Mẹ và Con - Không có gì đau lòng hơn khi cha mẹ phải trải qua cảm giác mất mát, hoảng loạn khi con cái của mình rơi vào tình huống bị bắt cóc tống tiền. Nhưng sự thực là những tình huống không mong muốn có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, và việc chuẩn bị trước cho con là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Nhưng làm sao để giáo dục và trang bị cho con cái những kiến thức và kỹ năng cần thiết?

Mặc dù công nghệ và cơ sở hạ tầng đã phát triển nhanh chóng, mối đe dọa về an ninh vẫn luôn tồn tại. Tội phạm bắt cóc trẻ em vì mục đích tống tiền không chỉ là ác mộng của mọi bố mẹ mà còn là vấn đề nghiêm trọng đối với cộng đồng. Làm thế nào để bảo vệ con em mình khỏi mối nguy hiểm này là một bài toán khó mà mỗi gia đình cần tìm lời giải. Và nếu chẳng may trẻ bị bắt cóc tống tiền thì con nên làm gì để tự bảo vệ an toàn cho mình và bố mẹ cần làm gì để có thể cứu con khỏi tay tội phạm.

Dạy con “phản ứng” thế nào khi trẻ bị bắt cóc tống tiền?

Khi trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm do bị kẻ xấu bắt cóc, dù với mục đích gì đi chăng nữa thì trẻ cũng sẽ phải đối mặt với những nguy hiểm khó lường. Kẻ bắt có có thể tức giận và làm tổn thương đến trẻ. Do đó, việc trẻ phản ứng “khôn ngoan” khi bị bắt cóc sẽ giúp con có thể tạm thời giữ an toàn cho chính mình.

Khi dạy con cách phản ứng nếu trẻ gặp tình huống bị bắt cóc tống tiền, điều quan trọng là giảng dạy một cách nhẹ nhàng và không làm con cảm thấy sợ hãi. Hãy trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng cần thiết mà không gây ra sự lo lắng không cần thiết cho con. Dưới đây là một số gợi ý bạn có thể hướng dẫn cho con nếu chẳng may trẻ bị bắt cóc tống tiền, đòi tiền chuộc:

Giữ bình tĩnh và không chống đối ngay lập tức

Việc đầu tiên mà trẻ cần làm ngay khi bị bắt cóc chính là giữ bình tĩnh. Hãy để trẻ hiểu được rằng, việc khóc lóc ầm ĩ hay đánh lại kẻ bắt cóc, chửi bới kẻ bắt cóc có thể khiến người xấu trở nên bực tức hơn và kích động kẻ xấu thực hiện các hành vi gây hại với trẻ. 

Tốt nhất, trẻ nên im lặng và thậm chí là phối hợp với kẻ xấu khi bị bắt cóc. Khi trẻ ngoan ngoãn thực hiện theo các yêu cầu từ kẻ bắt cóc hoặc từ chối nhẹ nhàng và khéo léo thì sẽ tránh làm cho kẻ xấu trở nên bực tức.

Giữ vững tinh thần

Cần nhấn mạnh với trẻ rằng cho dù có bị bắt cóc thì con cũng nên cố gắng giữ tinh thần lạc quan và luôn nhớ rằng gia đình và lực lượng chức năng đang cố gắng tìm kiếm con.

trẻ bị bắt cóc

Đánh dấu dấu hiệu riêng của bản thân

Nếu có thể, trẻ cần cố gắng để lại những dấu vết như đồ trang sức, giày, hoặc bất kỳ món đồ nào khác để giúp người khác nhận ra rằng trẻ đã ở đó. 

Quan sát xung quanh

Quan sát xung quanh giúp trẻ có thể đánh giá được tình hình hiện tại đang như thế nào và tìm cách trốn thoát khỏi kẻ xấu. Nên hướng dẫn trẻ quan sát xem hiện tại có bao nhiêu kẻ xấu, đặc điểm của kẻ xấu, xung quanh khu vực đó có người hay không, liệu có cơ hội nào để trẻ trốn thoát hay không, có lối ra hay không,…

Không tiết lộ quá nhiều thông tin

Không nên để kẻ bắt cóc biết được trẻ có đem điện thoại hay bố mẹ có đặt định vị bên trong các vật dụng trong người trẻ. Tốt nhất trẻ không nên tiết lộ quá nhiều thông tin với kẻ bắt cóc.

Gây ấn tượng với kẻ bắt cóc

Bố mẹ nên dạy trẻ cách kết nối với kẻ bắt cóc nếu có thể. Con có thể chủ động hỏi tên, nói về gia đình, bạn bè và sở thích của con để  làm giảm cảm giác “xa lạ” giữa trẻ và kẻ xấu, khơi gợi lòng trắc ẩn của chính kẻ xấu. Việc này sẽ giúp giảm thiểu khả năng kẻ bắt cóc gây hại cho trẻ, đặc biệt là trong các tình huống kẻ xấu chỉ muốn bắt cóc tống tiền.

Không ăn, uống từ người lạ

Khi kẻ bắt cóc đưa cho trẻ thức ăn hay nước uống, con nên hạn chế dùng những loại thực phẩm này vì chúng có thể không an toàn với con. Con có thể quan sát, nếu kẻ xấu ăn cùng thức ăn hay nước uống thì chứng tỏ thực phẩm an toàn, lúc này con có thể dùng để tránh mình bị đói và kiệt sức, làm giảm nguy cơ trốn thoát.

Gây sự chú ý để cầu cứu những người xung quanh

Trong tình huống trẻ được đưa đến những nơi đông người, trẻ có thể gây chú ý hoặc phát ra những tín hiệu cho những người xung quanh.

Tìm cách thoát khỏi tình huống bị bắt cóc

Nếu có cơ hội, trẻ nên tìm cách chạy trốn. Bạn có thể hướng dẫn cho trẻ cách chọn thời cơ phù hợp để chạy thoát khỏi kẻ bắt cóc, chẳng hạn như nếu trẻ bị bắt lên xe ô tô và xe đang dừng đèn đỏ thì đây là thời cơ thích hợp để mở cửa và nhảy ra ngay.

bị bắt cóc tống tiền

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh với trẻ rằng khi bị bắt cóc, không nên nôn nóng trốn thoát mà cần tìm được thời cơ thích hợp nhất. Vội vã chạy trốn sẽ gây chú ý với kẻ bắt cóc và khiến chúng đề phòng hơn, làm giảm cơ hội trốn thoát của trẻ và thậm chí kẻ bắt cóc có thể càng tìm các biện pháp để giữ trẻ chặt hơn.

Phối hợp với lực lượng giải cứu

Trong trường hợp trẻ may mắn được giải cứu, con cần giữ bình tĩnh và nhanh chóng phối hợp với lực lượng giải cứu. Việc khóc hay sợ hãi, chần chừ có thể tiếp tục đẩy con vào những tình huống nguy hiểm hơn.

Bố mẹ cần làm gì nếu con bị bắt cóc tống tiền?

Khi đối mặt với tình huống con bị bắt cóc tống tiền, bố mẹ có thể cảm thấy vô cùng hoảng loạn và sợ hãi. Tuy nhiên, việc ứng xử một cách thông minh và nhanh chóng sẽ tăng cơ hội an toàn cho con. Dưới đây là một số bước mà bố mẹ nên thực hiện:

  • Giữ bình tĩnh: Dù rất khó khăn, nhưng việc giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn suy nghĩ rõ ràng và hành động phù hợp trong tình huống trẻ bị bắt cóc. Cần nhớ rằng hoảng loạn sẽ không thể giúp được gì.
  • Thông báo với lực lượng chức năng ngay lập tức: Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Thông báo cho lực lượng chức năng (công an phường, quận, thành phố,… nơi bạn sinh sống) về tình huống và cung cấp mọi thông tin bạn biết.
  • Không tự điều tra và giải cứu con: Điều này có thể làm tăng nguy cơ cho sự an toàn của cả trẻ và bố mẹ. Hãy để lực lượng chức năng can thiệp.
  • Ghi chép mọi thông tin: Ghi lại mọi chi tiết về cuộc gọi tống tiền, bao gồm giọng điệu, lời nói, tiếng nền và bất kỳ chi tiết nào khác liên quan bạn có thể nhớ.
  • Không cắt đứt liên lạc: Nếu bạn đang liên lạc với kẻ bắt cóc, cố gắng duy trì cuộc trò chuyện. Điều này giúp bạn thu thập thêm thông tin và giữ cho kẻ bắt cóc cảm thấy hắn vẫn đang kiểm soát tình huống, từ đó giảm nguy cơ kẻ xấu gây hại cho con bạn.
  • Nghe theo hướng dẫn của lực lượng chức năng: Lực lượng chức năng đã được đào tạo để xử lý những tình huống như thế này. Do đó, bạn nên tuân theo hướng dẫn của họ.
  • Không đưa tiền chuộc mà không có sự đồng ý của lực lượng chức năng: Trong một số trường hợp, lực lượng chức năng có thể khuyên bạn không thanh toán tiền chuộc vì điều này có thể không đảm bảo sự an toàn cho con bạn và thậm chí có thể tăng nguy cơ cho các vụ bắt cóc sau này. Nhưng cũng có trường hợp lực lượng chức năng yêu cầu bạn phối hợp đưa tiền chuộc như “miếng mồi” cho kẻ bắt cóc. Tùy theo tình huống mà bạn có sự phối hợp tốt nhất.

Mỗi vụ bắt cóc đều có những yếu tố và hoàn cảnh riêng, vì vậy tốt nhất vẫn nên nghe theo lực lượng chức năng để có cách xử lý tốt nhất và đảm bảo an toàn nhất cho trẻ và cả gia đình bạn nhé.

bắt cóc trẻ em

Làm gì để phòng tránh trẻ bị bắt cóc?

Để phòng tránh trẻ bị bắt cóc, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần phải nắm vững và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số gợi ý để giảm thiểu rủi ro trẻ bị bắt cóc:

Hướng dẫn cho trẻ về nguy cơ bị bắt cóc

Nên hướng dẫn cho trẻ về tình huống trẻ bị bắt cóc và chia sẻ với trẻ con cần làm gì để tránh bị bắt cóc, chẳng hạn như:

  • Dạy trẻ không nên tiếp cận hoặc nghe theo lời người lạ
  • Trẻ cần biết không nên lên xe hoặc vào nhà của người không quen
  • Không ăn uống hay nhận bất cứ món đồ nào từ người lạ hay thậm chí người quen như hàng xóm nếu không rõ mục đích
  • Nếu một người tiếp cận và hỏi trẻ về thông tin cá nhân hoặc đề nghị giúp đỡ, trẻ nên chạy ngay lập tức tìm người lớn quen biết.

Luôn biết được vị trí của trẻ

  • Đảm bảo rằng bạn biết nơi trẻ đang ở và trẻ đang ở cùng với ai 
  • Khi đang ở nơi công cộng, luôn giữ trẻ ở tầm mắt của bạn và ở gần bạn
  • Cài đặt ứng dụng theo dõi vị trí của trẻ hoặc mua thiết bị theo dõi vị trí giúp bạn luôn biết được vị trí của trẻ
  • Yêu cầu trẻ không tiết lộ các thông tin cá nhân và của gia đình như ngày tháng năm sinh, mật khẩu cửa nhà hay họ tên bố mẹ,… với những người khác, đặc biệt là người lạ

Dạy trẻ biết cách gọi điện thoại

Trẻ cần biết cách gọi 113 hoặc số điện thoại khẩn cấp như số điện thoại của bố mẹ hay người thân chăm sóc trẻ trực tiếp.

Không thay đổi kế hoạch

Dạy trẻ rằng trẻ không nên thay đổi kế hoạch hoặc nơi hẹn gặp mà không báo trước cho cha mẹ. Ngoài ra, nhấn mạnh với trẻ việc nếu bố mẹ có thay đổi kế hoạch, bố mẹ sẽ trực tiếp đến đón con mà không nhờ bất kỳ người nào khác để giúp trẻ tránh đi theo người lạ và bị bắt cóc.

Tạo một mật khẩu gia đình

Đây là một cụm từ hoặc mã mà chỉ gia đình bạn biết. Dạy trẻ chỉ đi với ai nếu người đó biết mật khẩu sẽ giúp hạn chế được tình trạng trẻ đi theo kẻ xấu và bị bắt cóc. Các mật khẩu có thể là một cụm từ, một sự kiện hay một bộ phim, bài hát nào đó,… Đừng quên nói trẻ không được chia sẻ mật khẩu này cho bất kỳ ai để tránh tạo cơ hội cho những kẻ bắt cóc trẻ em.

Lưu ý về các tình huống bất thường 

Dạy trẻ nhận biết và báo cáo cho bạn về bất kỳ tình huống hoặc người lạ nào trẻ cảm thấy không thoải mái hoặc đáng ngờ, chẳng hạn như có người thường xuyên tiếp cận con.

Giữ ảnh của trẻ

Đảm bảo bạn có ảnh gần đây của trẻ và mô tả chi tiết về trẻ (chiều cao, cân nặng, đặc điểm nổi bật). Một số tình huống khi trẻ bị bắt cóc và bạn phát hiện được, kẻ xấu có thể nhận là người quen của trẻ và đổ cho bạn là người bắt cóc để đánh lừa đám đông chuẩn bị giúp đỡ. Do đó, tốt nhất nên có cả ảnh bạn chụp cùng trẻ để chứng minh bạn là người thân của trẻ.

Khám phá các khu vực xung quanh nhà

Dạy trẻ biết về những nơi an toàn xung quanh khu vực nhà ở, chẳng hạn như nhà hàng xóm tin cậy hoặc cửa hàng đông người – những nơi mà trẻ có thể tìm đến nếu cảm thấy bị đe dọa.

Giữ liên lạc

Nếu trẻ có điện thoại di động, dạy trẻ cách sử dụng nó một cách an toàn và hiệu quả, và khuyến khích trẻ liên hệ với bạn mỗi khi cảm thấy không an toàn.

Dĩ nhiên, chẳng ai muốn trẻ bị bắt cóc. Tuy nhiên, tình huống này trên thực tế vẫn có thể xảy ra. Do đó, cả trẻ và bố mẹ, người chăm sóc trẻ đều nên trang bị kiến thức và kỹ năng thực tế để có thể đối mặt với tình huống nguy hiểm này!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.