh hoạ)

“Quên” hết bạn bè

Khác với Mai, Lan rất chịu chơi. Lập gia đình ba năm vẫn chưa muốn có con với lý do: chơi cho đã đi rồi tính, có con sao tung tăng được nữa. Ðến khi mọi người nói mãi mới chịu sinh. Ai cũng lo đứa con sẽ làm mối vướng bận cho một bà mẹ trẻ ham chơi như Lan. Nào ngờ từ ngày có con, Lan thay đổi hẳn.

Không ăn chơi cuối tuần, không cà kê trong những lúc giải lao, bỏ hẳn bữa trưa ở cơ quan để về với con mặc dù con đã có người chăm sóc an toàn. Các dịp sinh nhật, lễ, tết cô bỏ hẳn. Ai năn nỉ mấy cũng không tham gia khiến mọi người ngạc nhiên đến… sốc.

Mọi người đã quen với cuộc vui chơi có sự tham gia của Lan nên cứ thấy thiếu thiếu. Một người trong nhóm họ đề nghị hay là về nhà Lan ăn chơi. Thế là cả nhóm kéo nhau về nhà Lan, cứ nghĩ tạo bất ngờ cho cô mà không cần phải gọi trước.

Không ngờ, Lan làm mọi người thất vọng thật sự khi từ cổng, cô đã nhăn nhó đưa tay lên miệng làm dấu hiệu im lặng. Sau đó nhận ra vẻ mặt hụt hẫng của đồng nghiệp, cô đính chính: “Bé Bo mới ngủ, ồn quá bé thức quấy chịu không nổi”. Cả nhóm chỉ còn biết nhìn nhau ngán ngẩm, chẳng ai còn tâm trạng bước vô nhà.

Bất cứ ai làm mẹ đều ngỡ ngàng không hiểu tại sao mình yêu con nhiều đến thế. Vì vậy, chuyện “nghiện” con cũng không phải hiếm hoi gì.

Đến chồng phải lắc đầu

Chị Xuân cũng nằm trong số những người có chứng “nghiện” con như trên. Tuy nhiên, chị “nghiện” theo cách khác. Từ ngày có con, chồng đưa bao nhiêu tiền đều như “muối bỏ bể” hết. Chị không tiêu xài gì cho mình, mỗi tội, nhìn gì cũng muốn mua cho con. Từ đồ chơi, quần áo, giày dép, nón…

Nhất là những thứ đồ chơi cao cấp, có loại lên đến vài triệu như xe hơi, bộ đồ chơi điều khiển từ xa… Chưa kể những bộ quần áo mà chị “rinh” ra từ các shop thời trang tên tuổi, bộ nào cũng không dưới 1 triệu. Có những cái, con mặc một lần rồi bỏ vì trẻ lớn nhanh.

Anh than, chị chì chiết: “Mua cho con mà anh cũng tiếc à, anh có phải là bố của con không đấy?”. Thế là anh chồng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” gồng mình lên làm thêm để kiếm tiền về cho vợ.

Không gian “yêu” còn đâu?

Nói đến điều này, chị Hoa (nhân viên công ty FPT) tâm sự: “Nói ra không biết có ai giống mình không. Nhiều khi biết chồng không thể nhịn chuyện đó mà mình thì quá nhiều việc phải lo, chẳng còn tâm trí nào. Có lúc cứ nghĩ trong đầu hay là nói ảnh đi ra ngoài “ăn bánh trả tiền” cho xong”. Vợ yêu con. Mà con thì cũng là con của mình nên không nỡ cằn nhằn vợ.

Anh Quang, chồng chị Hoa chia sẻ: “Nhiều lúc thấy mình bị bỏ rơi rõ rệt nhưng mình không là phụ nữ nên có lẽ không hiểu hết thiên chức lớn lao của người mẹ. Cô ấy hầu như chỉ còn quan tâm mỗi con mình, kể cả cha mẹ ruột, anh chị em đều bị xao nhãng hết!”.

Khi phụ nữ quá “nghiện” con cũng không có gì xấu. Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên viên tư vấn Tuyết Mai (tổng đài 1088) thì người mẹ cũng cần phải chừng mực hơn. Ðôi khi, vì dành quá nhiều tình yêu cho con và hy vọng con đáp lại trọn vẹn như thế mà đâm ra đau lòng khi con không được như mong ước.

Chưa kể sau này con còn có những đổi thay ở từng độ tuổi. Rồi khi con bị bắt nạt, oan ức… nếu không bình tĩnh và sáng suốt để giải quyết, người mẹ rất dễ để xảy ra những chuyện không theo như ý muốn.

Tags:

Bài viết liên quan