Vắt sữa để tích trữ sữa cho con là việc rất hữu ích và tiện lợi nhiều bề bởi nó không những giúp cho con được bú sữa mẹ đầy đủ mà nó còn giúp các mẹ tránh được tình trạng tắc sữa đồng thời còn làm cho lượng sữa mẹ ngày một đều và nhiều thêm.
Trước khi vắt sữa các mẹ nên uống một côc nước ấm và nhớ vệ sinh tay, các dụng cụ vắt sữa, bình trữ sữa và đầu ti sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập vào nguồn sữa. Các mẹ có thể vắt sữa bằng máy điện hoặc bằng tay đều được. Nếu vắt bằng tay thì các mẹ tiến hành theo các bước sau:
- Massage nhẹ nhàng đầu vú hoặc đặt một chiếc khăn ấm lên vú để tạo cảm giác dễ chịu giúp sữa về dễ dàng hơn.
- Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới, đối diện với ngón tay cái thành hình chữ C. Đỡ vú bằng các ngón tay khác.
- Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực. Ấn vào rồi thả ra, ấn vào rồi thả ra.
- Ấn xung quanh quầng vú tương tự từ nhiều phía.
Lưu ý, tránh chà xát hoặc trượt ngón tay trên da. Các ngón tay vắt bằng cách lăn trên da. Tránh ấn vào núm vú. Ấn hoặc kéo núm vú không thể vắt được sữa.
Các mẹ vắt đều ở cả hai bên bầu ngực, mỗi bên từ 3-5 phút và vắt vào nhiều lần trong ngày, tốt nhất là cho con bú vào giờ nào thì các mẹ cũng nên vắt sữa vào đúng giờ ấy vì như thế nguồn sữa sẽ đều hơn.
Sau khi vắt sữa xong các mẹ cho vào túi trữ sữa đã được tiệt trùng, ghi ngày tháng lên túi rồi để vào tủ lạnh để tiện cho việc theo dõi và bảo quản. Nên có một ngăn tủ riêng để trữ sữa cho bé, không nên để chung với các ngăn chứa thức ăn sống để đảm bảo vệ sinh và tránh nhiễm khuẩn.
Sữa mẹ sau khi vắt ra cũng tùy vào nhiệt độ môi trường bảo quản mà thời hạn sử dụng cũng khác nhau. Nếu ở nhiệt độ phòng dưới 26 độ thì sữa để được trong 6 giờ, ngăn mát tủ lạnh thì 3-5 ngày, ngăn đá tủ lạnh thì khoảng 3-4 tháng… và trước khi cho bé ăn thì phải hâm lại cho ấm, tốt nhất là khi lấy sữa từ tủ lạnh ra các mẹ lắc đều rồi ngâm vào cốc nước nóng để làm ấm sữa các mẹ nhé!