Bạn không cần phải quá lo lắng về hóa đơn tiền điện tăng vọt và thời tiết nắng nóng, nếu thực hiện các bí quyết dưới đây của Tạp chí Mẹ và Con:
Điều hòa
Đây có lẽ là thiết bị điện được sử dụng nhiều nhất vào các ngày nắng nóng, nhưng cũng chính là nguyên nhân khiến hóa đơn điện tăng vọt. Sau đây là những bí quyết đơn giản giúp bạn dùng điều hòa nhưng vẫn tiết kiệm điện.
Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp
Vào mùa hè nóng bức, nhiều gia đình thường có thói quen bật điều hòa nhiệt độ xuống mức thấp mỗi khi khởi động để chúng làm lạnh nhanh hơn. Tuy nhiên, thói quen gây hại cho điều hòa vừa tiêu hao nhiều điện năng. Vì thế bạn nên duy trì điều hòa ở mức 26 độ C, con số lý tưởng để máy chạy ở hiệu suất tối ưu, giúp tải lạnh giảm, cường độ làm việc để tiết kiệm điện hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng chế độ hẹn giờ tắt máy lạnh và sử dụng những thiết bị làm mát di động như quạt gió để hỗ trợ việc làm lạnh, giúp không khí luôn thoáng mát cho căn phòng.
Vệ sinh thường xuyên
Để máy hoạt động tốt và hoạt động hiệu quả hơn, bạn cần vệ sinh điều hòa thường xuyên giúp tiết kiệm điện năng và duy trì tuổi thọ của máy lạnh, nhất là trong những mùa nắng nóng. Các nhà sản xuất luôn khuyến khích người sử dụng điều hòa nên vệ sinh và thay bộ lọc 3 tháng/lần cho máy lạnh. Khi lau dọn sạch bụi bẩn tích tụ trong bộ lọc, bạn có thể giảm đến 15% công suất hoạt động của máy, giúp tiết kiệm một lượng điện đáng kể.
Chọn máy điều hòa có công suất phù hợp
Khi lắp đặt điều hòa cho căn phòng, bạn cần xem diện tích phòng bao nhiêu để chọn công suất phù hợp. Nếu công suất lớn thì sẽ rất tốn điện, còn công suất yếu quá thì không hiệu quả. Theo chuẩn, cứ 1.000 BTU thì tải được 2m2 là tối đa. Tức là với phòng có diện tích từ 9 -18 m2 bạn có thể lắp điều hòa có công suất 9.000 BTU/giờ hay diện tích từ 15 -24 m2 cần dùng máy 12.000 BTU/giờ.
Không để nhiệt độ quá lạnh vào ban đêm
Vào ban đêm cơ thể con người không đòi hỏi ở nhiệt độ thấp nhất. Vì vậy, hãy điều chỉnh nhiệt độ vừa phải khoảng 1 – 2 tiếng rồi tắt trước khi đi ngủ, máy điều hòa sẽ hoạt động ít hơn và tiết kiệm điện năng.
Đóng kín cửa
Khi sử dụng máy điều hòa, bạn nên đóng tất cả các cửa và sử dùng rèm che nếu trong phòng có cửa kính. Nếu bị ánh nắng chiếu vào sẽ hấp thu nhiệt và khiến bạn tốn nhiều tiền điện hơn mà thôi.
Hạn chế cho máy hoạt động cả ngày
Thời tiết nóng khiến người dùng luôn bật điều hòa liên tục suốt cả ngày. Tuy nhiên cách làm này gây quá tải, làm giảm tuổi thọ máy và tiền điện cũng sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, bạn nhớ tắt điều hòa khi ra khỏi nhà và có chế độ cho máy lạnh nghỉ ngơi hợp lý.
Hạn chế tắt, bật nhiều lần
Tắt bật thường xuyên gây tác dụng ngược lại khiến điện năng tiêu hao nhiều hơn do điều hòa cần rất nhiều năng lượng để khởi động lại. Vì vậy khi sử dụng máy điều hòa, bạn nên để ở mức độ ổn định và phù hợp với căn phòng.
Nấu nướng
Việc nấu ăn trong nhà sẽ sinh ra nhiệt rất cao, sao bạn không thể thử những ý tưởng mới như nấu ăn ngoài trời. Thời tiết khô hanh giúp than củi dễ bị đốt cháy hơn. Chính vì vậy hãy chuẩn bị một lò than sau đó thực hiện các món hầm, canh, nước… vừa có được những món ngon lại hạn chế sinh nhiệt. Từ đó không gian chung sẽ trở nên mát mẻ hơn, nên việc sử dụng điều hòa sẽ giảm dần. Nhưng một lưu ý quan trọng là bạn cần đảm bảo an toàn cháy nổ khi sử dụng bếp than, bếp củi nhé!
Hạn chế sử dụng bếp gas, vì chúng có thể tỏa tới 60% nhiệt ra môi trường xung quanh khiến ngôi nhà của bạn khó chịu và nóng bức hơn rất nhiều. Thay vào đó bạn tận dụng than sau khi nấu nướng để đun nước vừa giảm điện lại tiết kiệm được tiền gas hàng tháng. Đơn giản hơn bạn có thể cân nhắc về chuyện sẽ chịu thêm ít tiền điện và giảm chi phí gas bằng cách sử dụng bếp từ (loại bếp chỉ tỏa tối đa 30% nhiệt ra bên ngoài) bạn có thể yên tâm vì hiện nay các loại bếp điện đều có công nghệ tiết kiệm điện.
Tủ lạnh
Ngoài máy lạnh, tủ lạnh cũng là đồ điện dùng nhiều hơn trong những ngày nắng nóng. Sau đây là những mẹo để bạn sử dụng tủ lạnh tiết kiệm:
Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý
Tùy vào tình hình thời tiết mà chúng ta có thể cân chỉnh nhiệt độ trong tủ lạnh khác nhau. Vào mùa đông, bạn hãy tăng nhiệt độ để thức ăn không bị đông cứng, còn vào mùa hè nóng bức hãy giảm nhiệt độ để đồ ăn không bị hỏng. Nhiệt độ thích hợp ở ngăn đông ở mức dưới 0 độ C. Trung bình khoảng -18 độ C để tủ lạnh sử dụng điện năng hợp lý đồng thời có thể bảo quản thực phẩm với thời gian dài nhất, vì -18 độ C là mức nhiệt vi khuẩn không thể phát triển được.
Mức nhiệt độ chuẩn nhất của ngăn mát là 0 – 3 độ C. Đây là mức nhiệt độ phù hợp để bảo quản và ngăn chặn việc thức ăn bị ôi thiu. Ngoài việc điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, bạn nên kết hợp thêm một số việc hữu ích sau để vừa giúp tiết kiệm điện, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình.
Hạn chế mở cửa tủ lạnh nếu không cần thiết
Khi bạn mở và đóng cửa tủ lạnh thường xuyên, máy nén phải điều chỉnh nhiệt độ liên tục để duy trì độ lạnh và độ ẩm có nhất định bên trong tủ lạnh. Mở cửa tủ lạnh dù một chút, nhiệt độ của thực phẩm – bên trong tủ lạnh sẽ tăng, máy nén lúc này phải vận hành để làm giảm nhiệt độ lần nữa. Vì thế, việc mở cửa liên tục sẽ làm cho tủ lạnh nhà bạn tiêu tốn điện năng nhiều. Đừng mở cửa tủ lạnh quá lâu, tránh hao phí điện năng, bạn nhé!
Cất giữ thực phẩm đúng cách để tiết kiệm điện
Để tiết kiệm điện tủ lạnh, bạn không nên chưa quá nhiều thực phẩm vào trong tủ. Thay vào đó, bạn nên sắp xếp đồ trong tủ ngăn nắp và có khe hở để luồng khí lạnh được lưu thông giúp lượng điện tiêu hao được hạn chế. Đặc biệt, hãy để nguội thức ăn trước khi cất vì khi cho thức ăn nóng vào tủ, tủ lạnh không chỉ cần làm lạnh thức ăn mà còn phải hoạt động thêm năng suất nhằm bù lại hơi nóng thoát ra từ thức ăn.
Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ
Bạn cần vệ sinh sinh tủ lạnh khoảng 1 – 2 tháng/ lần để vi khuẩn, nấm mốc không có điều kiện phát sinh. Tiến hành lau chùi phần rìa cao su ở cửa tủ lạnh cẩn thận sẽ giúp phần cao su giữ được độ bền, đóng khít khao, không thất thoát hơi lạnh nhiều để tủ lạnh hoạt động ổn định, tiết kiệm điện tốt hơn.
Trồng nhiều cây xanh trong nhà
Việc trồng nhiều cây xanh được xem là một cách tiết kiệm điện tự nhiên mà không cần tốn quá nhiều chi phí phát sinh cũng như công sức chăm sóc. Chính vì vậy, bạn nên tận dụng tối đa ưu điểm này của chúng và bố trí thêm các cây xanh ở những góc nhà vào mùa nắng nóng. Ở gần cửa sổ hướng đón nắng, bạn có thể trồng những loại dây leo ưa nắng như một bức màn chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng.
Giữa thời tiết nóng bức từ 38 – 40 độ C như hiện nay, những chậu cây xanh mướt chính là “liều thuốc giải nhiệt” cho không khí cũng như tinh thần của bạn, đồng thời cũng tạo nên không gian xanh làm dịu bớt đi tác động của ánh nắng gay gắt chiếu vào nhà.
Sử dụng rèm cửa để chắn ánh nắng
Khi thời tiết quá nắng, việc kéo rèm vào sẽ giúp không khí trong nhà mát mẻ. thoáng đãng hơn. Thay vì các loại rèm mỏng, vẫn rọi được ánh sáng vào nhà, bạn nên cân nhắc chọn mua loại rèm có màu sắc trung tính với chất liệu màu trắng bên trong vải tráng nhựa. Loại rèm xếp li này có thể giảm khí nóng lên đến 33%. Một điểm đáng chú ý là rèm nên treo gần cửa, bao lấy toàn bộ cửa sổ và có chiều dài chạm sàn nhà.
Tắt khi không sử dụng điện
Nếu muốn giảm bớt hóa đơn điện vào những tháng cao điểm như hiện nay, không điều gì hiệu quả hơn chính ý thức của mỗi thành viên trong gia đình, tức là gia đình bạn phải có trách nhiệm với mỗi thiết bị điện trong nhà.
Hãy tắt đồ điện tử khi không sử dụng, tắt bớt đèn khi trời sáng, tắt quạt và điều hòa vào sáng sớm để tận dụng gió mát đầu ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý việc che chắn cho căn phòng của mình vào những ngày nắng nóng. Có thể lắp mái/trần cách nhiệt, lắp cửa kính phản quang hoặc dùng các biện pháp khác nhằm ngăn ánh nắng chiếu rọi trực tiếp vào phòng, khiến nhiệt độ tăng mạnh mà dù có bật điều hòa cũng không thể chữa nóng nổi.
Hy vọng với những chia sẻ nhỏ trên đây, Mẹ và Con sẽ phần nào giúp bạn tiết kiệm điện hiệu quả trong mùa nắng nóng này. Chúc bạn áp dụng thành công nhé!