Khắc phục tình trạng bồn rửa chén bị rỉ nước tại nhà còn phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, tin tốt là thông thường thì bạn hoàn toàn có thể tự xử lý tại nhà. Chi tiết cách xử lý chậu rửa chén bát bị rỉ nước, mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Nguyên nhân bồn rửa chén bị rỉ nước
Trước hết, bạn cần tìm hiểu vì sao bồn rửa chén bị rỉ nước. Thông thường thì sau một thời gian sử dụng các chi tiết của bồn rửa có thể bị lỏng, xộc xệch hoặc lớp keo bị bong tróc dẫn tới tình trạng rò rỉ nước.
Cụ thể, bạn cần kiểm tra xem nước rỉ ra từ đâu. Có hai vị trí hư hỏng phổ biến: 1 là bộ phận xi phông thoát nước của chậu rửa tức điểm nối ống nước thoát với bồn; 2 là ở phần nối giữa bồn rửa chén với mặt bàn/mặt bếp bị bung keo sau một thời gian sử dụng.
Nếu bạn xác định được bồn rửa chén bị rỉ nước do một trong hai nguyên nhân này thì có thể áp dụng mẹo đơn giản dưới đây để xử lý.
Cách khắc phục tình trạng bồn rửa chén bị rỉ nước
Bồn rửa chén bị rỉ nước do hỏng xi phông
Xi phông là bộ phận quan trọng nhất để dẫn nước, thoát nước cho bồn rửa chén. Hệ thống xi phông này làm bằng nhựa và có nhiều nếp gấp nên sau một thời gian sử dụng rất dễ hỏng. Thường gặp nhất là nứt, biến dạng hoặc lỏng lẻo dẫn tới tình trạng rò rỉ nước thải.
Chuẩn bị dụng cụ
Muốn khắc phục tình trạng bồn rửa chén rò rỉ nước do hỏng xi phông thì bạn cần chuẩn bị:
- Xô hứng nước tại vị trí rò rỉ
- 1 cuộn băng keo non
Cách khắc phục bồn rửa chén bị rỉ nước
- Bước 1: Mở nước để xác định vị trí rò rỉ nước. Mở vòi cho nước chảy, bạn cần xác định chính xác khu vực xi phông bị hỏng để khoanh vùng sửa chữa. Sau đó nhớ đặt xô hứng nước vào nhé.
- Bước 2: Mở đai ốc tại vị trí rò rỉ nước, vặn ngược chiều kim đồng hồ theo hướng dẫn trên đai để tháo rời các bộ phận thuận tiện cho việc kiểm tra.
- Bước 3: Kiểm tra gioăng cao su. Thông thường thì gioăng cao su là vị trí hở phổ biến nhất. Do sau một thời gian sử dụng thì gioăng này bị giãn, lệch dẫn tới rỉ nước.
- Bước 4: Quấn băng keo non đệm vào vị trí bị rỉ nước. Tùy thuộc vào vị trí nước rò rỉ mà có các cách quấn keo khác nhau. Nhìn chung, bạn cần quấn chặt tay và quấn lớp băng keo dày dặn một chút để đảm bảo không còn khe hở giữa các chi tiết.
- Bước 5: Lắp các bộ phân lại như cũ. Bạn lắp các bộ phận lại như ban đầu. Nhớ hãy kiểm tra cho ăn khớp và vặn thật chặt.
- Bước 6: Mở vòi nước và kiểm lại xem bồn rửa chén còn rò rỉ hay không. Nếu sau khi kiểm tra mà vẫn còn rỉ nước ở xi phông thì bạn cần lặp lại các công đoạn từ bước 1. Do đó, hãy làm kỹ để tránh phải tháo tới lắp lui tốn thời gian.
Lưu ý: Một mẹo nhỏ để tăng tuổi thọ xi phông đó là hạn chế đổ nước nóng trên 60 độ thẳng xuống bồn rửa chén. Xi phông làm từ nhựa nên gặp nước nóng sẽ chảy, co lại, tạo ra các khe hở và làm giảm độ bền của ống.
Bị hở giữa chậu rửa bát và mặt bàn bếp
Nếu xi phông hoạt động trơn tru mà phát hiện nước rò rỉ từ khoảng hở giữa bồn rửa và mặt bàn bếp thì bạn cũng đừng lo lắng. Tình trạng này tuy có khó xử lý hơn hỏng xi phông nhưng bạn vẫn có thể sửa chữa tại nhà được.
Tham khảo: 23 mẫu nhà bếp thiết kế sang trọng hiện đại
Dụng cụ cần chuẩn bị
Trước tiên là cần chuẩn bị đủ các dụng cụ như sau:
- Keo silicon
- Súng bắn keo
- Găng tay bảo vệ
- Dao cạo kẹo silicon
- Chổi vệ sinh
- Băng keo
- Máy sấy tóc (không bắt buộc)
- Khăn sạch để lau khô
Các bước khắc phục
- Bước 1: Vệ sinh mép chậu rửa. Trước tiên dùng dao hoặc miếng nhựa cứng để cạo sạch lớp keo cũ bám trên mép chậu. Sau đó dùng chổi vệ sinh để quét sạch mép bồn rửa. Bạn lưu ý vệ sinh càng sạch vụn keo cũ càng tăng được hiệu quả cho các bước tiếp theo.
- Bước 2: Lau khô nơi cần bôi keo. Dùng khăn lau thật khô vị trí cần bôi keo. Nếu vội, bạn có thể dùng máy sấy tóc để sấy cho nhanh khô. Lưu ý là dù dùng cách nào thì bạn cũng phải để vị trí dán keo cực kỳ khô. Nếu không keo mới không bám được vào chậu thì cũng vô ích.
- Bước 3: Dán băng keo dọc hai bên vị trí cần bôi keo. Bạn cần dán keo vì phải cố định vị trí bồn rửa chén bị hở. Đồng thời ngăn cho keo silicon không tràn ra các nơi khác.
- Bước 4: Bơm keo vào vị trí bị hở. Trong khi bơm keo bạn nhớ bơm liên tục và đều tay. Bạn càng cẩn thận thì keo bám chắc và vết dán cũng đẹp hơn. Nhớ bơm keo cho cả mép chậu rửa lẫn mép bàn để tăng độ bền khi sử dụng nhé.
- Bước 5: Gạt đi phần keo thừa.
- Bước 6: Miết lại bề mặt đã được bơm keo. Dùng ngón tay miết lại dọc theo bề mặt đã bơm keo. Việc này vừa giúp keo bám chắc vừa làm đều lượng keo trong các kẽ hở, hạn chế tối đa các vị trí trống.
- Bước 7: Bóc lớp băng dính ở bước 3 ra khỏi bề mặt
Lưu ý bạn cần đợi ít nhất 2 tiếng để lớp keo vừa bơm vào khô hoàn toàn. Tốt nhất là tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của tuýp keo.
Có thể thấy việc xử lý bồn rửa chén bị rỉ nước tại nhà cũng không quá khó. Tuy nhiên, nếu bạn đã thử các cách trên mà bồn rửa vẫn rỉ nước hoặc gặp bất kỳ khó khăn nào khác thì hãy nhờ đến thợ sửa chuyên nghiệp để tránh chữa “lợn lành thành lợn què” nhé.