Mẹ&Con - Con tôi 4 tuổi. Mấy ngày nay, cháu hay khóc vì đau miệng, đưa đi khám thì nha sĩ nói là cháu bị viêm nướu, cho thuốc kháng sinh và dặn phải vệ sinh răng miệng cho bé sạch sẽ... Có phải uống si rô dễ sâu răng? Chăm sóc răng sữa cho con Lưu ý khi trẻ mọc răng

Con tôi 4 tuổi. Mấy ngày nay, cháu hay khóc vì đau miệng, đưa đi khám thì nha sĩ nói là cháu bị viêm nướu, cho thuốc kháng sinh và dặn phải vệ sinh răng miệng cho bé sạch sẽ. Tôi cố đánh răng cho bé nhưng vì đau nên con không chịu cho đánh răng, giãy khóc. Tôi sợ cứ như thế tình trạng viêm nướu sẽ nặng hơn. Làm thế nào để chăm sóc nướu cho con và ngăn ngừa viêm nướu tái đi tái lại thưa bác sĩ?  

Lê Ngọc Huyền
(Quận 11)

 chuyen gia mevacon

Viêm nướu đến giờ vẫn là một trong số những bệnh rất phổ biến ở trẻ em. Đúng là việc kiểm soát mảng bám, ổ vi khuẩn gây viêm nướu chỉ có thể thực hiện tốt khi bé chịu “hợp tác” trong việc vệ sinh răng miệng. Nhưng với trẻ nhỏ thì có vẻ điều này không hề dễ dàng.

Hiện giờ bé đang đau nhiều nên việc vệ sinh răng miệng cho bé cần hết sức nhẹ nhàng. Bạn có thể dùng tạm gạc y tế, quấn vào ngón tay, thấm nước muối sinh lý pha loãng để lau răng cho bé. Nhẹ nhàng giải thích với bé rằng mẹ cần “lấy con vi trùng ra, nếu không chúng sẽ làm cho con đau nhiều hơn”. Cố gắng vệ sinh miệng cho bé thật nhẹ để bé không cảm thấy đau đớn quá mức.

Khi tình trạng viêm nướu của bé đã đỡ hơn nhờ thuốc, bạn cần tiếp tục duy trì việc vệ sinh răng miệng cho con. Cần giúp trẻ đánh răng 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối, súc miệng sạch sẽ sau mỗi khi ăn xong. Ngoài ra, nên để ý thường xuyên vùng nướu của con. Khuyến khích trẻ há miệng cho mẹ “khám răng” mỗi ngày, kiểm tra xem màu nướu hồng hào hay tấy đỏ, sung đau, bé có bị chảy máu ở vùng nướu không… (Lưu ý, những biểu hiện ban đầu của viêm nướu rất khó nhận biết, bé chỉ khóc và đau đớn khi tình trạng viêm nướu đã nặng mà thôi nên nếu mẹ không “khám”, khi thấy con đau mới đưa đi bác sĩ thì thường là đã viêm nặng).   

Bạn cũng cần giúp con tránh xa bánh kẹo, thức ăn ngọt, những thực phẩm rất dễ hình thành mảng bám trên răng, nướu. Với những bé đang bị viêm nướu, nha sĩ / bác sĩ có thể cho dung dịch sát khuẩn vùng miệng, cho thuốc kháng sinh. Bạn nên áp dụng đúng các hướng dẫn này, đưa bé đi tái khám đầy đủ.

Đừng lơ là và xem viêm nướu là chuyện nhỏ, vì nếu không được phát hiện, điều trị sớm, viêm nướu sẽ dẫn đến hiện tượng viêm tạo mủ giữa răng và nướu. Nướu sưng đỏ bầm, bở, chảy máu khi đánh răng, chà mạnh, thậm chí có thể tự nhiên chảy máu. Nếu vẫn không được điều trị, những vi khuẩn này sẽ tiếp tục tấn công sâu hơn xuống chân răng. Kéo theo đó là tình trạng tổn thương các tổ chức xung quanh răng, dây chằng, xương ổ răng sẽ bị tấn công và phá hủy. Lúc này, tình trạng viêm nướu đã trở nên trầm trọng và biến chứng thành bệnh nha chu. Bé phải đối mặt với nguy cơ tụt nướu, răng lung lay và có thể mất răng.

Tags:

Bài viết liên quan