Mẹ&Con – Trẻ đổ mồ hôi trộm quá nhiều kèm theo những hiện tượng như hay khóc đêm, cơ thể phát triển chậm… là những dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm, mẹ cần lưu tâm để có chế độ chăm sóc bé phù hợp.
Mồ hôi được xem là dấu hiệu sinh lý thường gặp ở trẻ. Khi trời nóng hay bé chơi đùa, cơ thể trẻ sẽ tiết ra mồ hôi để giúp điều chỉnh thân nhiệt. Tuy nhiên, trẻ đồ mồ hôi quá nhiều không vì những nguyên nhân rõ ràng lại là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm. Việc phân biệt giữa đổ mồ hôi bệnh lý và sinh lý sau đây sẽ giúp mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn.
Trẻ đổ mồ hôi trộm sinh lý hay bệnh lý?
Trẻ đổ mồ hôi trộm sinh lý
Quá trình tiết mồ hôi sinh lý xảy ra chủ yếu ở vị trí đầu và cổ. Trong khoảng sau 30 phút bé ngủ, tuyến mồ hôi bắt đầu hoạt động và kéo dài khoảng 60 phút là chấm dứt. Một vài nguyên nhân chính dẫn đến đổ mồ hôi sinh lý có thể được kể đến như:
Sự trao đổi chất quá mạnh
Trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển nhanh, sự trao đổi chất ở trẻ diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Khi vui chơi hay vận động quá nhiều, trẻ tiết ra nhiều mồ hôi. Quá trình này nhằm giúp cơ thể trẻ tỏa nhiệt và giữ nhiệt độ cơ thể ở mức hằng định.
Cha mẹ ủ con quá kỹ
Với trẻ sơ sinh, nhiều bậc cha mẹ mặc định là trẻ dễ bị cảm lạnh nên thường đắp chăn hoặc quấn mền quá nhiều cho trẻ. Điều này khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt, nóng bức và đổ mồ hôi nhiều. Bên cạnh đó, các yếu tố về thời tiết, điều kiện sinh hoạt không thoáng khí cũng khiến bé khó chịu.
Trẻ thiếu Vitamin D
Trẻ trong giai đoạn mới sinh và đến dưới 1 tuổi thường bị thiếu vitamin D nên dễ mắc chứng đổ mồ hôi trộm. Triệu chứng thường thấy là trẻ thường tiết ra nhiều mồ hôi ở vùng trán và gáy ngay kể cả khi thời tiết lạnh. Các trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, trẻ còi xương…cũng rơi vào tình trạng này do bị thiếu vitamin D trầm trọng.
Cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện
Ở trẻ sơ sinh, lượng nước tích trữ trong cơ thể cao hơn 85% và thành phần nước này sẽ dễ thải ra tự nhiên bằng cách đổ mồ hôi. Đây là lý do vì sao trẻ nhỏ dễ đổ mồ hôi hơn người lớn.
Trẻ đổ mồ hôi trộm bệnh lý
Biểu hiện của tình trạng đổ mồ hôi trộm bệnh lý là đầu trẻ tiết ra mồ hôi quá nhiều, nhất là khi bú mẹ và sau khi ngủ. Ngoài ra trẻ còn kèm theo các biểu hiện bất thường khác như ngủ không yên giấc, cơ thể phát triển chậm. Trong đó có một số bệnh thường thấy như:
Chứng tăng tiết mồ hôi
Nếu bé yêu của bạn ở trong một căn phòng mát mẻ nhưng vẫn đổ mồ hôi quá nhiều ở vùng trán, tay và chân, rất có thể trẻ đã mắc chứng tăng tiết mồ hôi. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân nguyên phát hay thứ phát để có cách chữa trị phù hợp.
Bệnh tim bẩm sinh
Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh có thể ra mồ hôi trộm quá nhiều, đặc biệt vào ban đêm. Chúng cũng có thể đổ mồ hôi trong lúc ăn và chơi nữa. Thống kê cho thấy, cứ 25 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân của bệnh bắt nguồn từ sự phát triển khiếm khuyết của tim trong bào thai.
Bệnh Rickets
Ngoài đổ mồ hôi nhiều, trẻ còn thường khóc đêm dữ dội, thóp to, hói đầu, bị tình trạng “ức gà”, chân vòng kiềng.
Ngưng thở khi ngủ
Hiện tượng này thường gây ảnh hưởng tới những trẻ sinh thiếu tháng. Mỗi đợt ngưng thở ở trẻ kéo dài ít nhất 20 giây, do vậy cơ thể của bé phải hoạt động nặng quá mức để giúp trẻ thở trở lại bình thường. Trẻ sơ sinh mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể có những biểu hiện như sắc da xanh, thở khò khè và hay đổ mồ hôi trộm vào ban đêm.
Hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh (SIDS)
Hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh (SIDS) thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi. Hội chứng này gây ra hiện tượng cơ thể trẻ cảm thấy quá nóng nực, khiến trẻ chìm sâu hơn vào trong giấc ngủ và khó dậy vào buổi sáng.
Cơ thể suy nhược
Bữa ăn không đủ dinh dưỡng, thiếu máu, viêm nhiễm đường ruột… đều có thể khiến trẻ đổ mồ hôi trộm, đi kèm với các biểu hiện khác như sắc mặt xanh xao, cơ thể uể oải thiếu sức sống, không có cảm giác thèm ăn…
Cách xử lý chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ
Đổ mồ hôi trộm sinh lý là hiện tượng rất bình thường ở trẻ nhỏ. Tuy vậy việc đổ mồ hôi quá nhiều và liên tục sẽ khiến trẻ bị mất đi một lượng nước và muối, khiến cơ thể trẻ yếu ớt và mệt mỏi. Bên cạnh đó, mồ hôi trộm cũng là biểu hiện của các bệnh nguy hiểm như viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản… Nếu những hiện tượng này không có dấu hiệu suy giảm, cơ thể bé sẽ bị suy kiệt. Do vậy, bạn cần có những biện pháp chăm sóc phù hợp để điều trị chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ.
Giữ cho cơ thể trẻ luôn mát mẻ
Bạn hãy giữ nhiệt độ trong phòng mát mẻ, lý tưởng nhất là ở mức 26 độ C. Ngoài ra bạn cũng cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, cho bé mặc quần áo thông thoáng, dọn chăn màn để tránh tình trạng bức bí.
Cung cấp đủ nước cho trẻ
Bình thường bạn nên cho trẻ uống đủ nước. Trước khi cho trẻ đi ngủ mỗi tối, bạn cũng cần lưu ý cho bé uống nhiều nước để bù lại lượng chất lỏng có thể bị hao hụt do trẻ đổ mồ hôi.
Đừng quên vitamin D
Tắm nắng cho trẻ sơ sinh giúp cơ thể trẻ tổng hợp được vitamin D, hạn chế tình trạng trẻ đổ mồ hôi trộm. Bạn nên cho trẻ tắm nắng mỗi buổi sáng trước 10 giờ với thời gian tắm tăng dần lên từ 10 – 30 phút. Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung vitamin D qua đường uống dưới sự hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ.
Lau khô ráo cho trẻ sau khi đổ mồ hôi
Mồ hôi thẩm thấu qua quần áo và xâm nhập ngược lại vào cơ thể trẻ khiến trẻ rất dễ bị cảm. Do đó, sau khi trẻ tiết ra mồ hôi, bạn hãy nhanh chóng lau khô. Tuyệt đối không nên cho trẻ vào phòng máy lạnh hay bật quạt gió ngay lập tức, vì dễ gây phản ứng kích thích, mạch máu lỗ chân lông co lại gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Cân bằng chế độ dinh dưỡng
Bạn nên cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Cho trẻ ăn nhiều loại rau quả có tính mát như rau tươi, trái cây, rau má, cải bẹ. Hạn chế các thức ăn sinh nhiệt như dầu mỡ, thịt bò, tôm cua, cá biển hoặc các loại trái cây có tính nhiệt.
Đưa trẻ đến gặp bác sỹ
Trong trường hợp trẻ đổ mồ hôi trộm bệnh lý, kèm theo một số triệu chứng khác như bị sốt, đầu tóc lưa thưa, chậm mọc răng, thóp chậm liền, chậm biết bò, chậm biết đi… bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ chuyên môn để kiểm tra và chữa trị kịp thời.