Mẹ&Con – Phần lớn chị em khi mang thai chỉ quan tâm siêu âm thai nhi xem con có khỏe không mà quên quan tâm đến những vấn đề phụ khoa. Đến khi viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai trở nặng, đứa trẻ sinh ra mới là người gánh hậu quả nặng nề từ sợ lơ là này của mẹ. Vì vậy, trong giai đoạn mang thai, các bà mẹ đừng quên tìm hiểu về bệnh phụ khoa để đảm bảo con yêu và cả bạn khỏe mạnh, an toàn nhé!

Nguyên nhân gây viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai

Viêm nhiễm phụ khoa là cách gọi chung cho các bệnh viêm nhiễm xảy ra ở âm đạo, âm hộ, tử cung, buồng trứng… Bệnh thường gặp nhất là ở phụ nữ mang thai do các nguyên nhân sau:

Sức đề kháng suy giảm

Khi mang thai, cơ thể chị em yếu hơn bình thường, sức đề kháng suy giảm. Do đó, cơ thể người mẹ không có khả năng chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của các tác nhân gây viêm phụ khoa khi mang thai.

Thay đổi nội tiết tố

Mang thai là khoảng thời gian cơ thể phụ nữ có nhiều biến đổi để phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt là sự gia tăng nồng độ estrogen khiến nội tiết tố cơ thể có thay đổi lớn. Tình trạng này gây mất cân bằng môi trường âm đạo dẫn đến viêm phụ khoa khi mang thai.

Cấu trúc cổ tử cung mở rộng

Để phù hợp với sự phát triển ngày càng lớn của thai nhi, cấu trúc tử cung có sự thay đổi, cổ tử cung giãn rộng hơn bình thường. Tình trạng này khiến vi khuẩn và mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào sâu bên trong cơ quan sinh sản gây bệnh viêm phụ khoa.

Vệ sinh vùng kín chưa đúng cách

Khi mang thai lượng estrogen tăng cao, kích thước thai nhi ngày càng lớn chèn ép vùng chậu khiến khí hư tiết ra nhiều. Nếu thai phụ không biết cách vệ sinh vùng kín sẽ dễ dẫn đến viêm phụ khoa.

“Chuyện ấy” không an toàn

Quan hệ tình dục không an toàn, không vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục cũng là lý do dẫn đến viêm nhiễm.

Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ khiến môi trường âm đạo mất cân bằng cùng với sức đề kháng bị suy giảm khiến mẹ dễ mắc bệnh viêm phụ khoa.

Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai

Dấu hiệu bị viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai

Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh phụ khoa, bà bầu bị bệnh sẽ có các triệu chứng tương ứng, cụ thể:

Viêm nhiễm phụ khoa do nấm: Vùng kín sưng đỏ, mẩn ngứa, khí hư trắng, đặc như bột, da âm đạo đỏ tím.

Viêm nhiễm phụ khoa do vi khuẩn: Âm đạo – âm hộ đau, ngứa ngáy, khó chịu, ra nhiều khí hư màu trắng đục, loãng, có bọt, âm đạo viêm đỏ, sưng tấy.

Viêm nhiễm phụ khoa do trùng roi: Khí hư ra nhiều, dịch tiết âm đạo màu xanh, vàng, có ít bọt và có mùi hôi khó chịu, âm đạo ngứa ngáy, niêm mạc âm đạo hơi đỏ. Ngoài ra, viêm nhiễm do trùng roi còn kèm theo triệu chứng đi tiểu dắt, tiểu nhiều lần, nổi mụn hay xuất hiện vết lở loét ở vùng kín khiến mẹ đau rát mỗi lần đi tiểu.

Mỗi năm, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh phụ khoa ở nước ta lại tăng lên khoảng 25%. Trong đó, nhóm đối tượng phụ nữ mang thai mắc viêm phụ khoa chiếm tới 10%.

Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai: Cẩn thận mất con!

Viêm nhiễm phụ khoa ở thời kỳ mang thai tiềm ẩn rất nhiều những ảnh hưởng xấu đến cả thai phụ và thai nhi. Cụ thể:

Viêm nhiễm phụ khoa trong thời gian mang thai có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho thai nhi. Ở giai đoạn đầu, phụ nữ mang thai bị viêm nhiễm phụ khoa có thể làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.

Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai là một trong những nguyên nhân dẫn đến dị tật thai nhi, lưu thai, thai nhi kém phát triển, sinh non, vỡ ối sớm… do bào thai bị nhiễm khuẩn, vùng kín bị tổn thương.

Bên cạnh đó, vi khuẩn gây bệnh còn có thể lây lan sang cho bé trong quá trình sinh thường, khiến bé sinh ra mắc các bệnh về da liễu, hô hấp và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Bé sinh ra bị viêm nhiễm phụ khoa có dấu hiệu điển hình là tưa miệng, suy dinh dưỡng. Các mẹ thường cho rằng con bị tưa miệng là do bú sữa mẹ nhưng trên thực tế thì trẻ bị nhiễm nấm trong quá trình sinh.

Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai còn khiến mẹ có tâm lý bất an, lo lắng, khó chịu khi bị những cơn ngứa, đau rát quấy rầy, nhưng không muốn dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con yêu. Từ đó ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tâm lý, trầm trọng hơn là dẫn đến chứng trầm cảm. Chứng trầm cảm khi mang thai rất nguy hiểm và hiện đang có nguy cơ gia tăng gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc.

Đáng lo ngại hơn nữa là nếu bệnh không được chữa trị kịp thời sẽ dễ dàng chuyển sang mạn tính (mãn tính) sẽ rất khó khăn trong quá trình điều trị và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau. Nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, âm đạo, buồng trứng… của chị em cũng tăng cao nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Giải quyết viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai

Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai

Dù mắc viêm phụ khoa ở thời điểm nào không chỉ riêng thời kỳ mang thai, chị em phải nhanh chóng đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế uy tín để thăm khám, điều trị. Qua quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ biết được nguyên nhân cũng như mức độ bệnh để có cách điều trị phù hợp.

Trong dân gian lưu truyền rất nhiều bài thuốc hay, điển hình như cách dùng lá trầu không, lá ổi, trà xanh… để chữa viêm nhiễm phụ khoa. Tuy nhiên, với bà bầu, mọi người không nên tự ý áp dụng những cách thức này. Bởi nếu không cẩn thận sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Bà bầu cũng không nên tự sử dụng thuốc kháng nấm, vì có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu muốn sử dụng thuốc, chị em phải được sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.

Tốt nhất, để đảm bảo sức khỏe, ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường về vùng kín, mẹ bầu cần nhanh chóng đến ngay các phòng khám phụ khoa uy tín. Mẹ đừng quên mô tả thật chính xác tình trạng của mình. Tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc uống, thuốc đặt âm đạo dành cho phụ nữ mang thai để điều trị nội khoa hoặc kết hợp các thủ thuật cần thiết để điều trị bệnh.

Bị viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai, mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc về chữa trị tại nhà, không sử dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng không rõ nguồn gốc tự ý trị bệnh. Bởi những cách làm này có thể khiến bệnh không khỏi mà còn gây nguy hại nghiêm trọng hơn đến sức khỏe cả mẹ và bé.

Phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai

Do các nguyên nhân gây viêm phụ khoa khi mang thai chủ yếu xuất phát từ thói quen sinh hoạt. Vì vậy, chị em hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bệnh bằng những biện pháp sau đây:

Vệ sinh vùng kín đúng cách

Biện pháp tự nhiên và hiệu quả nhất để điều trị và phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa là vệ sinh vùng kín đúng cách. Mẹ bầu nên sử dụng các loại nước vệ sinh vùng kín có độ pH không quá cao, không rửa quá sâu và quá sạch gây tổn thương vùng kín, tạo cơ hội cho viêm nhiễm nấm phát triển.

Vệ sinh vùng kín bằng nước lạnh và không dùng nước quá nóng bởi nước nóng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nấm sống sót và phát triển nhanh hơn. Khi vệ sinh nên vệ sinh từ trước ra sau nhằm hạn chế tối đa sự lây lan vi khuẩn từ hậu môn lên. Sau khi rửa cần dùng một khăn mềm để thấm khô, tránh để nước ứ đọng sẽ khiến vi khuẩn từ hậu môn “tấn công cô bé”.

Quan hệ tình dục an toàn

Khi mang thai, bạn cần thực hiện đời sống tình dục lành mạnh, nhẹ nhàng. Để hạn chế bị nhiễm khuẩn âm đạo, mẹ cẩn thận sử dụng bao cao su khi quan hệ, nhất là khi người chồng có mắc các bệnh về viêm nhiễm đường sinh dục. Sau giao hợp, mẹ cũng đừng quên vệ sinh vùng kín sạch sẽ để tránh bị nhiễm khuẩn do các lần “xâm nhập” gây ra.
Trường hợp, mẹ mắc viêm nhiễm phụ khoa, được yêu cầu kiêng quan hệ trong thời gian chữa trị thì cần phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, giúp bệnh nhanh chóng được cải thiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Mang thai, mẹ cần quan tâm hơn đến chế độ ăn uống của mình. Ăn uống lành mạnh vừa giúp cho thai nhi phát triển khỏe mạnh, vừa phòng tránh hiệu quả các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Tuyệt đối “nói không” với các chất kích thích, hạn chế đồ ăn cay nóng, đồ ngọt, đồ uống có gas… Đồng thời, mẹ cũng cần nhớ uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ, rau xanh, trái cây tươi để gia tăng sức đề kháng, ngăn ngừa viêm nhiễm âm đạo. Đặc biệt, mẹ nên ăn thêm sữa chua lên men tự nhiên hay sữa chua không đường, vì trong sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn giúp cân bằng môi trường âm đạo.

Thường xuyên thay quần lót

Giai đoạn mang thai, khí hư tiết ra nhiều nên mẹ chú ý thường xuyên thay quần lót tránh để cho vi khuẩn sinh sôi phát triển. Mẹ có thể thay 3 lần/ ngày và 3 tháng nên thay quần lót mới một lần. Đồ lót cần được phơi khô trước khi mặc, tránh để ấm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tại vùng âm đạo phát triển nhanh chóng.

Khi chọn mua quần lót, mẹ ưu tiên loại quần có chất liệu cotton thông thoáng, hút ẩm tốt, màu sáng và vừa vặn, không quá bó sát. Việc mặc đồ lót bó sát cũng có thể làm tăng độ ẩm và bí ở khu vực âm đạo, dễ tạo môi trường thích hợp cho nấm men phát triển.

Với những bà bầu bị nhiễm nấm âm đạo, tốt nhất không nên mặc quần lót khi đi ngủ để tăng cường lưu thông không khí giúp vùng nhiễm nấm khô, thoáng.

Vận động nhẹ nhàng

Vận động nhẹ nhàng, tránh ngồi lâu khiến vùng chậu bị áp lực và tiết ra nhiều khí hư. Các động tác tập thể dục sẽ giúp toàn bộ cơ thể vận động, làm tăng sức đề kháng để chống lại nhiều bệnh tật, kể cả bệnh viêm phụ khoa. Mỗi ngày, các mẹ bầu có thể dành 20 – 30 phút để đi bộ, bơi, tập yoga hoặc bất cứ bài tập phù hợp, nhẹ nhàng khác dành cho thai phụ.

Khám phụ khoa

Không chỉ khi có biểu hiện hoặc phát hiện bị viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai, người mẹ mới cần đi khám phụ khoa. Các bác sĩ chuyên khoa khuyên, thai phụ cần khám phụ khoa ít nhất 3 lần trong suốt thời gian mang thai bên cạnh việc theo dõi thai kì. Bởi lẽ, viêm phụ khoa khi mang thai rất khó phát hiện, triệu chứng của bệnh gần giống với sự thay đổi khi mang thai, chẳng hạn khí hư ra nhiều, mệt mỏi… Do đó, thăm khám là cách tốt nhất để chị em phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, bệnh càng để lâu càng gây khó khăn cho việc xử lý.

 

Bài viết liên quan