Cái gì cũng ngọt như đường
Lấy vợ được 3 năm, anh Trọng Tín (Quận 8) đã rất nhiều lần nghe những lời nhận xét về vợ mình: “Chị nhà giỏi giao tiếp và khéo nói chuyện quá!”. Ưu điểm này của vợ đã từng được thừa nhận ngay từ những ngày đầu chị về làm dâu. Nhà anh ai cũng ưng khi mà những lời nói “ngọt như mía lùi” cứ được chị thốt ra.
Thấy mẹ chồng hơi mệt một chút, chị đã ngọt ngào: “Mẹ nghỉ ngơi đi mẹ. Nhìn mẹ thế này mà con xót xa quá! Mẹ cả đời hy sinh cho chồng cho con, không biết con có phúc thế nào mới được làm con dâu của mẹ. Con học hỏi cả đời cũng không bằng được một góc nhỏ của mẹ đâu, mẹ ạ!”. Mẹ anh sướng rơn, đi đâu cũng khoe con dâu, làm gì cũng “ưu tiên” con dâu số 1.
Không chỉ khéo ăn khéo nói với mẹ chồng, chị còn khéo cả với hàng xóm, anh chị em trong họ hàng, bạn bè của anh. Những lời khen cứ thế tới tấp dồn đến. Khoảng nửa năm đầu sau khi cưới, anh luôn nhận được những lời nhận xét “sau lưng vợ”, kiểu như: “Mày cưới đâu được một em nói chuyện giỏi đến mức kiến trong tổ cũng phải bò ra thế?”, “Nghe chị ấy nói chuyện mà em mát rượi cả lòng”. Anh ngầm hãnh diện về sự khéo léo, dịu ngọt, gọi dạ bảo vâng của vợ mình, đặc biệt là rất nhẹ nhõm khi thấy những mối quan hệ vốn dĩ dễ căng thẳng như con dâu – mẹ chồng, chị dâu – em chồng đều trở nên rất thuận hòa nhờ… ba tấc lưỡi của vợ.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì quá tốt. Vấn đề là chỉ sau một thời gian ngắn chung sống với vợ, hiểu vợ cặn kẽ hơn thì đúng như câu “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, anh bắt đầu ngỡ ngàng “hiểu” mặt trái đằng sau mà chẳng phải ai cũng nhìn ra được. Một lần, vô tình vợ đi ngủ không tắt máy tính, anh vào xem, mới bất ngờ đọc được những đoạn chat của vợ với cô em ruột về chính mẹ chồng. Gần 12 giờ đêm mà anh choáng váng muốn toát mồ hôi, khi đọc được suy nghĩ thật của vợ: “Hứ, mày ngốc quá! Sau này lấy chồng cũng phải bắt chước như chị mày đây này. Mất vài ba câu nói có ăn thua gì. Quan trọng là đạt được mục đích của mình. Nhìn cái mặt mẹ chồng tao sung sướng phởn phơ vì vài ba câu nịnh nọt của tao mà tao phát cười thầm trong bụng!”.
Nói chuyện với vợ vài ngày sau, anh lựa lời chỉnh khéo: “Khéo ăn nói là cần thiết. Nhưng em không cần trong bụng nghĩ một đằng, ngoài mặt làm ra một nẻo, khéo đến mức như dồn hết tình cảm vào người khác mà đằng sau lưng lại nói người ta không ra gì như thế…”, vợ liền giãy nảy: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói thì có mất mát gì mình. Mình có ghét người khác thế nào cũng được, miễn mình khéo nói, sẽ có lợi cho mình anh ạ!”.
Hãy để cái “khéo” xuất phát từ trái tim
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh chia sẻ: “Thật ra, ranh giới giữa sự khéo ăn nói và xảo ngôn chỉ mong manh có một lằn chỉ mỏng. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ, cùng một vấn đề, người khéo nói biết cách giải quyết vấn đề bằng ngôn từ dễ nghe, đúng tâm lý, có tính thuyết phục cao nhưng vẫn là thật sự những gì mình nghĩ. Còn xảo ngôn sẽ chỉ giống như những lời nói “bọc đường”, được lòng trong chốc lát, nhưng ẩn chứa đằng sau lại hoàn toàn là những suy nghĩ, tâm tư khác hẳn. Điều này dễ gây nên những mâu thuẫn bởi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra. Đã là cái gì không thật lòng thì không sớm thì muộn, người khác cũng phát hiện được. Lúc đó, cảm giác thất vọng sẽ rất nặng nề, vì chẳng ai muốn mình bị người khác lừa theo kiểu trong bụng nghĩ một đằng, ngoài mặt nói một nẻo cả”.
Như anh Dũng (Quận 2), sau một thời gian chết đứ đừ vì những lời nhỏ nhẹ “ngọt ngào dễ thương” của vợ, anh bỗng nhận ra mình luôn phải đề phòng vì những gì vợ nói. Bạn đến chơi nhà, vợ đon đả: “Ôi, mới tối qua em vừa nhắc chồng là cuối tuần này ghé thăm anh chị chứ nhớ quá chừng chừng!”, anh thì thở dài trong bụng vì biết nửa năm trời, vợ chưa bao giờ đả động đến bạn của mình khi vợ chồng nói chuyện. Em chồng gặp cảnh ngặt nghèo, đến nhờ anh chị giúp đỡ, vợ dịu dàng nắm tay em: “Khổ thân em! Chị nghe mà thương em quá! Tiếc vì mới tuần rồi anh chị không biết em cần, nên đã cho người bạn thân mượn tiền để đưa con đi khám bệnh rồi em ạ. Tình cảnh của anh ấy cũng ngặt nghèo lắm. Con gái anh ấy mới phát hiện bị ung thư nên bây giờ anh chị có lòng dạ nào mà hỏi lại tiền trong lúc này. Thôi để chị đi hỏi han bạn bè xem có mượn được ở đâu không để giúp em nhé!”.
Em chồng thì rưng rưng cảm động, về bảo với mẹ chồng là chị dâu con thật tốt. Chỉ có anh Dũng mới hiểu chẳng hề có chuyện tuần rồi lỡ cho bạn thân mượn tiền đưa con đi khám bệnh ung thư, cũng chẳng hề có chuyện vợ “hỏi han bạn bè” để tìm cách mượn tiền giúp cho em. Vợ chỉ khéo nói để từ chối cho em mượn tiền, và đợi sau vài ngày sẽ diễn tiếp một kịch bản ngọt như mía lùi khác. Biết rõ vậy, nhưng anh rơi vào thế kẹt, chẳng lẽ “tung hê” lên cho mọi người trong gia đình biết vợ mình không thật, chỉ có sự “ngọt ngào” ở bên ngoài? Song giữ trong lòng thì lâu dần, cái cảm giác thất vọng chán chường xuất hiện, nhất là mỗi khi anh “được” nghe những lời khen, những nhận xét của người khác dành cho sự khéo ăn khéo nói của vợ.
Anh chia sẻ với chuyên gia tâm lý: “Thật ra, cái tôi mong đợi không phải là sự khéo léo và được lòng tất cả mọi người ở bước đầu như cách của vợ đang làm. Tôi cần một trái tim nhân hậu, biết yêu thương, biết quan tâm, thấu hiểu thật sự. Những câu nói ra chỉ cần một chút của độ khéo léo, lựa lời thôi, còn lại nó thật sự là suy nghĩ của vợ, tình cảm của vợ. Bởi vì bây giờ, ngay cả đến khi vợ khen tôi: “Ôi, anh thật giỏi quá đi! Anh đúng là người chồng tuyệt vời nhất mà cả đời em ước ao! Nếu có kiếp sau em cũng chỉ mong được ở bên anh!” thì tôi vẫn phải cẩn trọng suy nghĩ trong đầu xem cô ấy có bao nhiêu phần trăm thật lòng trong câu nói ấy, hay chỉ nói thế để đạt được một mục đích riêng nào đó của mình”.
Có lẽ, lời “thật” này cũng đáng để những người vợ “khéo nói” có một lần cân nhắc, suy nghĩ lắm.