Tại sao nên cho bé bốc?
Bạn có nhận ra một điểm rất thú vị, là những đứa trẻ biếng ăn không bao giờ chịu ăn bốc, và ngược lại, chẳng có đứa trẻ nào thích ăn bốc mà lại… biếng ăn không? Với trẻ, chuyện bị mẹ cứ kè kè cái tô, đút liên miên hết miếng này đến miếng khác chẳng có gì thú vị. Bé sẽ rất dễ chán bữa cơm hàng ngày nếu như mẹ khư khư một cái tô “lẩu thập cẩm” trong đó và cứ thế mà đút.
Một trong những nguyên tắc đầu tiên, đơn giản nhất để bé thèm ăn, thích thú với bữa ăn là cho con nhìn thấy các món ăn để trên bàn với màu sắc của chúng, cho con tự hít hà hương thơm của từng món ăn, cho con tự tay tiếp xúc, khám phá món ăn. Bốc chính là một quá trình… đáp ứng hết các yêu cầu đó. Khi bạn cho con ăn bốc từ rất sớm, nghĩa là bạn đã hình thành cho bé một thói quen rất tốt: Thói quen thích khám phá món ăn, chủ động ăn, xem chuyện ăn như một điều gì đó mới mẻ, thú vị và đầy bất ngờ. Chính những tâm lý này sẽ rất có ích cho bé suốt quá trình ăn dặm và về sau.
Nguyên nhân thứ hai khiến ăn bốc quan trọng đến thế là vì khi tập bốc, bé sẽ tự “kích thích” não bộ, luyện tập cho mình những kỹ năng cực kỳ quan trọng: Kỹ năng quan sát, kỹ năng cầm nắm, kỹ năng khéo léo đưa thức ăn vào miệng… Những đứa trẻ làm việc này càng giỏi bao nhiêu thì về sau càng trở nên linh hoạt với các hoạt động khác bấy nhiêu. Nó giống như một thử thách nho nhỏ đầu đời dành cho bé.
Dấu hiệu cho thấy bé có thể ăn bốc
– Bé trên 6 tháng tuổi.
– Bé đã quen với các thức ăn dạng mềm, lỏng như cháo, bột trước đó.
– Bé ngồi vững trên ghế ăn, tự giữ đầu thẳng trong lúc ngồi.
– Bé có thể tự nhặt từng miếng thức ăn để sẵn trên mặt bàn ăn và tập cách đưa được đúng vào miệng.
– Bé đã có dấu hiệu nhai được (bằng răng hoặc bằng nướu) chứ không nuốt trọng.
– Bé thích thú với chuyện ăn bốc và tự ăn với sự khuyến khích của mẹ, không khóc, không giãy khi được đặt vào bàn ăn.
Món nào thuận tiện cho bé… bốc?
Món ăn |
Nên |
Không nên |
Trái cây mềm, thái nhỏ vừa miệng bé như xoài, bơ, chuối, đu đủ… |
x |
|
Trái cây được hấp chín, thái nhỏ như táo, lê. |
x |
|
Rau củ hấp chín, mềm, cũng thái nhỏ như khoai lang, cà rốt, khoai tây luộc, su su, bí đỏ… |
x |
|
Phô mai thái nhỏ vừa tay bé bốc. |
x |
|
Lòng đỏ trứng gà, thái nhỏ. |
x |
|
Bánh ăn dặm. |
x |
|
Thịt băm nhuyễn, vo viên nhỏ, nấu chín kỹ. |
x |
|
Ruột bánh mì, xé thành từng miếng nhỏ. |
x |
|
Cá không có xương vụn, hấp kỹ, chia thành miếng nhỏ vừa bốc. |
x |
|
Nui nhỏ, luộc chín kỹ, mềm. |
x |
|
Nho, nhãn, cherry, vải… (những loại quả có hạt hoặc khá to, dễ trơn tuột). |
|
x |
Các loại rau có thể dai và khó nuốt như rau muống, rau cải… |
|
x |
Cá có xương nhỏ, dễ gây hóc. |
|
x |
Các loại thạch trái cây (dễ trôi tuột vào miệng và dai, gây hóc). |
|
x |
Kẹo mềm / cứng các loại, bánh snack không được làm riêng cho trẻ ăn dặm. |
|
x |
Thịt để nguyên miếng, dai. |
|
x |
Các loại hạt cứng (hạt dẻ, hạt dưa, hạnh nhân…) |
|
x |
Mẹ cần lưu ý những gì?
Nên ghi nhớ rằng, cho bé ăn bốc không có nghĩa là… mặc kệ cho bé tự ăn. Bạn cần ngồi bên, giám sát quá trình này, giúp đỡ con ngay khi cần thiết.
Đừng nỗ lực… lau miệng, lau tay cho bé liên tục trong quá trình bé ăn bốc. Việc bé bôi tèm lem thức ăn trên mặt không sao cả (trừ khi thức ăn bôi vào mắt hay mũi bé). Cứ để con tự mình khám phá món ăn. Bôi bẩn một chút, “tèm lem” một chút lại rất có ích trong lúc này, vì bé sẽ quen thuộc dần và ngày càng thành thạo hơn với khả năng tự ăn một mình.
Bạn có thể chọn những thời điểm khác nhau trong ngày để luyện tập cho bé ăn bốc. Tuy nhiên, mách bạn một mẹo nhỏ là đừng cho bé ăn bốc khi bé đang… đói quá. Bé rất háu đói, trong khi việc ăn bốc lại cần rất nhiều thời gian (bé chưa khéo léo để bốc được nhanh gọn liên tục mà!). Chính vì thế, thức ăn bé đưa được vào miệng không đáp ứng kịp cơn đói và bé sẽ trở nên mất kiên nhẫn, dễ khóc.
Thay vào đó, bạn nên cho bé ăn bốc khi con đang “lưng lửng” (còn đói nhưng không đói quá) hoặc vào bữa dặm (tức là bữa xen kẽ giữa hai lần ăn, khi bé chỉ vừa mới bước vào trạng thái đói). Việc một số mẹ cho bé ăn bốc ngay bên cạnh người lớn, khi bố mẹ cũng bốc một ít trái cây, bánh… để ăn. Bé sẽ quan sát bố me và cảm thấy hào hứng hơn với việc ăn bốc này.
Vấn đề vệ sinh, an toàn là điều kế tiếp, rất quan trọng mà mẹ cần quan tâm. Bạn cần rửa sạch tay cho bé, cần chuẩn bị bàn ăn và các dĩa nhựa thật sạch sẽ. Các loại thực phẩm được chọn cũng không được có khả năng gây hóc (mắc cổ), nghẹn cho trẻ. Tùy độ tuổi của con mà thái miếng cho phù hợp. Bạn cũng cần ngồi bên cạnh, không rời mắt khỏi bé để kịp thời hỗ trợ ngay nếu con chẳng may nghẹn, hóc vì một miếng thức ăn quá lớn so với bé.
Ở giai đoạn bé mới ăn bốc, nên ưu tiên chọn những thực phẩm có màu sắc, hình thù ngộ nghĩnh, nhìn vui mắt để bé thích thú bốc. Ban đầu, con có thể rất vụng về. Nhưng hãy kiên trì! Không ai một sớm một chiều học được một kỹ năng. Con của bạn cũng không tự nhiên mà… biết bốc. Bé cần một thời gian nhất định để làm quen và thuần thục việc này.
Muỗng thì sao?
Rất tốt! Bên cạnh… hai bàn tay, bé có thể học cách sử dụng muỗng để cho thức ăn vào miệng. Muỗng là một bước khó hơn việc dùng trực tiếp bằng tay. Nhưng bạn cứ thử xem. Để sẵn muỗng trên bàn và khuyến khích bé dùng. Trường hợp bé vừa dùng muỗng vừa dùng tay càng tốt. Ghi nhớ là trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng cần liên tục khen ngợi, khuyến khích, động viên con.