Món canh thường không thể thiếu trong những bữa cơm hàng ngày. Vào dịp Tết, món canh lại càng được chú ý nhiều hơn vì giúp bổ sung dinh dưỡng nhanh, ngon miệng và chống ngấy.
Vì thế, trong những ngày cuối năm này, Tạp chí Mẹ và Con mách mẹ cách chế biến 6 món canh ngày tết. Chuẩn bị nguyên liệu ngay từ bây giờ để thêm rảnh tay trong 3 ngày tết, mẹ nhé!
Canh sườn non bạch quả
Bạch quả hay ngân hạnh là một trong vị thuốc quý của Đông y. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạch quả mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường lưu thông máu, làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường đề kháng, phòng ngừa ung thư, cải thiện sức khỏe tim mạch…
Xét về ý nghĩa phong thủy, bạch quả tượng trưng cho sự linh thiêng, kiên cường, mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách. Vì thế, món canh ngày tết trong gia đình nên có bạch quả để cầu mong một năm nhiều sức khỏe và chiến thắng mọi khó khăn.
Để nấu canh sườn non bạch quả, bạn chuẩn bị sườn heo, gừng, bach quả, bắp Mỹ và rau gia vị. Tiếp theo, cho sườn non heo đã rửa sạch vào nồi, đổ ngập nước, ninh mềm. Cho thêm bạch quả, gừng thái sợi, bắp vào ninh thêm 15 phút, nêm nếm gia vị vừa miệng rồi tắt bếp.
Xem thêm: Canh khoai sọ sườn non
Canh bóng thả truyền thống
Nhắc đến món canh ngày tết, nhiều người con Việt Nam sẽ nghĩ đến canh bóng thả. Đây là một bản giao hưởng của các loại rau củ quả với đầy đủ sắc màu và vị ngọt thanh. Điều làm nên “thương hiệu” cho canh bóng thả là phần bóng heo (da heo làm khô) dai giòn sần sật rất thú vị.
Canh bóng thả mang nét thanh tao, rực rỡ và ngọt ngào có mang ý nghĩa một lời chúc năm mới trọn vẹn, bình an và sung túc. Chính vì thế, rất nhiều gia đình chọn nấu món này cho các mâm cơm sum họp, nhất là dịp lễ tết.
Để thực hiện canh bóng, các mẹ có thể ninh nước dùng từ xương heo hay xương gà và tôm khô. Sau đó lần lượt cho các loại rau củ như súp lơ xanh, súp lơ trắng, cà rốt, nấm, đậu Hà Lan, cà rốt tỉa hoa, mọc… tùy theo độ cứng của từng thành phần. Cuối cùng là nêm nếm gia vị vừa miệng, thêm hành ngò và tắt bếp.
Canh gân bò nấu cải chua
So với các món canh ngày tết, canh gân bò nấu cải chua ít mang ý nghĩa về phong thủy nhất. Tuy nhiên, đây là một món ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, không chứa nhiều cholesterol.
Đặc biệt là trong những ngày tết, bát canh này lại mang đến cảm giác lạ miệng, giúp các thành viên ăn ngon hơn và khỏe khoắn hơn, dù phải vui chơi hay di chuyển khá nhiều.
Gân bò mua về rửa sạch, chần qua nước sôi, cắt miếng vừa ăn. Chú ý là gân bò thường sẽ nở ra sau khi nấu nên đừng cắt miếng quá to. Mẹ phi tỏi cho gân bò vào xào qua và cho nước vào ninh. Khi thấy gân vừa mềm, cho thêm cải chua vào ninh tiếp tục.
Cải chua sẽ giúp gân nhanh mềm hơn nên mẹ không cần phải ninh quá lâu sau khi cho nguyên liệu này vào. Cho thêm cà chua, nếu muốn có bát canh nhiều màu sắc. Nêm nếm gia vị theo khẩu vị gia đình, thêm rau thơm và múc ra mời cả nhà dùng nóng.
Xem thêm: Canh nha đam thịt bò
Món canh ngày tết – gà hầm nhân sâm
Mâm cơm ngày xuân sẽ tròn vị hơn, nếu có món canh gà hầm nhân sâm mang nét ẩm thực Hàn Quốc này từ chính đôi bàn tay khéo léo của mẹ.
Với món canh gà hầm nhân sâm, mẹ sẽ gửi đến gia đình thông điệp năm mới khỏe mạnh, đủ đầy, thịnh vượng. Thành phần gồm nhân sâm, hoàng kỳ, cam thảo, kỷ tử, táo tàu, hạt dẻ…. sẽ giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường miễn dịch giúp cả nhà luôn khỏe khoắn trong năm mới.
Bạn nên mua một con gà mái tơ khoảng 1,5 kg, làm sạch, để ráo, nhồi nhân sâm tươi vào trong bụng gà. Đem các nguyên liệu nêu trên (sau khi đã ngâm nước sôi 30 phút) ninh khoảng 30 phút. Sau đó cho gà vào tiếp tục ninh mềm, nêm nếm và múc ra dùng nóng.
Món ăn này không chỉ dùng trong gia đình mà còn có thể đãi khách để bày tỏ tấm lòng hiếu khách và khéo léo khoe tài nấu ăn của gia chủ.
Xem thêm: Gà hầm hạt dẻ
Canh đuôi bò ninh hoa atiso
Món canh ngày tết tiếp theo mà Tạp chí Mẹ và Con muốn chia sẻ đến bạn là canh đuôi bò ninh cùng hoa atiso. Đây là món canh thanh mát, thích hợp cho những ngày nóng bức và sinh nhiệt do thức ăn nhiều đường và dầu mỡ.
Xét về mặt phong thủy, hoa atiso có hình búp 5 cánh xếp tầng tượng trưng cho ngũ hành. Song song đó, hoa atiso còn mang một nét ý nghĩa khác là hạnh phúc vững bền, tình yêu trọn vẹn. Vì thế, ngày tết ăn món canh này thì còn gì tuyệt vời hơn nữa, đúng không bạn?
Để nấu canh, bạn chuẩn bị 1 bông atiso, 1/2 kg đuôi bò, gia vị và hành ngò. Đuôi bò chặt khoanh vừa ăn cho vào nồi hầm với một ít gừng đập dập. Gọt bỏ phần xơ cứng, rửa sạch bông atiso. Chờ đến khi đuôi bò mềm cho hoa atiso vào, ninh thêm cho hoa chín mềm, nêm nếm vừa ăn, tắt bếp và múc canh ra tô.
Canh cá nấu măng chua
Cá là một trong những món ăn giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe của mọi giới, mọi lứa tuổi. Trong tiếng Hoa, “cá” có phát âm tương tự như chữ “dư” trong dư dả. Vì thế, cá rất được các gia đình ưu tiên chọn thực hiện món canh ngày tết với hy vọng một năm sung túc, no ấm.
Ngoài món chiên, hấp, sốt chua ngọt… bạn có thể nấu món canh cá trong dịp tết cổ truyền. Bạn có thể chọn cá lăng, cá tầm, cá hú, cá chép, cá tai tượng, cá diêu hồng… theo sở thích của gia đình và một ít măng muối chua và nấu như canh chua thông thường là sẽ có ngay một bữa canh ngon chống ngán thật sự hiệu quả.
Xem thêm: Cá diêu hồng hấp bánh tráng
Canh đậu lăng bí đỏ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đậu lăng chứa rất nhiều vitamin B, folate, sắt, chất xơ… Với hàm lương chất đạm dồi dào, đậu lăng rất thích hợp cho những người cần được cung cấp chất đam có nguồn gốc thực vật.
Bên cạnh đó, đậu lăng cũng là một trong những nguyên liệu cần thiết cho món canh ngày tết của các gia đình. Đậu lăng tượng trưng cho tiền bạc và may mắn. Với đậu lăng màu đỏ, món ăn còn rất bắt mắt và hàm ý may mắn, thịnh vượng.
Để nấu canh đậu lăng bí đỏ, bạn nên ngâm đậu lăng trước để nấu cho nhanh mềm. Sau đó, bạn có nước dùng vào chung với đậu và ninh mềm. Sau đó cho tiếp bí đỏ và tôm băm, thịt băm đã xào qua hành phi nếu muốn. Thế là bạn đã có món canh thơm ngon, bổ dưỡng rồi đấy.
Món canh ngày tết không quá khó để thực hiện. Tuy nhiên, các món này cần được mẹ chuẩn bị sớm để tránh bị động trong những ngày tết bận rộn. Chúc mẹ áp dụng thành công và đón tết sum vầy, đầm ấm cùng gia đình!