Khi bạn tìm kiếm bằng từ khóa “trầm cảm sau sinh”, trong khoảng 0,44 giây sẽ thu được gần 2,8 triệu kết quả. Điều đó có thể cho thấy rằng đây là tình trạng nguy hiểm, được nhiều người quan tâm, tìm hiểu với hy vọng tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để phòng và điều trị bệnh.
Và dưới đây là những thông tin hữu ích từ Tạp chí Mẹ và Con, mời bạn cùng tìm hiểu để bảo vệ chính mình và người thân, bạn nhé!
Trầm cảm sau sinh là gì?
Đây là một dạng của bệnh trầm cảm có tên tiếng Anh là postpartum depression. Kết quả thống kê trên thế giới cho thấy tỷ lệ trầm cảm sau sinh ở các bà mẹ vào khoảng 10-20%. Bên cạnh đó, những người có các triệu chứng có liên quan đến chứng trầm cảm (baby blues) chiếm đến 70-80%. Bệnh có nhiều thể, từ nhẹ đến vừa và nặng, có thể kéo dài hoặc thoáng qua.
Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ với những biểu hiện như mệt mỏi, chán nản, rối loạn lo âu… mà còn khiến cho sức khỏe, cảm xúc và sự phát triển thể chất của trẻ cũng bị tác động.
Thậm chí, có người còn rơi vào trạng thái loạn thần với những suy nghĩ tiêu cực cho rằng mình là người mẹ xấu, không chăm sóc được con, cho rằng có người đang ám hại, ma nhập… rồi nảy sinh ý định tự tử, giết hại người thân và cả đứa trẻ mới sinh.
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có thể do một hoặc tổng hợp nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nhìn chung bệnh thường có 2 nguyên nhân chính sau đây:
Sinh học, di truyền
Sự thay đổi nội tiết tố sau sinh khiến cho nồng độ estrogen và progestrogen giảm mạnh, gây nên cảm giác buồn bã, chán nản… Song song đó, sau khi trải qua quá trình sinh nở, thể tích máu của mẹ giảm xuống làm cho huyết áp, hệ tim mạch, hệ miễn dịch và chuyển hóa thay đổi cũng làm ảnh hưởng đến cảm xúc.
Cơ thể mẹ lúc này tiết ra một loại hóc môn có tên là adrenalin gây nên cảm giác sợ hãi, căng thẳng. Khi sinh nở, người mẹ thiếu một số vi chất như sắt, omega 3, vitamin nhóm B khiến cho cơ thể mệt mỏi, mất ngủ cũng khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Cuối cùng, bệnh này có thể di truyền từ người thân, cha mẹ của sản phụ khi họ mắc các chứng bệnh có liên quan đến hệ thần kinh như trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc.
Tâm lý, xã hội
Những bất lợi trong đời sống hôn nhân như vợ chồng bất đồng, tiền bạc thiếu thốn, con cái bệnh tật, cô đơn không người chăm sóc và chia sẻ… là nguyên nhân khiến cho tinh thần của người vừa làm mẹ thiếu ổn định, nhanh chóng rơi vào khủng hoảng.
Bên cạnh đó, một số khó khăn trong quá trình chăm sóc con vất vả khiến người mẹ căng thẳng, nghi ngờ mọi thứ xung quanh và chính bản thân mình. Họ dần mất niềm tin, hứng thú sống và không còn khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Ai dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh?
Từ nguyên nhân của chứng trầm cảm sau sinh, chúng ta có thể liệt kê một số đối tượng mang yếu tố nguy cơ cao:
- Người sinh con đầu lòng còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc…
- Người bị chồng và gia đình ruồng bỏ, mang thai ngoài giá thú…
- Người sinh khó, có tiền sử thai lưu, sẩy thai…
- Người có tài chính không ổn định: thất nghiệp, tuổi dưới 18…
- Người có cú sốc tâm lý trước đó: mất người thân, tai nạn…
Triệu chứng trầm cảm sau sinh
Sức khỏe suy kiệt
Quãng thời gian sau sinh rất cần để sản phụ nghỉ ngơi, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng cho cơ thể nhanh chóng phục hồi sau quá trình vượt cạn nhọc nhằn, mất máu, thiếu ngủ, kém ăn… Tuy nhiên, với người bị trần cảm sau sinh, họ chán ăn, buồn bã.
Họ cảm thấy sự đau khổ của mình ngày một tăng lên và không thiết chăm sóc bản thân, ăn uống. Điều này càng đẩy họ nhanh đến với tình trạng sụt cân, mệt mỏi, suy sụp về thể lực nhanh hơn.
Tinh thần không ổn định
Người mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường có cảm giác lo lắng, sợ hãi, hoảng hốt. Đó có thể là những nỗi lo về sức khỏe bản thân và em bé, sợ mình không thể hoàn thành nhiệm vụ của một người mẹ, thất vọng về hình thể hoặc khả năng chăm sóc con…
Dần dần, người bệnh không còn thích thú trong việc chăm sóc bản thân và đứa trẻ mới sinh, thậm chí họ còn ghét bỏ, xem trẻ là “nguồn gốc” cho những nỗi khổ của mình.
Hàng loạt những cảm xúc tiêu cực này khiến cho mẹ buồn bã, ngủ không ngon, hoang mang và càng lúc càng mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần. Họ mất hết động lực, niềm tin vào cuộc sống. Kết cục đau đớn nhất chính là lúc người phụ nữ tìm cách giải thoát cho mình khỏi sự dày vò bằng cách làm tổn thương chính mình và người xung quanh.
Người bị trầm cảm sau sinh thường khó tập trung, khó ngủ và dễ sinh ảo giác. Họ không thể kiên nhẫn làm một việc gì cho hoàn tất mà cứ lo lắng, bồn chồn. Thậm chí, họ không thể trò chuyện với người khác một cách bình thường. Lúc nào trong suy nghĩ người bệnh cũng thường trực những nỗi lo, sự căng thẳng. Họ tự chê trách bản thân yếu kém, tệ hại, thấy mình bất hạnh vì không được chiều chuộng, yêu thương…
Sợ hãi chuyện chăn gối
Kết quả thống kê cho thấy có đến 70% người bị trầm cảm bị rối loạn đời sống tình dục. Họ lơ là với chuyện phòng the vì quá mệt mỏi về mặt tinh thần. Cảm giác chán chường khiến họ không cảm thấy hứng thú, tìm cách lảnh tránh, thậm chí là phản kháng mạnh mẽ khi người bạn đời muốn gần gũi.
Bên cạnh đó, sự suy kiệt về sức khỏe cũng khiến họ không quan tâm đến nhu cầu chăn gối, tỏ ra thờ ơ với người bạn đời.
Điều trị trầm cảm sau sinh
Đây là một bệnh có liên quan đến tâm lý của người bệnh. Vì thế, cần có sự hỗ trợ từ phía người thân trong gia đình, sự quan tâm của những người xung quanh và nỗ lực vượt bậc của chính bản thân người bệnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia về sức khỏe cũng có sự can thiệp nhất định bằng một số loại thuốc khi cần thiết để giúp mẹ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, tìm thấy niềm vui sống cho mình.
Sự trợ giúp từ người thân
Để giúp đỡ người mắc chứng trầm cảm sau sinh, người thân trong gia đình cần thường xuyên ở bên cạnh. Đó có thể là để giúp đỡ trong quá trình chăm sóc trẻ, giúp giảm bớt áp lực cho người mẹ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
Khi ở bên cạnh, người thân cần khéo léo chia sẻ, trò chuyện, giúp họ giải tỏa những lo âu, khúc mắc trong lòng. Hãy tỏ ra đánh giá cao họ, tuyệt đối không chê bai, chỉ trích hay bàn đến những khía cạnh tiêu cực trong quá trình chăm sóc con trẻ của người bệnh.
Với người chồng, cần tỏ thái độ yêu thương vợ bằng những hành động đơn giản như phụ chăm con, mua cho vợ món ngon để bồi bổ, dìu vợ đi lại… để người bệnh luôn cảm thấy được sống trong tình yêu thương của mọi người.
Điều trị bằng thuốc
Trong một số trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành dùng thuốc tác động lên não bộ để giúp cải thiện tâm trạng của người bệnh. Sau khoảng 1-3 tuần, có trường hợp từ 6-8 tuần dùng thuốc, tình trạng bệnh sẽ có chuyển biến tích cực.
Các loại thuốc được dùng trong giai đoạn này thường là những loại ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin và chống trầm cảm 3 vòng (tricyclics) vì chúng ít truyền qua sữa nên an toàn cả khi cho con bú.
Hỗ trợ bằng trị liệu tâm lý
Bên cạnh các biện pháp đã nêu ở trên, người bị trầm cảm sau sinh có thể tìm đến các bác sĩ chuyên khoa tâm lý để được hỗ trợ khi cần. Thông qua kiểm tra, khảo sát, bác sĩ tâm lý có thể sẽ dùng hai biện pháp tham vấn phổ biến là Liệu pháp hành vi nhận thức và Liệu pháp tương tác để giúp người bệnh nhận ra và thay đổi tư duy tiêu cực của mình, qua đó giúp người xung quanh có cơ hội hiểu và hỗ trợ người bệnh.
Khi đã ổn định được tâm trạng, mọi vướng mắc được chia sẻ và người bệnh sẽ nhanh chóng vượt qua những cơn khủng hoảng và hòa nhập với cuộc sống mới của mình.
Trầm cảm sau sinh đáng sợ là như thế, nhưng không có nghĩa là không thể đề phòng. Vì thế, mẹ nên tìm hiểu kỹ thông tin, nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan và vượt qua những thách thức này nhé!