Mẹ&Con - Chọn những thực phẩm sắc màu như thế nào để vừa “bắt mắt” con vừa thật sự tốt cho sức khỏe của bé? Xanh đỏ tím vàng trong thiên nhiên (tức là không phải dùng đến phẩm màu ấy mà!) có dễ tìm không và kết hợp thế nào cho tốt nhỉ? Trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh sẽ... học dốt? Mẹo 'chữa cháy' khi lỡ nấu thức ăn quá cay 5 nguyên tắc chế biến, bảo quản thức ăn dặm

Có “màu” con mới… chịu ăn!

Ừ, đúng đấy! Ai có con rồi đều biết, sắc màu trong thực phẩm, trong món ăn mẹ chọn quan trọng lắm. Có khi bé đang giai đoạn biếng ăn, nhưng nhìn thấy mẹ làm vài lát bánh sandwich, xắt cà chua đỏ rực trang trí làm miệng, lấy đậu Hà Lan xanh xanh làm mắt, thêm ít khoai tây chiên vàng óng ánh làm mũi, “vẽ vời” tí chút biến cái dĩa thức ăn thành bức tranh đủ sắc màu sinh động, thế là bé háo hức “măm măm” với mẹ ngay.

Tuyệt chiêu chọn thực phẩm sắc màu giúp con khỏe mẹ an tâm 7

Ngược lại, mẹ cũng từng “đau đầu” với chuyện dẫn con đi siêu thị, mắt con cứ dán chặt vào những chiếc kẹo đủ màu, những gói bánh, gói cốm xanh đỏ tím vàng. Mẹ bảo: “Thôi con, cái này không tốt!”, nhưng bé không nghe. Bé cứ thích phải màu sắc như thế mới chịu ăn! Thế là rõ rồi, màu sắc đóng một vai trò quan trọng để kích thích giác quan, tạo nên cảm giác thèm ăn, ngon miệng của trẻ. Khi ăn, bé không chỉ thưởng thức món ăn bằng miệng – vị giác, mà còn bằng nhiều giác quan khác, trong đó mắt – thị giác đóng vai trò không nhỏ.

Bạn ngắm lại mà xem, bé không chịu ăn rau nhưng lại rất háo hức với đĩa salad mẹ trộn, nào sắc xanh của xà lách, đỏ của cà chua, tím của hành, trắng và vàng của lòng trắng và lòng đỏ trứng luộc… Các sắc màu quyện vào nhau tạo nên một bức tranh hài hòa đa sắc, kích thích thị giác, tạo phản ứng tiết nước bọt và sự háo hức trước khi ăn. Màu sắc khiến cho món ăn đẹp hơn, ngon hơn, hấp dẫn hơn ngay từ “ánh nhìn đầu tiên” chính là nhờ thế.

Đấy, mẹ thử tưởng tượng mà xem, miếng bánh flan cho con ăn nếu không có sắc vàng óng ả, kết hợp với một chút nước đường nâu nâu mà chỉ có màu… trắng nhợt thì bé có chịu ăn không? Một miếng bánh da lợn bé “măm”, có đến 3 lớp, mỗi lớp là một sắc màu. Màu xanh lá cây của lá dứa, màu vàng của đậu xanh xen kẽ lẫn nhau, khiến bé cảm thấy như được “khám phá” sắc màu. Ngay cả đến món giản đơn nhất như xôi, bé cũng hăm hở khi “lạc” vào màu sắc rực rỡ của những chõ xôi: màu đỏ của xôi gấc, màu vàng của xôi vò, màu xanh tím của xôi lá cẩm, màu đen của xôi nếp than… Chưa kể đến sắc trắng muốt của dừa bào, sắc vàng vàng của ít đậu phộng rang rắc bên trên. Một “bữa sáng” mới hấp dẫn với bé làm sao!

Chọn, “phối” màu sao cho hợp lý?

Yếu tố quan trọng đầu tiên là hầu như bác sĩ dinh dưỡng nào cũng khuyên mẹ nên chọn màu sắc tự nhiên, từ rau củ quả. Nên hạn chế tối đa việc để trẻ phải ăn các thực phẩm với phẩm màu “hóa chất”. Thực tế là phẩm màu thường đẹp hơn, tươi tắn, rực rỡ, ít phai kể cả khi chế biến (nếu lửa mạnh có thể khiến màu tự nhiên nhạt đi ngay) nhưng lại không hề tốt cho sức khỏe của bé.

Kế đến, thật ra ngay cả khi dùng màu thiên nhiên, mẹ cũng cần có chút ít kinh nghiệm để kết hợp sao cho hài hòa, đúng cách. Ví dụ dễ thấy nhất như cải bó xôi cho màu xanh rất đẹp nhưng chỉ hợp với các món mặn như súp, cơm, cháo, mì… Ngược lại, lá dứa cũng cho màu xanh, nhưng lại chỉ “bắt” khi kết hợp với bánh trái, rau câu…

Tuyệt chiêu chọn thực phẩm sắc màu giúp con khỏe mẹ an tâm 8

Cũng cần bật mí thêm với mẹ rằng, màu sắc trong chế độ dinh dưỡng của bé không chỉ có ý nghĩa… làm đẹp, tạo sự vui mắt, sinh động. Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên bà mẹ cho trẻ ăn “nhiều màu”, tức là chọn thực phẩm theo nhiều nhóm màu khác nhau để đảm bảo cung cấp cho bé một chế độ ăn đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất.

Cụ thể như những thực phẩm thuộc nhóm màu đỏ sẽ chứa nhiều lycopene, chất giúp giảm nguy cơ ung thư, các bệnh về tim phổi. Bạn có thể hình dung ra “màu đỏ” trong các loại rau củ quả như cà chua, dưa hấu, nho đỏ, mận khô, dâu tằm, việt quất, lựu… Thực phẩm có màu đỏ cũng giúp cải thiện quá trình tuần hoàn máu rất tốt, lại được xem như một rào chắn hiệu quả trong việc góp phần củng cố cho hệ miễn dịch, phòng ngừa những bệnh lý do các vi khuẩn và vi sinh gây nên cũng như giảm thiểu tình trạng dị ứng cho cơ thể.

Nhóm màu vàng / xanh lại chứa caroten và lutein, làm giảm nguy cơ các bệnh về mắt. Một vài “món” thuộc nhóm màu vàng / xanh có thể kể đến như rau xanh các loại, ngũ cốc, dưa ngọt, bắp… Nhóm màu xanh (cải bắp, bông cải xanh) có khả năng ngăn chặn carcinogen (chất sinh ung thư) trong cơ thể. Thực phẩm có màu xanh cũng giúp loại bỏ những độc tố trong cơ thể, chẳng hạn như bắp cải là chuyên gia về phòng chống một số bệnh ung thư; thực phẩm có họ từ rau xanh giúp giảm lượng mỡ thừa trong máu và chống lại sự viêm tấy do một số vi khuẩn và vi-rút gây nên.

Chưa hết, nhóm thực phẩm màu cam lại có chứa alpha và beta carotene. Trong đó alpha carotene tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư. Còn beta carotene khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A, bảo vệ da và tăng cường thị lực. Bật mí thêm là khi cơ  thể hấp thu thực phẩm màu cam, làn da sẽ sáng đẹp hơn và giúp da có thể phòng chống những tác hại từ ánh nắng mặt trời. Mẹ có thể bổ sung thực phẩm “màu cam” cho bé như cho bé ăn cà rốt, xoài, mơ, bí đỏ, cá mòi, tôm tép…  

Mẹ cũng có thể tham khảo thêm công dụng của vài nhóm “sắc màu” nữa như nhóm cam / vàng (dứa, cam, quýt, đu đủ…) chứa beta cryptothanxin, giúp cho các tế bào nối với nhau, có tác dụng ngăn chặn bệnh tim. Nhóm đỏ tía (táo, dâu tây, cà tím…) có chứa chất chống oxy hóa, cải thiện chức năng của não và làm chậm quá trình già đi của các tế bào trong cơ thể. Nhóm trắng xanh (tỏi tây, hành lá, tỏi) có chứa allicin, có khả năng chống sưng tấy.

Mẹ có biết…

Không phải vô cớ mà thiên nhiên ban tặng cho con người những thực phẩm với sắc màu tươi thắm, đa dạng. Ẩn chứa bên trong những món ăn “bảy sắc cầu vồng” ấy là những chìa khóa tối ưu để tạo sự phát triển hoàn thiện, bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật thay cho những viên thuốc tây hay thuốc bổ.

Tuyệt chiêu chọn thực phẩm sắc màu giúp con khỏe mẹ an tâm 9

Những “bí mật” đáng ngại về phẩm màu nhân tạo!

Năm 1976, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ FDA tuyên bố màu đỏ “tía rau rền” dùng nhuộm thực phẩm là chất sinh ung thư. Ngay lập tức, hàng loạt các loại kẹo, chocolate mang màu này bị “tẩy chay”. Sau đó, màu đỏ tía mới tái xuất và được cho là an toàn hơn vì được chế tạo dưới dạng màu thực phẩm.

Kế tiếp, các nhà nghiên cứu Anh tìm thấy sự liên quan giữa thực phẩm nhuộm màu nhân tạo với sự rối loạn hành vi ở trẻ. Theo đó, sự gia tăng số trẻ bị tăng động giảm chú ý và các rối loạn khác là một phần của chế độ ăn sử dụng các sản phẩm chứa phẩm màu nhân tạo.

Các quốc gia ở châu Âu ngay lập tức yêu cầu giảm dần màu nhân tạo trong thực phẩm. Ở Mỹ, tuy FDA từ chối ban hành luật cấm các chất tạo màu này nhưng cũng đã có những khuyến nghị nên sử dụng màu nhẹ nhàng, tránh các màu quá “chói lóa” và cố gắng loại bỏ chúng ra khỏi các thực phẩm dành cho trẻ em.

>>>> Mẹ lưu ý

Riêng với sữa, sữa chua và phô mai, mẹ tuyệt đối không nên tự ý “pha màu”, dù là màu thiên nhiên đi nữa. Ví dụ như không được phép tự ý dùng nước rau dền để pha sữa cho con, tự bỏ thêm lòng đỏ trứng gà vào sữa cho “màu đẹp”. Trường hợp đặc biệt, nhà sản xuất đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tạo nên một số loại sữa cam, sữa dâu, sữa chocolate… có màu. Còn lại, mẹ không nên tự ý pha bột cam, bột dâu vào sữa trắng. Việc “phối màu” tùy tiện này có thể tạo nên những phản ứng hóa học bất thường, gây nguy hiểm cho trẻ. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, chỉ nên cho trẻ uống sữa trắng, sữa chua trắng chứ đừng để trẻ “làm quen” với các loại sữa, sữa chua có màu. 

Theo sự tư vấn của Bác sĩ Lê Thị Bích Ngọc (BV Nhi Đồng 1)

Tags:

Bài viết liên quan