Việc duy trì thói quen tiết kiệm tiền sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được mục tiêu và dự phòng được một khoản cho tương lai. Đặc biệt là đối với người làm văn phòng, hãy đặt ra những nguyên tắc sử dụng tiền hợp lý theo từng tháng để đảm bảo cuộc sống tự lập của mình.
Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thêm về cách “để dành tiền” hiệu quả trong bài viết sau đây nhé!
Bạn cần đặt ra mục tiêu tiết kiệm tiền
Một trong những cách tiết kiệm tiền đầu tiên, đó là hãy đặt ra cho mình mục tiêu để tiết kiệm. Nếu bạn nghĩ chỉ cần tiết kiệm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu thì rất khó để có động lực duy trì thói quen quản lý chi tiêu hợp lý được.
Xem thêm: 4 phần mềm quản lý chi tiêu giúp tiết kiệm tiền
Nếu thiếu lý do hay mục đích cụ thể, rất khó để bạn có thể cố hết sức để tiết kiệm một cách triệt để, liên tục và hiệu quả dài lâu. Có thể là những mục tiêu ngắn hạn như sau mà bạn có thể tham khảo:
- Tiết kiệm tiền dành cho những trường hợp khẩn cấp như: mất việc, khám chữa bệnh…
- Tiết kiệm để trả nợ
- Tiết kiệm tiền kinh doanh, đầu tư
- Tiết kiệm khi về hưu
- Tiết kiệm tiền để giúp đỡ người khó khăn, làm từ thiện
- Tiết kiệm tiền cho con cái
- Tiết kiệm tiền cưới vợ/cưới vợ cho con
- Tiết kiệm tiền tiền cho những dự định khác như để dành mua nhà, mua xe, du học…
Lập danh sách và loại bỏ những khoản không cần thiết
Tạo một thói quen ghi lại những món đồ/đồ ăn/dịch vụ mình đã chi trong ngày, dù là những khoản tiền nhỏ nhất. Điều này giúp bạn thống kê được rằng mình đã dùng số tiền đó chi tiêu cho những gì. Tiếp theo bạn lập ra danh sách những món đồ mình thường mua nhất và những đồ bắt buộc phải mua.
Sau đó hãy loại bỏ đi những khoản không cần thiết, hoặc nếu bỏ đi cũng không ảnh hưởng gì. Cố gắng kiểm soát được số tiền mình đã chi sẽ giúp bạn cân bằng hơn những khoản thu chi khác trong tháng. Hãy chi tiêu ít hơn 50% số tiền bạn kiếm được sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ đấy!
Thông thường, những khoản tiền trong tháng bạn có thể thống kê ra như sau:
- Tiền ăn uống: ăn sáng, ăn trưa, ăn tối của gia đình (ưu tiên nấu ăn tại nhà)
- Tiền phương tiện đi lại: tiền xăng, tiền vé tàu/vé xe buýt, bảo trì xe, tiền gửi xe (ưu tiên dùng vé tháng)
- Tiền xã giao tiệc tùng, cà phê (có thể cắt bỏ hoặc lượt bớt các khoản cà phê mỗi ngày)
- Tiền nhà và phí sinh hoạt cơ bản (ưu tiên tiết kiệm điện, nước khi không cần thiết)
- Mua sắm những vật dụng cần thiết (ưu tiên mua tại siêu thị giảm giá, nhưng không nên mua quá nhiều cùng một lúc, nên nhớ rằng các chương trình khuyến mãi diễn ra thường xuyên).
- Tiền học hàng tháng của trẻ
- Tiền trả nợ.
Bên cạnh đó sẽ có thêm những khoản tiền phát sinh khác nữa, hãy thử cộng tất cả lại với nhau, nếu như chúng vượt qua khoản thu nhập hàng tháng của bạn hoặc bằng ngang, thì hãy nhanh chóng kiểm tra lại những khoản không cần thiết và hạn chế lại.
Và nếu như tất cả các khoản chi đều cần thiết, cách duy nhất bạn có thể làm là nâng mức thu nhập của mình lên, bạn có thể tìm thêm các công việc làm thêm ngoài giờ để hỗ trợ điều này nhé.
Phân chia thu nhập theo phương pháp 4 chiếc hộp
Có thể bạn đã từng nghe phương pháp tiết kiệm tiền bằng nguyên tắc 4 chiếc hộp, 6 chiếc hộp hay đơn giản là 2 chiếc hộp. Và đây là một nguyên tắc rất hay và được rất nhiều người áp dụng thành công. Nếu đang là một nhân viên văn phòng hay làm công ăn lương, bạn có thể áp dụng ngay phương pháp này sau ngày nhận lương.
Sau đây Tạp chí Mẹ và Con sẽ hướng dẫn bạn lên kế hoạch phù hợp với nguyên tắc 4 chiếc hộp nhé!
Đầu tiên, hãy xem tổng thu nhập hàng tháng của bạn là 100%, sau đó phân chia cho 4 chiếc hộp với những tỷ lệ khác nhau như:
Hộp 1: Nhu cầu thiết yếu (50%)
Đây là một chiếc hộp bắt buộc phải có, để dành chứa những nhu cầu thiết yếu không thể thiếu như ăn uống, xe cộ đi lại và các khoản định phí cố định như tiền điện thoại, wifi, internet, 4G/5G.
Hộp 2: Dành cho bản thân (15%)
Một trong những cách tiết kiệm tiền hiệu quả mà rất lạ lùng đó là bạn hãy “hưởng thụ” một cách có kế hoạch.
Bởi lẽ, đây là một chiếc hộp thúc đẩy thêm cho bạn động lực, giúp bạn tái tạo năng lượng định kỳ, tạo ra nhiều cảm hứng hơn trong công việc lẫn cuộc sống. Chẳng ai mà không cảm thấy vui khi “hưởng thụ” cả. Chiếc hộp này còn mang ý nghĩa chăm sóc và yêu thương bản thân hơn vì bạn xứng đáng. Hãy tận hưởng và trải nghiệm một dịch vụ tinh thần nào đấy, chẳng hạn như đi spa, tụ họp cùng bạn bè, mua quần áo mình yêu thích…
Hộp 3: Quỹ dự phòng thất nghiệp (15%)
Đây là một chiếc hộp không thể thiếu khi lên kế hoạch tiết kiệm tiền. Một khoản tiền dự phòng cho tương lai hoặc những rủi ro không mong muốn xảy ra trong công việc. Thật sự khó khăn nếu như bạn thất nghiệp mà không có bất kỳ một khoản tiền dự phòng nào. Có rất nhiều lý do để chiếc hộp này trở nên vô cùng quan trọng và cất thiết với chúng ta, như:
- Công ty cắt giảm nhân sự trong thời gian khó khăn
- Mức thu nhập của bạn bỗng dưng giảm đi do bất khả kháng nhưng phí sinh hoạt vẫn tăng đều theo lạm phát
- Hoặc bất chợt có một ngày nào đó bạn bị căng thẳng hoặc do công việc gia đình mà bạn phải tạm dừng công việc trong thời gian dài.
Hãy thật nghiêm túc khi thực hiện kế hoạch tiết kiệm tiền này, vì đến một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy thật may mắn khi mình có chiếc hộp này!
Hộp 4: Quỹ dành cho mục tiêu/dự định (20%)
Chiếc hộp này sẽ giúp bạn thực hiện những mục tiêu của mình trong tương lai. Chẳng hạn như mua nhà, mua xe, đầu tư kinh doanh… Bạn cũng có thể dùng nó để đặt mục tiêu “giáo dục” nhằm nâng cấp kiến thức cho bản thân, như tham gia các khóa học ngắn hạn, văn bằng tiếp theo cho chuyên ngành…
Những lưu ý để việc tiết kiệm tiền hiệu quả
- Thiết lập mục tiêu rõ ràng: Hãy đặt ra những mục tiêu dù ngắn hạn nhưng phải rõ ràng, chi tiết nhất có thể. Nếu như bạn muốn mua một đôi giày đắt tiền 5 triệu, hãy đặt ra mục tiêu mua trong 2 tháng, mỗi ngày bạn cần phải cắt giảm chi tiêu làm sao tiết kiệm được 85 nghìn đồng.
- Bỏ tiền lẻ vào “heo”: Nhiều người thường không xem trọng những đồng tiền lẻ và vất bỏ lung tung khắp nơi. Nhưng nếu tạo thói quen bỏ tất cả tiền lẻ vào một chỗ trong 1 tháng, số tiền bạn đếm được sau đó sẽ rất bất ngờ đấy.
- Tiết kiệm tiền từ những điều nhỏ nhất: Hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất như tắt bớt đèn khi không sử dụng, thường xuyên nấu ăn ở nhà, sử dụng thẻ tích điểm/thẻ thành viên để nhận nhiều ưu đãi…
Điều quan trọng cuối cùng bạn cần ghi nhớ, đó là hãy kiên định với mục tiêu của bản thân. Việc tiết kiệm tiền không hề dễ dàng vì xung quanh bạn luôn có muôn vàn cám dỗ. Vì thế, hãy tin tưởng vào bản thân mình và chỉ mua những món đồ bạn cảm thấy thật sự CẦN THIẾT cho bản thân, chứ không phải là những thứ bạn THÍCH.