Mỗi nay tại Việt Nam, trung bình có 1.600 trường hợp có liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường. Riêng năm 2019 con số này tăng lên hơn 2.000 vụ, gấp 13 lần so với 10 năm trước. Những con số là lời cảnh tỉnh tới những nhà giáo dục, nhà trường và phụ huynh trong việc quan tâm tới trẻ nhỏ nhiều hơn.
Dưới đây là 3 kiểu bạo lực học đường phổ biến hiện nay mà người lớn cần đặc biệt chú ý:
Bạo lực trên mạng internet
Tình trạng:
Ngày nay, 90% thanh thiếu niên thuộc thế hệ Z sử dụng internet trong cuộc sống mỗi ngày. Sự phát triển của internet kéo theo sự ra đời và phát triển của những nền tảng kỹ thuật số, các trang mạng xã hội. Đương nhiên, chúng ta không phủ nhận internet mang tới nhiều lợi ích và trở thành một phần không thiếu trong xã hội ngày nay. Vậy nên việc nghiêm cấm các thế hệ sau này sử dụng mạng xã hội, internet là điều không thể và đang làm gián đoạn phần nào sự phát triển của các em phù hợp với xu hướng thế giới. Nhưng khi mọi thứ dần phát triển quá nhanh và khó kiểm soát sẽ có những vấn đề phát sinh, điển hình là “bạo lực mạng”.
Những hành động thể hiện nạn bạo lực học đường hiện nay thông qua mạng xã hội phổ biến như truyền bá những lời nói dối, thông tin sai lệch, bày trò tiêu khiển ngoài đời rồi quay clip lại và đăng tải trên các diễn đàn. Hơn nữa, đưa ra những lời bình luận khiếm nhã, hạ bệ, ghen tị vẻ bề ngoài, quan điểm, hành động của nạn nhân.
Hậu quả:
Những nạn nhân bị bạo lực mạng thường có xu hướng bị rối loạn căng thẳng, dễ cảm thấy bất an, suy sụp, lạc lõng và nguy cơ mắc chứng trầm cảm hay các triệu chứng căng thẳng thần kinh khác như đau đầu, đau bụng, mất ngủ… Hơn nữa, nạn nhân sẽ gần như rơi vào tình trạng sợ hãi mỗi khi có điện thoại, tin nhắn mới.
Nhìn bài học từ các nước phát triển khác như Hàn Quốc, Nhật Bản về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay, có thể thấy các em bị bạo lực thường nghĩ tới cái chết và nhiều vụ tử tự đáng báo động tại các quốc gia này. Đây là một lời cảnh báo cho nhà trường và gia đình cần quan tâm nhiều hơn tới các em để ngăn chặn kịp thời những sự việc đáng nuối tiếc như vậy.
Bạo lực bằng lời nói
Tình trạng:
Bạo lực bằng lời nói cũng là vấn nạn bạo lực học đường phổ biến hiện nay. Đây là hình thức sử dụng những từ ngữ khiếm nhã, phân biệt những đặc điểm của người khác, đe dọa, đặc biệt phổ biến hiện nay là body shaming (chê trách, chế giễu ngoại hình của người khác). Đôi khi những lời so sánh “con nhà người ta” cũng được tính là bạo lực nhưng không chỉ riêng ở trường học.
Hậu quả:
Nạn nhân của bạo lực bằng lời nói bị ứ đọng cảm xúc lại và dần bùng nổ cảm giác tủi hổ, tự ti, cảm thấy thua kém mọi người. Về lâu dài có thể hình thành tâm lý ngại giao tiếp, tự cách ly mình khỏi xã hội. Tuy nhiên, ở mức độ phức tạp hơn, những người này sẽ bị trầm cảm, chỉ nghĩ tới cái chết và kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự tử.
Bạo lực bằng hành động
Tình trạng:
Trường hợp này thường biểu hiện rõ ràng qua những hành vi xâm phạm, gây thương tổn, đau đớn tới thể xác của người khác khiến họ cảm thấy khó chịu, bực bội. Đây là hành động đáng lên án vì ảnh hưởng trầm trọng tới thể xác của các em nhỏ.
Hậu quả:
Nạn bạo lực học đường thông qua hành động dễ được phát giác nhờ internet nên những bạn học sinh thực hiện hành vi này khả năng bị kỷ luật cao. Tuy nhiên, trước khi bị phát hiện ra, khả năng có những mâu thuẫn đã xảy ra và nạn nhân đã phải chịu đựng nhiều hơn thế cho tới khi trở thành “trò tiêu khiển” trên mạng xã hội. Những nạn nhân này sau đó có xu hướng sợ tiếp xúc xã hội, ám ảnh tâm lý trầm trọng, chống đối xã hội, tệ hơn là tự sát. Vậy nên, phụ huynh và nhà trường cần quan sát thật kỹ các em để phát giác kịp thời, tránh để sau khi có video mới biết để không tổn hại tinh thần các em.
Nạn bạo lực học đường hiện nay có nhiều biến thể khác nhau và cơ bản nằm ở 3 kiểu trên. Do đó, Mẹ&Con nhắc bố mẹ cập nhật những thông tin này, theo dõi sát sao con trẻ để không xảy ra điều gì đáng tiếc.