Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do vi-rút gây ra. Cúm rất dễ lây từ người này sang người khác. Nhưng nguy hiểm hơn, cúm có thể ảnh hưởng mạnh đến phụ nữ mang thai, thậm chí gây hại cho mầm sống đang mang ở trong người…

Trang cum cho bau

(Hình minh hoạ)

Nghe đến cúm là… phát hoảng!

Hoảng thật chứ không phải hoảng chơi. Ðặc biệt trong giai đoạn năm 2009, khi mà hàng loạt thông tin về đại dịch cúm A/H1N1 lan rộng thì bà bầu nào cũng phập phồng lo sợ dính phải “con” vi-rút này. Không sợ sao được, khi mà đã xuất hiện không ít ca tử vong, với đối tượng đều là phụ nữ mang thai, dương tính với cúm A/H1N1.

Bà bầu sợ các bệnh về đường hô hấp nói chung và sợ cúm nói riêng vì trong giai đoạn này, hệ miễn dịch của “bầu” suy giảm mạnh. Vi khuẩn, vi-rút rất dễ tấn công. Và một khi đã bị các vi khuẩn, vi-rút liên quan đến bệnh hô hấp tấn công thì không những bà bầu mệt mỏi, đừ đẫn vì bệnh mà vi khuẩn, vi-rút còn có khả năng gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, hoặc qua bánh nhau vào máu của bào thai và gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi như hở hàm ếch chẳng hạn.

Thêm một điều đáng lo ngại khác, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng cúm chính là một trong những nguyên nhân có thể gây ảnh hưởng đến não bộ của thai nhi (nhất là khi mẹ nhiễm cúm trong những tháng đầu thai kỳ). Nguyên nhân là vì vi-rút cúm có thể tấn công vào trong bào thai, thân nhiệt của mẹ tăng cao, nếu phải dùng thuốc thì thuốc có khả năng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của em bé trong bụng.

Bà bầu khi nhiễm cúm, chuyển sang viêm phổi thì còn phải đối diện với những biến chứng, nguy cơ khác như suy hô hấp, suy tim…

Thông thường, một phụ nữ mắc bệnh cúm sẽ bị kéo dài khoảng 3-4 ngày. Nhưng với phụ nữ mang thai, tình trạng bệnh có thể lâu hơn gấp nhiều lần. Bạn sợ cúm, vì cúm còn có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi. Ai cũng biết nhu cầu oxy của thai phụ và em bé trong bụng lớn như thế nào. Một khi bị viêm phổi trong giai đoạn này, không chỉ mẹ mà thai nhi cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm hơn.

Chưa hết, bà bầu khi nhiễm cúm, chuyển sang viêm phổi thì còn phải đối diện với những biến chứng, nguy cơ khác như suy hô hấp, suy tim… Ðừng nói đến cúm A/H1N1 mà ngay những loại cúm mùa thông thường cũng có khả năng làm thai phụ điêu đứng với những cơn sốt, đau họng, chảy nước mũi, nhức khắp mình mẩy, ăn không được. Vậy nên, tốt hơn hết là bạn ngăn ngừa cúm từ đầu, thay vì đợi đến khi chẳng may dính cúm mới hốt hoảng lo lắng, không biết nên làm thế nào.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Phụ nữ có kế hoạch mang thai tốt hơn hết nên tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi mang thai 3 tháng đến 1 năm. Trong trường hợp không kịp tiêm vắc-xin mà đã có thai thì những tháng đầu và cuối của thai kỳ, thai phụ nên đeo khẩu trang khi phải đến những nơi công cộng. Tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng ho, hắt hơi. Tay phải được rửa thường xuyên với xà phòng và nên tránh chạm tay lên mặt, đặc biệt là vùng mũi, miệng. Cần vệ sinh mũi, họng thường xuyên vài lần/ngày bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra, trừ khi quá cần thiết, còn lại bạn nên hạn chế đến những nơi quá đông đúc người, nhất là trong giai đoạn đang có dịch cúm hoành hành (như thời điểm năm 2009 chẳng hạn).

Suốt chín tháng thai kỳ, bà bầu cũng nên nâng cao sức đề kháng cho mình bằng cách ăn đều đặn sữa chua, có thể thêm nước cam vắt, ăn các loại quả có chứa vitamin nhóm A, B, C… Việc ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, có thể tránh cúm dễ dàng hơn.

Trường hợp sau mọi nỗ lực mà bạn vẫn dính cúm, nên báo với bác sĩ và tuân thủ theo yêu cầu điều trị của bác sĩ. Không được tự dùng bất kỳ loại thuốc nào vì những tác dụng phụ trong các loại thuốc điều trị cảm cúm có thể dẫn đến sảy thai, dị tật thai nhi, nhiễm độc thai nghén… nếu dùng bừa bãi không theo chỉ định.

 

ĐIỀU ĐÓ ĐÃ XẢY RA

Bà bầu 28 tuần tử vong vì cúm A/H1N1

Thai phụ 21 tuổi ngụ tại Cần Giờ, TP.HCM, đã tử vong hôm 27/9/2009 cùng thai nhi 7,5 tháng. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Theo lời kể của gia đình, trước đó khoảng 10 ngày, thai phụ có dấu hiệu cúm nhưng chỉ đến khám và điều trị tại phòng mạch tư và không giảm bệnh. Ðến ngày 22/9, thai phụ mới đến khám và điều trị tại bệnh viện huyện với triệu chứng ho, sốt, được chẩn đoán viêm phổi.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Từ Dũ, tại đây các bác sĩ chẩn đoán suy tim độ II. Thai phụ được chuyển sang Viện Tim TP.HCM để điều trị. Tại đây, các bác sĩ hội chẩn, lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời điều trị ngay bằng thuốc Tamiflu. Một ngày sau, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả dương tính cúm A/H1N1. Nhưng lúc này, tình trạng của thai phụ ngày càng nặng, suy hô hấp cấp và tử vong. Do thai quá nhỏ, các bác sĩ không thể mổ bắt con nên bé cũng đã tử vong cùng mẹ…

Tags:

Bài viết liên quan