Lưu trữ máu cuống rốn cho trẻ sơ sinh là khái niệm quen thuộc ở các nước phương Tây từ cuối những năm 1980. Thậm chí là vào năm 1988, một bé trai 5 tuổi tại Pháp bị bệnh thiếu máu Fanconi đã dùng từ máu cuống rốn của em gái sơ sinh của để ghép tủy, giúp em khỏi bệnh và ổn định sức khỏe cho đến nay. Tuy nhiên, ở nước ta việc này vẫn còn là điều gì đó khá xa lạ, thậm chí là nhiều người cho rằng không cần thiết.
Bên cạnh việc lưu trữ máu cuống rốn, gần đây các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng lưu trữ răng sữa của trẻ nhỏ cũng là một cánh cửa mới mở ra cho trẻ cơ hội tránh được một số căn bệnh hiểm nghèo trong tương lai.
Vì sao lại như thế nhỉ? Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu biết rằng bên trong những chiếc răng sữa “bỏ đi” ấy lại chứa đựng những đơn vị tế bào gốc tuyệt diệu. Các tế bào gốc có khả năng miễn dịch rất cao này giúp nuôi lại những tế bào lành mạnh đế cấy ghép cho chính bản thân bé như một hình thức “bảo hiểm sinh học”.
Cô bé đầu tiên trên thế giới được lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa.
Vào năm 2003, Tiến sĩ Songtao Shi cùng đồng nghiệp của mình kết hợp với Viện Nghiên cứu Răng Sọ tiến hành nghiên cứu răng sữa của nhiều đứa trẻ 7-8 tuổi. Họ phát hiện ra rằng, mỗi chiếc răng sữa có chứa từ 10-20 tế bào gốc có giá trị. Các tế bào gốc này hoàn toàn khác so với những thứ tìm được ở răng người lớn. Quan trọng nhất, các tế bào này có thể được sử dụng để sửa chữa các tế bào bị hư hại ở tuyến tụy, tim hoặc não bộ. Trường hợp được lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa đầu tiên được tiến hành trên bé Becca Graham, con gái của một vị nha sĩ vào năm 2012.
Tế bào gốc từ răng sữa là một trong những tế bào gốc mạnh nhất trong cơ thể con người. Các tế bào này sinh sôi nhanh, nhiều và lâu hơn so với tế bào gốc từ các khu vực khác. Nếu được lưu trữ tế bào gốc, bệnh nhân sẽ không phải thấp thỏm chờ người hiến tủy hay lo lắng trường hợp cơ thể không thích ứng với tủy của người hiến tặng. Theo các chuyên gia, những tế bào gốc răng sữa này có thể lưu trữ được lên tới hơn 30 năm.