Theo tiến sĩ, bác sĩ Didier Decamps, Giám đốc Y khoa phòng khám Daisy, cha mẹ cần chủ động trang bị kiến thức để cung cấp cho con một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cùng điểm lại xem những thực phẩm nào bạn cần cẩn trọng, để tránh vô tình kích thích con phát triển sớm hơn mức bình thường.
1. Thực phẩm bị lạm dụng hormone tăng trưởng
Để có được lợi nhuận cao (quả lớn nhanh, cho kích thước “khổng lồ”, vật nuôi tăng trưởng vượt trội, tăng ký, nạc nhiều…), nhiều người trong quá trình nuôi trồng đã lạm dụng đến các loại thực phẩm chăn nuôi, phân bón, hóa chất… có chứa hormone tăng trưởng để vật nuôi phát triển nhanh. Điều nguy hiểm là với tình trạng khó kiểm soát độ an toàn thực phẩm như vậy, khi trẻ em ăn phải các thực phẩm này trong thời gian dài, chúng sẽ trở thành một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ.
>> Mẹ nên:
Ưu tiên chọn những thực phẩm “xanh”, “sạch” cho trẻ. Nếu có điều kiện, bạn nên tự trồng rau mầm hoặc ít nhất là chọn những nguồn rau củ quả, thịt cá… rõ ràng nguồn gốc, đã được kiểm định chất lượng để giảm thiểu những ảnh hưởng.
2. Thực phẩm giàu chất béo “xấu”
Chất béo rất quan trọng cho quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, mẹ cần cân nhắc để chọn những chất béo tốt cho con và cần hiểu rõ nhu cầu chất béo của con như thế nào để đáp ứng cho đúng.
Lý do là các trung tâm khám, tư vấn dinh dưỡng đã từng ghi nhận nhiều trẻ 9-10 tuổi đến khám béo phì có các biểu hiện dậy thì sớm như có kinh nguyệt, ngực phát triển… Các nhà nghiên cứu nhận ra, có một mối liên quan nhất định giữa tình trạng béo phì với việc dậy thì sớm. Do đó, việc bổ sung chất béo không kiểm soát trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ rất dễ ảnh hưởng đến chuyện trẻ dậy thì sớm về sau.
Chú ý thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao và thức ăn nhanh
Thực phẩm được chiên rán ở nhiệt độ cao và nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, gà rán… khi đi vào cơ thể sẽ làm gia tăng lượng mỡ thừa, từ đó gây rối loạn nội tiết tố khiến trẻ bị dậy thì sớm. Chưa kể, nếu dầu mỡ được dùng để chiên đi chiên lại nhiều lần ở môi trường nhiệt độ cao sẽ làm các chất dinh dưỡng bị biến chất. Đây cũng là nguyên nhân những trẻ thường ăn thức ăn nhanh dễ bị dậy thì sớm.
Mẹ cần biết
Trẻ em ăn thức ăn nhanh trên 2 lần/tuần và thường ăn các loại thực phẩm chiên phồng thì nguy cơ dậy thì sớm cao gấp 2,5 lần so với những trẻ ăn uống bình thường, ít ăn đồ ăn nhanh và đồ rán chiên.
>> Mẹ nên:
Trẻ càng nhỏ, tổng lượng chất béo sử dụng càng cao. Ví dụ trẻ sơ sinh cần đến 50% năng lượng từ chất béo, trẻ dưới 1 tuổi cần 40% và trẻ 1 đến 2 tuổi cần 30% đến 35%. Trong khẩu phần ăn của trẻ, ngoài lượng chất béo có sẵn trong sữa, các bà mẹ nên chú ý bổ sung cho đủ lượng chất béo được khuyến nghị. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà lạm dụng chất béo trong khẩu phần ăn và nhớ chọn loại chất béo bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nên ưu tiên chọn các loại chất béo từ mỡ cá, dầu ô liu, các loại dầu mè, dầu nành, dầu phộng… và chú ý không chiên đi chiên lại các loại dầu mỡ ở nhiệt độ cao.
Nhóm tuổi |
Năng lượng do chất béo (lipid) |
Tối đa |
Trẻ < 6 tháng |
45-50% |
60% |
6-11 tháng |
40% |
60% |
1-3 tuổi |
35-40% |
50% |
4- 8 tuổi |
20-25% |
30% |
3. Thực phẩm đóng gói, chứa chất bảo quản, chất tạo màu…
Theo khuyến cáo của tiến sĩ, bác sĩ Didier Decamps, không nên cho trẻ sử dụng nhiều các sản phẩm có chứa chất bảo quản, chất tạo màu như thực phẩm đóng hộp, vì các hóa chất này nhiều loại có tác dụng tương tự như hormone giới tính, làm gia tăng tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Ở châu Âu, nhiều chất tạo màu đã bị cấm sử dụng, bởi nếu dùng hàm lượng cao, chúng sẽ có những tác dụng giống như hormone giới tính, gây ra các hiện tượng như dậy thì sớm.
>> Mẹ nên:
Ưu tiên cho trẻ ăn những thực phẩm tươi sống, những món ăn do mẹ tự tay chế biến thay vì những thứ được đóng hộp, đóng chai. Ví dụ, trẻ nên được cho ăn cháo do mẹ nấu thay vì cháo ăn liền đóng gói thường xuyên. Trẻ cần nước lọc, các loại nước trái cây tươi như cam vắt, nước chanh, sinh tố… thay vì những loại nước quả đóng hộp, những loại “trà thảo mộc” đóng chai với hóa chất, chất tạo màu, tạo mùi…
4. Thực phẩm thúc trẻ “chóng lớn”
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp bé ăn ngon, khỏe mạnh và nhanh chóng cao lớn. Nhiều bà mẹ hay sốt ruột, lo lắng con gầy ốm, thấp bé hơn các bạn cùng trang lứa đã mạnh tay “đầu tư” vào các loại thực phẩm chức năng này, mua cho con uống.
Tuy nhiên theo tiến sĩ, bác sĩ Didier Decamps, nhiều thực phẩm chức năng được bày bán trên thị trường không được kiểm soát chặt chẽ, có chứa chất kích thích tăng trưởng. Những hormone tăng trưởng này khiến trẻ phát triển quá nhanh, trái với quy luật phát triển tự nhiên. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng dậy thì sớm và gây nên những hậu quả lâu dài.
>> Mẹ nên:
Cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng phù hợp độ tuổi. Định hướng cho trẻ sớm tập luyện thể dục, chơi thể thao để phát triển chiều cao, thay vì trông cậy vào các loại thực phẩm chức năng để “thúc” con mau lớn.
Khi trẻ gầy còm, có dấu hiệu biếng ăn, suy dinh dưỡng, phát triển chiều cao chậm hơn chuẩn bình thường, mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện Nhi, trung tâm dinh dưỡng để tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và có cách khắc phục hợp lý. Không tự ý mua các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng để đẩy mạnh “tiến trình lớn” của trẻ một cách trái tự nhiên.
5. Thực phẩm “lạ”
Tương tự như thực phẩm chức năng, mong bồi bổ cho con, không ít bà mẹ đã tìm đến cả những loại thực phẩm rất đắt tiền, được truyền miệng nhau là “cực tốt”, “cực bổ”. Chẳng hạn như yến sào, đông trùng hạ thảo, sữa ong chúa, óc một số động vật, rau củ quả thuộc dạng “hàng hiếm”
Thực tế, với trẻ em tiến sĩ, bác sĩ Didier Decamps khuyên bạn hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm “lạ”, vì không đảm bảo trẻ có bị dị ứng với chúng hay không. Chưa kể, để chạy theo lợi nhuận (vì những thực phẩm dạng này thường rất đắt tiền), nhiều người bán không ngại làm… hàng giả, dùng những hóa chất bất thường tẩm ướp. Ngay cả rau củ quả, không ít loại để có thể ra trái mùa, chín đẹp đều, người bán đã sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc kích thích ra hoa, kết quả và thuốc ép chín trái mùa. Tất cả những hóa chất này đều có nguy cơ gây dậy thì sớm cho trẻ.
>> Mẹ nên:
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con một cách tự nhiên, hợp lý. Tránh cho trẻ nhỏ sử dụng những thực phẩm “bồi bổ” bất thường.
6. Các bài thuốc Bắc, thuốc Nam không rõ nguồn gốc
Khi thấy con gầy yếu, xanh xao, rất nhiều bà mẹ kiêng cữ không dám dùng đến thuốc Tây nhưng lại rất “vô tư” khi đi bốc thuốc Nam, thuốc Bắc về sắc cho trẻ uống. Thực tế, trừ các bác sĩ Đông y và các Viện y học dân tộc đáng tin cậy, việc cho thuốc Nam, thuốc Bắc tràn lan từ các thầy lang vườn như hiện nay không hề hiếm.
Nhiều nơi, thuốc gói sẵn thành từng gói y hệt nhau. Dù tuổi tác của những đứa trẻ khác nhau, tình trạng thể chất khác nhau, tình trạng sức khỏe khác nhau thì chúng vẫn được cho chung những loại “thuốc bổ” không hề được kiểm nghiệm này.
>> Mẹ nên:
Các bác sĩ Đông y cho biết, những bài thuốc Nam, thuốc Bắc được “bốc” vô tội vạ, được đưa vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ theo cách “tự do” như thế có khả năng làm thay đổi quá trình bài tiết trong cơ thể, từ đó dễ gây dậy thì sớm, không tốt cho sự phát triển của trẻ. Mẹ cần tránh cách bốc thuốc như thế. Nếu thật sự muốn điều trị cho trẻ theo y học dân tộc, cần đưa trẻ đến những nơi thật sự uy tín, được các bác sĩ Đông y khám, chẩn đoán cẩn trọng trước khi cho thuốc.
7. Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng
Và cuối cùng, hãy nhớ thêm một điều nữa: Dinh dưỡng dư thừa, mất cân bằng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dậy thì sớm. Công thức đơn giản này cần được mẹ ghi nhớ nằm lòng và áp dụng.
Với đội ngũ chuẩn quốc tế và môi trường thân thiện, phòng khám Daisy sẽ luôn lắng nghe và chia sẻ với các bậc phụ huynh những thắc mắc xung quanh việc trẻ dậy thì sớm.Bạn có thể đến trực tiếp phòng khám ở địa chỉ 201 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM hoặc liên hệ với phòng khám theo số điện thọai (08) 3925-9772 – 0938 997 005 hoặc email : info@daisyclinic.com để đặt lịch khám.
Theo sự tư vấn của Tiến sĩ, bác sĩ Didier Decamps, Giám đốc Y khoa phòng khám Daisy