Mẹ&Con – Nhiều bậc cha mẹ hay có thói quen cho trẻ nhỏ nằm bú bình. Tưởng là tiện lợi, thoải mái nhưng việc này cực kỳ nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Dưới đây là những tác hại cụ thể của việc cho trẻ nhỏ nằm bú bình, cha mẹ cần biết rõ để không mắc phải sai lầm.
Nguy cơ sặc, nghẹt thở
Cho trẻ nhỏ nằm bú bình dường như rất thuận tiện cho cả cha mẹ và em bé. Mẹ có thể thư giãn, nghỉ ngơi hoặc tranh thủ làm các công việc khác trong khi em bé nằm trong cũi cầm bình sữa tự uống. Nhưng bạn có biết việc này rất nguy hiểm cho trẻ hay không?
Bởi lẽ, đôi khi dòng sữa trong bình chảy nhanh, em bé không thể nuốt hết sữa với tốc độ chảy nhanh như vậy được, dẫn đến sặc. Ngoài ra, còn có những mối đe dọa khác là sữa chảy vào khí quản hoặc phổi dẫn đến nghẹt thở, khó thở.
Trẻ nhỏ nằm bú bình: Gây kích ứng da
Da em bé rất mong manh và nhạy cảm. Nếu như phụ huynh không để ý, khi bé ngủ quên với bình sữa ngậm trong miệng có thể khiến sữa chảy xuống má, cổ và cơ thể, khiến làn da bé bị ẩm ướt, gây kích ứng và ngứa ngáy.
Nguy cơ sâu răng
Nhiều cha mẹ thường có thói quen cho con vừa ngủ vừa bú bình vào ban đêm để bé no và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên thói quen này rất có hại cho răng của trẻ.
Vào ban đêm, trẻ thường ngủ kéo dài khoảng 8 – 10 giờ, thời gian này chỉ có một lượng nhỏ nước bọt được tiết ra, do đó dưới tác động của các chất đường từ trong sữa hay các chất ngọt lắng đọng lại trên răng sẽ làm phá hủy men răng một cách nhanh chóng. Kết quả là gây ra sâu răng.
Mặc dù đây có thể là răng sữa, bé sẽ thay răng vĩnh viễn sau đó nhưng theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, sâu răng sữa cũng ảnh hưởng xấu đến việc mọc răng vĩnh viễn của trẻ sau này.
Viêm tai giữa
Bạn có biết rằng nằm bú bình là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm tai giữa? Nguyên nhân là do ở tư thế nằm ngang, sữa có thể chảy ra ống tai và đọng lại tại đó. Vi khuẩn theo đó xâm nhập vào gây viêm tai. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.
Những lưu ý khi cho trẻ nhỏ nằm bú bình an toàn
Để đảm bảo an toàn khi cho trẻ nhỏ bú bình, phụ huynh nên lưu ý thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Luôn theo dõi, giám sát quá trình bú của bé
- Đừng để cho bé ngủ mà vẫn còn ôm bình sữa, miệng ngậm núm vú
- Luôn lau khô miệng bé sau mỗi lần uống sữa
- Hãy chọn lỗ núm vú có kích thước phù hợp
- Nhớ vỗ ợ hơi cho bé sau mỗi lần bú
- Hãy nhớ là bình sữa không gây nguy hiểm. Cách cầm bình sữa và cách sữa chảy vào miệng mới gây ra rủi ro.
Thực hiện theo các bước trên và nhớ rằng, em bé luôn phải được ăn no và vui vẻ. Có như vậy em bé mới không bị bệnh tật, phát triển khỏe mạnh và cao lớn mỗi ngày.