Kiến ba khoang sinh sản mạnh nhất vào khoảng tháng 7 đến 10, bùng nổ cao ở nơi ẩm thấp, nhiều mưa. Kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng đèn điện, do đó, chúng thường xuyên bay vào nhà vào buổi tối. Thời điểm này là lúc nhiều trẻ bị kiến ba khoang đốt nhất.
Dấu hiệu trẻ bị kiến ba khoang đốt
Kiến ba khoang có thân mình thon dài đặc trưng bởi khoang đen và cam xen kẽ, đuôi thuôn nhọn. Chúng còn được gọi là kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong… Kiến ba khoang không đốt hay cắn nhưng nếu chẳng may tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các vật dụng với dịch cơ thể của kiến có thể gây rộp, phỏng da, viêm da dị ứng.
Chất dịch cơ thể của kiến ba khoang chứa một độc tố gọi là paederin, chất này có độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ. Tuy nhiên, lượng độc rất nhỏ và chỉ tiếp xúc ngoài da nên không gây chết người.
Nếu va quệt phải dịch tiết mà để chạm phải mắt thì sẽ gây tình trạng trẻ bị sưng mắt hoặc các biến chứng khác. Viêm da Paederus do trẻ bị kiến cắn có thể bị nhầm lẫn với vết bỏng, viêm da tiếp xúc, dị ứng cấp tính… Cần chú ý kỹ để phân biệt chính xác vết kiếng 3 khoang đốt.
Nhận biết vết kiến 3 khoang đốt
Các khu vực trẻ bị kiến ba khoang đốt thường nằm ở vùng hở như cổ, gáy, tay chân và mặt. Khi bị kiến đốt sẽ tạo thành các vết viêm có dạng dát đỏ, thành vệt, hơi cộm. Trên đó có thể xuất hiện các mụn nước hoặc mụn mủ, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
Trong khoảng 12 đến 24 tiếng đầu tiên tiếp xúc với chất độc từ kiến bé có thể không có phản ứng gì. Tuy nhiên, sau đó vết bỏng sẽ dần rõ lên và ngứa ngáy khó chịu quanh vùng bị ảnh hưởng.
Vết thương sẽ chuyển biến dần từ sưng tấy, loét cho đến đóng kết vảy. Tất cả các triệu chứng thường kéo dài từ 2-3 tuần lễ.
Các mức độ tổn thương
Tùy theo mức độ tiếp xúc, lượng chất độc mà các mức độ tổn thương cũng khác nhau. Vùng tổn thương thường có hình vệt, giống như cách chất dịch tiếp xúc và chảy trên da.
- Trẻ bị kiến ba khoang đốt ở mức độ nhẹ: Thường chỉ xuất hiện các vệt đỏ, hơi cộm trên da. Có thể kèm theo cảm giác ngứa ngay tại vùng da tiếp xúc với dịch tiết. Những triệu chứng này sẽ tự mất sau vài ngày.
- Trẻ bị kiến ba khoang đốt ở mức độ trung bình: Bên cạnh vết ban đỏ thì da nổi các mụn nước li ti hoặc mủ. Vùng tổn thương ngứa ngáy, đau rát, phồng rộp da. Lúc này nếu không cẩn thận làm vỡ mụn nước thì hoàn toàn có thể làm khu vực tổn thương lan rộng hơn. Trường hợp này có thể kéo dài trong vòng 15-20 ngày.
- Ở mức độ nặng: Xuất hiện nhiều nốt bọng nước, mưng mủ và có thể gây bội nhiễm, đau rát khó chịu. Một số trường hợp còn gây sốt, sưng hạch bạch huyết. Nguyên nhân chính là do chăm sóc không đúng cách làm nhiễm trùng hoặc do cơ thể các bé chưa có miễn dịch đủ mạnh.
Cách xử lý khi trẻ bị kiến ba khoang đốt
Ngay khi phát hiện trẻ bị kiến ba khoang đốt thì cần nhẹ nhàng loại bỏ kiến, không được đập, bắt kiến bằng tay trần. Tốt nhất là dùng khăn giấy hoặc chai nhựa để bắt kiến. Sau đó cần:
- Rửa nhẹ nhàng bằng cồn 70 độ hoặc thuốc đỏ (betadine). Nếu không có thì dùng xà phòng rửa kỹ nhiều lần với nước sạch.
- Sát trùng vết thương thật kỹ, có thể sử dụng thêm thuốc bôi kiến ba khoang như bên dưới.
Thuốc bôi kiến ba khoang cho bé khi bị đốt
Khi trẻ bị kiến ba khoang đốt hãy rửa sạch, sau đó bạn có thể bôi thuốc điều trị lên vùng da bị kiến cắn, tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà có các thuốc bôi kiến 3 khoang cắn khác nhau. Tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc dân gian, các mẹo chữa kiến ba khoang cắn tự chế cho bé.
- Nếu vết thương nhẹ thì chỉ cần giữ vết thương sạch, bôi hồ nước để làm dịu da, vệ sinh bằng nước muối sinh lý và hạn chế tiếp xúc với nước.
- Trường hợp vết thương xuất hiện mụn nước, mưng mủ thì cần bôi thuốc đỏ hoặc dung dịch dung dịch xanh methylen bôi sát khuẩn, tránh nhiễm trùng.
- Đối với tổn thương ở mức độ nặng thì hãy đưa bé đến cơ sở y tế để được chăm sóc đúng cách. Bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc kháng sinh, thuốc chống dị ứng để cải thiện tình trạng viêm.
Một số lưu ý nếu kiến ba khoang cắn trẻ em
Để vết thương nhanh lành bạn cần lưu ý một số vấn đề như:
- Tuân thủ chỉ định bác sĩ nếu có.
- Nếu tự ý bôi thuốc có thể dẫn tới tổn thương sâu hơn.
- Tránh để bé gãi vì có thể làm vết loét rộng hơn cũng như lây lan dịch tiết khiến các vùng da lành cũng bị viêm.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ tránh nhiễm trùng.
Cách phòng ngừa trẻ bị kiến ba khoang đốt
Để phòng ngừa trẻ bị kiến ba khoang đốt, chúng ta có thể áp dụng những cách sau:
- Đóng cửa hoặc kéo rèm khi bật đèn, bạn cũng có thể thiết kế lưới chống côn trùng ở những nơi có nhiều kiến ba khoang.
- Ngủ trong màn.
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, giữ nhà thông thoáng tránh ẩm thấp.
- Kiểm tra kỹ các đồ dùng như quần áo, khăn, mền trước khi sử dụng để loại bỏ kiến ba khoang nếu có.
- Không dùng tay trần để bắt kiến, tuyệt đối không miết, đè kiến mà nên thổi hoặc phủi nhẹ.
Tình trạng trẻ bị kiến ba khoang đốt thường khó phòng tránh nên cha mẹ cần lưu ý thường xuyên kiểm tra cơ thể bé. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị kiến cắn thì cần áp dụng các cách xử lý như trên đây. Hy vọng bài viết đã mang lại thông tin hữu ích cho bạn.