Làm cha mẹ, điều hạnh phúc nhất là nhìn thấy con có thể ăn khỏe và ngủ ngon. Thế nhưng, có một ngày, bạn phát hiện ra trẻ nghiến răng khi ngủ. Những lúc này bạn sẽ làm gì? Lo lắng đánh thức con dậy hay đưa bé đến ngay bác sĩ để kiểm tra sức khỏe? Thật ra, đây chỉ là một hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ, cũng có những cách hạn chế dễ dàng. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thêm qua bài viết sau đây nhé!
Biểu hiện trẻ nghiến răng khi ngủ
Mẹ hãy đặc biệt lưu ý khi thấy con có một số dấu hiệu sau đây để phát hiện sớm chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ:
- Bạn nghe thấy tiếng nghiến răng của con khi trẻ đang ngủ.
- Trẻ thường xuyên nói mình bị đau hàm, đau tai và đau toàn thân.
- Trẻ ăn uống khó khăn, hay bị đau khi nhai thức ăn.
- Con không bị té hoặc tai nạn nhưng răng lại bị mẻ không rõ nguyên do.
- Trẻ thường bị đau âm ỉ ở trán.
Nguyên nhân trẻ nghiến răng khi ngủ?
Các chuyên gia và bác sĩ vẫn chưa xác định được chính xác 100% những “thủ phạm” gây nên tình trạng này. Tuy nhiên, có một số lý do sau đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiến răng của trẻ:
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số trẻ nghiến răng khi ngủ có thể là dấu hiệu cơ thể đang phản ứng lại với một số loại thuốc, đặc biệt là những trẻ đang dùng những loại thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần…
- Con gặp lo lắng: Những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng… vào ban ngày sẽ khiến trẻ nghiến răng khi ngủ hay con đang gặp ác mộng trong lúc mơ. Việc nghiến răng có thể là một cơ chế giúp cơ thể đối phó với những cảm xúc này.
- Bé bị sai lệch khớp cắn: Khớp cắn bị lệch sẽ khiến bé yêu cảm thấy khó chịu mỗi khi cơ hàm khép lại. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được mối quan hệ giữa sai lệch khớp cắn và nghiến răng khi ngủ, đến khoảng 13% số trẻ gặp phải cả 2 vấn đề này.
- Con bị giun kim: Những loại ký sinh trùng này có khả năng tiết ra một loại độc tố làm cho cơ thể bị căng thẳng, rối loạn, dẫn đến thói quen nghiến răng khi ngủ ở trẻ.
- Dị ứng: Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh dị ứng có thể khiến trẻ nghiến răng khi ngủ. Nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những nghi ngờ rằng nghiến răng có thể giúp xoa dịu cảm giác khó chịu do dị ứng gây ra.
- Bé đang trong độ tuổi mọc răng: Mọc răng cũng có thể liên quan đến thói quen nghiến răng của con. Vì nghiến răng sẽ giúp con có thể hạn chế đau, ngứa nướu răng.
Chứng nghiến răng của trẻ có tự hết hay không?
Đa số trẻ sẽ từ bỏ thói quen nghiến răng khi lớn hoặc khi đã mọc đầy đủ răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ ở độ tuổi dậy thì vẫn gặp phải trường hợp nghiến răng khi ngủ hoặc tình trạng này đã được kéo dài từ nhỏ và không chấm dứt. Điều này có thể là do trẻ vẫn đang mắc phải nhiều cảm xúc tiêu cực, lo âu kéo dài, nên nếu trẻ cải thiện được chất lượng tinh thần, con cũng sẽ dần dừng được tình trạng này.
Tuy nhiên, cũng có khi bố mẹ phát hiện tình trạng nghiến răng khi con đã gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Trẻ thường xuyên nghiến răng lúc ngủ sẽ gặp nguy cơ gì?
Một số vấn đề có thể xảy ra khi con thường xuyên nghiến răng khi ngủ kéo dài và không có dấu hiệu chấm dứt hoặc phát hiện chậm trễ, chẳng hạn như:
- Tủy răng bị lồi ra
- Những vấn đề về răng hàm của con sẽ trở nên tồi tệ hơn. Con còn có thể bị sâu răng do răng bị mài mòn trong khoảng thời gian dài và liên tục
- Gãy xương hàm
- Nghiến răng quá nhiều có thể sẽ làm men răng bị tổn thương hoặc mất đi
- Răng của con cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ, có thể bị gãy, yếu
- Trẻ có thể mắc hội chứng rối loạn khớp thái dương
Cách hạn chế chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ
Không phải quá lo lắng, bạn vẫn có thể áp dụng một số phương pháp để hạn chế, điều trị chứng nghiến răng khi ngủ của con yêu sau đây:
- Trẻ nhỏ dễ gặp phải những căng thẳng, lo lắng liên quan đến học tập, bạn bè hoặc bị ám ảnh bởi một vấn đề nào đó. Vì thế, bạn hãy tạo ra một số hoạt động nhẹ nhàng giúp con được thư giãn, đặc biệt trước khi đi ngủ. Bạn có thể trò chuyện thân mật với con, cho con tắm nước nóng, kể chuyện cho con nghe…
- Nhiễm trùng tai cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ nghiến răng khi ngủ. Để giảm thiểu tình trạng này, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và con dùng những loại thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho con uống khi có sự chỉ định của bác sĩ, trẻ phải được hơn 6 tháng và uống đúng liều lượng.
- Nếu trẻ bị đau răng, nhức nướu, bạn có thể chườm cho con một túi nước ấm để xoa dịu các triệu chứng khó chịu của con.
- Bạn cũng có thể giúp con hạn chế lại cảm giác khó chịu trong thời gian khắc phục chứng nghiến răng khi ngủ bằng cách cho con ngậm núm vú giả. Tuy nhiên, những loại sản phẩm này không nên dùng trong thời gian dài vì có thể dẫn đến những vấn đề liên quan đến răng miệng.
- Những trẻ mọc răng không đều cũng dẫn đến khó khăn khi khép miệng, từ đây sẽ hình thành thói quen thường xuyên nghiến răng ở trẻ. Lúc này bạn cần đưa con đến gặp nha sĩ để tìm ra hướng điều trị đúng đắn.
- Yoga, thiền cũng là một cách rất thú vị mà nhiều người trên thế giới dùng để giảm tình trạng căng thẳng. Bạn cũng có thể hướng dẫn cho trẻ thử những phương pháp này.
- Chú ý và quan tâm nhiều hơn về cuộc sống, sinh hoạt của trẻ để tìm ra được nguyên nhân khiến con bị căng thẳng để có thể tìm hướng giải quyết vấn đề này. Nếu đang gặp phải những vấn đề về học tập, bạn có thể hỗ trợ con trong những môn đó.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ nghiến răng khi ngủ
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con
Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Đặc biệt, đối với những trẻ thường xuyên nghiến răng, mẹ nên bổ sung cho con nhiều kẽm, canxi và magie, chẳng hạn như sữa, chất xơ từ những loại rau màu xanh đậm… Những chất này có thể hỗ trợ tốt các chức năng hoạt động của hệ thần kinh, giúp con giảm căng thẳng, hạn chế tình trạng nghiến răng khi ngủ.
Cùng con tập thể dục thường xuyên
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được, tập thể dục sẽ giúp giảm căng thẳng rất hiệu quả. Khi tập thể dục, cơ thể sẽ sản sinh ra một loại hormone có tên là endorphin giúp tinh thần sảng khoái, giảm đau tự nhiên. Khi trẻ trở nên vui thích, con sẽ không còn lo âu, căng thẳng, cải thiện được rất nhiều thói quen nghiến răng khi ngủ.
Sử dụng dụng cụ bảo vệ hàm cho trẻ
Đây là một loại dụng cụ thường được các nha sĩ đặt vào bên trong miệng để ngăn cho hai hàm răng chạm vào nhau. Bạn có thể giúp con mang trước khi ngủ và gỡ ra vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ trước khi áp dụng cho con.
Nếu như bạn đã cố gắng thử tất cả những phương pháp trên, nhưng tình trạng nghiến răng khi ngủ của con vẫn không thuyên giảm. Hãy đưa con đến nha sĩ để được thăm khám chuyên sâu và có hướng điều trị khác.
Hy vọng qua bài viết trên, Mẹ và Con đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ nghiến răng khi ngủ. Đồng thời cũng gợi ý được những cách điều trị giúp con hạn chế tình trạng này. Chúc bạn áp dụng thành công, con yêu luôn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn nhé!