Mẹ&Con – Thời điểm đầu tiên cảm nhận thấy cú “đá” nhẹ của con, không người mẹ nào không xúc động. Thai máy là một trong những biểu hiện quan trọng để chứng tỏ bé yêu khỏe mạnh, lớn lên trong bụng từng ngày. Thai máy cũng là một điều mang đến cảm xúc thiêng liêng, giúp những gắn kết giữa mẹ con thêm bền chặt.

Thai máy

(Ảnh minh hoạ)

Ồ, bé cử động rồi này!

Thực tế thai 8 tuần tuổi đã bắt đầu có cử động. Tuy nhiên, những cử động này còn nhẹ và vì khối lượng thai quá nhỏ, nên mẹ chưa thể cảm nhận. Chỉ đến khi bé yêu trong bụng được khoảng 3-4 tháng, mẹ mới bắt đầu cảm nhận được rõ ràng từng cử động của thai nhi.

Tuổi thai càng lớn, tần suất thai máy càng mạnh dần lên. Thông thường, mẹ sẽ cảm nhận rõ rệt nhất những cú đạp của con vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Đến giai đoạn cuối thai kỳ, khoảng tuần thứ 36 trở đi, bạn sẽ nhận ra bé hay thích thọc mạnh vào sườn mẹ, thích cuộn tròn hoặc căng người ra.

Bạn nên đếm mọi cử động của thai nhi, bao gồm cả những cú đá, quay tròn, rướn người, cuộn và thọc mạnh (không cần đến số lần thai nhi nấc). Việc đếm số lần thai nhi cử động rất quan trọng. Nếu thai khỏe, bạn sẽ có thể cảm nhận được vào khoảng 10 chuyển động của bé yêu trong bụng trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Nếu tỷ lệ này ít hơn, bạn nên trao đổi với bác sĩ để có việc kiểm tra đúng lúc.

Thông tin về thai máy

Cần nhớ rằng thai máy đều đặn là một biểu hiện rất quan trọng để chứng tỏ rằng bé yêu đang khỏe mạnh, phát triển bình thường. Trong trường hợp bạn mắc chứng tiểu đường, cao huyết áp, có bệnh lý về thận hoặc tim mạch, mang đa thai,  bị đa ối / thiểu ối, có trục trặc ở nhau thai hoặc có tiền sử thai chết non thì cần hết sức thận trọng, vì dấu hiệu thai máy quá ít trong trường hợp này rất dễ đồng nghĩa với việc thai nhi phát triển bất thường.

Sau năm tháng, nếu chưa thấy thai máy là dấu hiệu đáng ngại, cần trao đổi ngay với bác sĩ sản khoa. Những thai phụ có thành bụng dày khó cảm nhận thai máy hơn người có thành bụng mỏng. Tuy nhiên, chắc chắn sau 5 tháng, bạn sẽ cảm nhận được rõ rệt chuyện này.

Cách đếm số lần con… máy!

  • Chọn thời điểm bé hiếu động nhất, thường là sau bữa ăn hoặc sau khi mẹ tập luyện nhẹ nhàng vào bữa tối.
  • Cố định thời điểm này để đều đặn mỗi ngày đều đếm.
  • Nằm hoặc ngồi thoải mái, đặt tay lên bụng, cảm nhận chuyển động của bé.
  • Đếm trong khoảng 2 giờ đồng hồ để xem bé có đủ khoảng 10 chuyển động không. Thực tế, bé không cần đến 2 giờ đồng hồ mà có thể hoàn tất chuyển động thứ 10 chỉ trong vòng 30 phút.
  • Nếu bé đang ngủ, cử động ít hơn bình thường, bạn có thể thử uống một ly nước, đi bộ chừng 5 phút, sau đó sẽ đếm lại chuyển động của bé dễ dàng hơn.
Mẹ lưu ý!
cuối thai kỳ, chuyển động của bé có chút ít thay đổi, bé ít đá và tăng cử động cuộn tròn. Tuy nhiên, việc đếm tần suất thai máy vẫn cần được duy trì như ở những giai đoạn trước đó. Nếu số lần thay máy ít hơn vẫn cần báo ngay với bác sĩ.

Làm gì nếu như con máy ít?

Như đã nói, thai máy là một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ bé yêu trong bụng bạn khỏe mạnh, bình thường. Trong trường hợp phát hiện ra rằng con máy ít, bạn đừng chủ quan nghĩ là tại vì bé là con gái thì chắc ít hiếu động hơn con trai, hoặc có lẽ bé ngoan ngoãn, thương mẹ nên… ít hành mẹ!

Thực tế, bất cứ trường hợp nào, chỉ cần thấy trong vài ngày liền thai máy ít dần đi là bạn đã cần phải tiến hành thực hiện những kiểm tra rồi. Tùy mức độ và tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ có thể cho thực hiện siêu âm, để kiểm tra tình trang phát triển của thai, xem mực nước ối, nhau thai có bình thường không; hoặc cũng có thể sẽ thực hiện việc đo tim thai, thông qua đó biết được chuyển động của thai, đo phản ứng của tim thai với cơn co tử cung…

Bạn cũng cần biết thêm là trong một số trường hợp đặc biệt, lượng nước ối quá nhiều hay quá ít có khả năng làm thay đổi cảm nhận của bạn.

Ngoài ra, đến những tháng cuối thai kỳ, cần phân biệt để đừng nhầm lẫn thai máy với cơn gò tử cung. Gò tử cung làm toàn bộ bụng cứng chắc lên, có thể gây đau, trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng.

Một lưu ý khác cho mẹ là số lần thai máy ít chứng tỏ thai nhi có thể có bất thường. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là cần con máy… càng nhiều càng tốt! Trong trường hợp thai cử động quá nhiều, hơn 20 lần thì cần phải thận trọng giảm bớt áp lực của mẹ, giảm stress, tránh những xúc động hoặc tập luyện quá mức.

Thai máy quá nhiều chứng tỏ bé yêu trong bụng đang stress và đó là dấu hiệu cảnh báo mẹ cần nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.

Sau khi thai được đủ 7 tháng, việc đếm thai máy càng trở nên quan trọng hơn. Vì lúc này, nếu nhau thai bị lão hóa, khiến thai nhi bị thiếu oxy mạn tính thì thai sẽ bớt máy. Nếu không kịp thời cứu chữa thì thai có thể bị chết lưu trong tử cung.

Do đó, hãy luôn biết rằng việc bạn theo dõi số lần thai máy cũng tương tự như theo dõi biểu hiện oxy cung cấp đủ cho con hay không vậy. Trường hợp thiếu oxy cấp, ban đầu thai phụ cũng sẽ thấy thai máy dồn dập không yên, đó cũng là lúc nên khẩn cấp vào bệnh viện.

Bốn trạng thái thường gặp của thai nhi

  1. Tĩnh lặng: không cử động, tim thai ít dao động.
  2. Cử động thường xuyên: kèm cử động nhanh của mắt và dao động nhiều của tim thai, tương ứng giai đoạn trẻ sơ sinh ngủ tích cực.
  3. Cử động mắt liên tục: không cử động thai và không gia tăng tim thai.
  4. Cử động thai đơn độc: kèm cử động liên tục của mắt và gia tăng tim thai.

>> Đa số thời gian thai ở trạng thái thứ nhất và thứ hai. Khi theo dõi tim thai và cử động bằng máy, có thể quan sát được hai tình trạng đầu tiên này.

Cảm nhận những chuyển động của con là một việc mang đến nhiều cảm xúc cho người mẹ, khiến bạn hạnh phúc hơn và thấy gần gũi với con hơn.
Tags:

Bài viết liên quan