Bé trai 3 tuổi ở Thái Nguyên tử vong vì bị hóc hạt nhãn
Gần đây nhất là sự việc một bé trai 3 tuổi ở Thái Nguyên tử vong vì hóc hạt nhãn. Sự việc đau lòng này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các bậc cha mẹ khi chăm sóc con nhỏ. Theo các chuyên gia y tế, tính mạng của trẻ bị đe dọa rất nhiều do sai lầm trong cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật.
Vuốt xuôi ngực
Do tâm lý lo sợ, hoảng hốt khi thấy con bị sặc, nghẹn hay nôn ói thức ăn… phụ huynh thường có phản xạ đầu tiên là dùng tay vuốt xuôi ngực. Cách xử lý này là hoàn toàn sai lầm. Bởi hành động đó có thể làm thức ăn đi sâu hơn vào phổi, khiến bé rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Đặc biệt trong trường hợp trẻ bị hóc xương cá, nếu vuốt xuôi ngực sẽ vô cùng nguy hiểm. Nếu xương nhỏ, chỉ vướng sơ có thể nuốt cục cơm trắng hoặc vuốt ngực thì xương có thể trôi xuống. Ngược lại, động tác vuốt xuôi ngực sẽ không có tác dụng đối với những xương lớn.
Dùng tay móc miệng trẻ
Không dùng tay móc khi chưa xác định đúng vị trí của dị vật. (Ảnh minh họa)
Khi chưa xác định được cụ thể vị trí của dị vật mà bạn vẫn cố dùng tay móc miệng trẻ thì không những dị vật không được lấy ra mà còn bị rơi vào sâu hơn. Thậm chí có trường hợp dị vật đi vào đường thở gây khó thở, mặt tím tái, suy hô hấp.
Hơn nữa, việc dùng tay không đảm bảo vệ sinh để móc, ngoáy trong họng dễ gây tổn thương họng, khiến họng trầy xước tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Từ đó dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm họng có mủ, viêm thanh quản…
Trong thực tế, đã từng có trường hợp cố lấy tay móc khi bị hóc xương, sau đó vùng cổ bị sưng phù. Do biến chứng nặng nên khi nhập viện, bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, thở bằng máy nhưng 1 tháng sau nạn nhân vẫn không qua khỏi.
Đưa đi bệnh viện mà không thực hiện các bước sơ cứu
Khi trẻ bị hóc dị vật, việc đầu tiên người lớn cần làm là thực hiện các bước sơ cứu tại chỗ rồi sau đó mới đưa trẻ đi bệnh viện. Tuy nhiên yêu cầu người lớn phải nắm rõ các bước sơ cứu đúng cách. Nếu trẻ bị hóc, có biểu hiện mặt tím tái mà đưa đi bệnh viện ngay mà không tiến hành sơ cứu thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) cho rằng đã có nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do bố mẹ không biết cách sơ cứu. Với những trường hợp trẻ bị hóc dị vật, người lớn cần thực hiện ngay thủ thuật Heimlich.
Thủ thuật Heimlich (lấy dị vật đường thở)
Nguyên tắc của thủ thuật Heimlich là tạo một lực tác động mạnh vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, nhằm tạo một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp để đẩy dị vật ra ngoài.
Bước 1: Kiểm tra bé còn thở hay không
– Nếu thấy mặt bé tím tái, hãy kiểm tra ngực bé xem chuyển động lên xuống và lắng nghe nhịp thở hoặc dùng tay để kiểm tra mạch đập của bé.
– Nếu bạn có thể nhìn thấy dị vật trong họng của bé, hãy loại bỏ dị vật với ngón tay làm thành một cái móc. Ngược lại, nếu không nhìn thấy, tuyệt đối không cho tay vào vì có thể đẩy dị vật vào sâu trong cổ họng.
Bước 2: Gọi xe cứu thương
Bước 3: Vỗ lưng
– Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực, cánh tay thả lỏng tựa vào cẳng chân của bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay, nếu bé quá nặng hãy đặt bé nằm xuống đùi bạn.
– Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai của trẻ).
– Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực.
Bước 4: Ấn ngực
– Đặt bé nằm trên đùi bạn, phần đầu thấp hơn thân. Đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (vị trí xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa của bạn nên để ngay giữa ngực.
– Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc.
Bước 5: Kiểm tra miệng bé và loại bỏ dị vật
Nếu bé chưa thở lại thì hãy tiếp tục thực hiện vỗ lưng, ấn ngực cho tới khi xe cứu thương đến.
(Để nắm rõ thủ thuật Heimlich, phụ huynh nên thực hành nhiều lần để áp dụng khi sự cố bất ngờ xảy ra với con trẻ)
Một vài điều bố mẹ cần lưu ý
– Tuyệt đối không để trẻ tự ý ăn các loại thực phẩm dễ có nguy cơ khiến trẻ bị hóc như nhãn, nho, chôm chôm, đậu phộng, hạt điều, kẹo cứng, xúc xích…
– Không để trẻ chạy nhảy, chơi đùa hoặc nằm khi đang ăn.
– Để hạn chế sự nguy hiểm đối với trẻ, tốt nhất là mẹ nên cắt đồ ăn thật nhỏ trước khi cho con ăn.