Họ đã thay đổi cách sống, cách suy nghĩ theo chiều hướng tốt hơn.
Lối sống tối giản hơn, tiết kiệm hơn
Cả nhà chị P.T.H., 38 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) đều cảm thấy rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của mẹ chị. Trước đây nhà có giỗ, Tết, hay chỉ đơn thuần là họp mặt ăn uống, mẹ chị luôn có thói quen nấu rất nhiều đồ ăn. Thế là mỗi lần con cháu tụ tập, đồ ăn luôn đầy ắp. Ăn hoài không hết, để đến ngày hôm sau ngán nên cũng không ai muốn ăn nữa.
Ba chị H. nhiều lần góp ý với mẹ chị, nhưng mẹ chị không những không làm theo mà còn nói lại ba: “Ông không phải làm gì, một mình tôi vất vả đi mua đồ, cặm cụi nấu ăn phục vụ cho ông cùng các con cháu. Nếu ông còn ý kiến về nấu ít, nấu nhiều thì lần sau ông đi mà nấu”.
Chị H. và hai em thấy đồ ăn nhiều, phần vì lãng phí, phần vì thấy mẹ còn cực thêm trong việc nấu nướng nên thi thoảng cũng thưa chuyện với mẹ: “Tụi con được khách, bạn bè mời ăn uống suốt, chẳng thiếu món gì đâu mẹ ạ. Lâu lâu họp mặt gia đình chủ yếu để thăm ba mẹ, anh chị em con gặp gỡ nói chuyện vui vẻ, mẹ không cần mất nhiều công sức nấu nướng vậy đâu ạ. Con thấy nấu nhiều đồ ăn, không ăn được hết bỏ đi cũng phí”.
Nhưng mẹ vẫn nói: “Mẹ làm vậy quen rồi, nấu ít mẹ không thể làm được vì mẹ luôn sợ con cháu nhìn thấy ít đồ ăn, người này nhìn người kia không dám ăn. Các con cũng không cần bận tâm đến điều này”. Sau nhiều lần như vậy, không ai dám góp ý với mẹ chị H. nữa.
Thế nhưng khi sống trong những ngày giãn cách, ai ở đâu ngồi yên ở đó, phải nhờ người đi chợ, dù có tiền cũng không dễ mua được thực phẩm đã làm mẹ chị H. thay đổi về suy nghĩ, hành động.
Những ngày đầu phải nhờ người đi chợ, mẹ chị H. thường than vãn với các con là “đồ ăn giờ không mua được theo ý mẹ, rau thì ít lắm vì chỗ mẹ ở phải mua theo gói thực phẩm”. Sau đó, vì “hoàn cảnh đưa đẩy”, mẹ chị H. phải tập thói quen tiết kiệm, phải tính toán thực phẩm cho từng bữa ăn để có đủ đồ ăn nấu cho những ngày khác.
Trong những ngày này, mẹ chị H. đã “học” được cách quý đồ ăn hơn, nấu vừa đủ ăn, không thừa và lãng phí như trước.
Chị H. thừa nhận: “Đúng là COVID-19 đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của mẹ. Giờ thì gia đình tôi không ai phải lo lắng, ái ngại về việc đồ ăn mẹ nấu luôn nhiều và phải bỏ đi lãng phí nữa”.
Dịch bệnh cũng làm chị N.L.A., 38 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức, thay đổi quan điểm sống. Trước đây nhà chị A. cứ thích ăn gì thì mua, mua cái gì cũng không thấy tiếc, thậm chí không cần thiết nhưng chỉ cần thích là mua. Thế nhưng, mùa dịch cũng giúp chị A. thay đổi cách sống rất nhiều.
Trước mùa dịch, hai vợ chồng chị buôn bán nên cuộc sống luôn dư dả. Bất ngờ dịch ập đến, hai vợ chồng chị không thể xoay xở làm ăn được gì. Cuộc sống bỗng trở lên khó khăn vì trước đó nhà chị không có thói quen tích lũy.
Dịch bệnh đã giúp chị A. hiểu ra nếu không biết lo xa, dành dụm thì rất khó để trang trải nếu gặp những ngày khó khăn như những ngày đã qua. Mà cuộc sống thì đâu ai biết trước được điều gì! Đến giờ cũng chưa ai có thể khẳng định được thời điểm nào sẽ hết được dịch COVID-19.
Thế là sau những ngày giãn cách, gia đình chị A. sống một cuộc sống tối giản. Cái gì mua mới từ ngày trước mà không cần dùng thì chị nhờ con gái rao bán trên mạng, vừa rộng nhà vừa kiếm thêm được chút tiền. Đồ đạc cũ trong nhà không dùng nếu người quen nào cần thì chị cho không, nếu không cũng sẽ rao bán giá rẻ trên mạng.
Chị cũng bắt đầu tính toán cho từng bữa ăn trong nhà sao vẫn đủ chất nhưng không mất nhiều tiền như trước… Chị L.A. bắt đầu sống tiết kiệm, dành dụm để lo xa hơn cho những ngày sau.
Sức khỏe là số 1
Là một giám đốc công ty xây dựng, trước mùa dịch anh P.T.C., 45 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) thường đi nhậu vì cho rằng công việc phải ngoại giao với khách hàng. Đến khi nghỉ dịch, ở nhà suốt cùng vợ con, thi thoảng lại nhận được tin người quen tử vong vì mắc COVID-19… đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ của anh.
Anh nhận ra sức khỏe là số 1 và nói như một tỉ phú: “Sức khỏe là số 1, sự nghiệp, gia đình, danh tiếng, sự giàu có… là những số 0 đằng sau”.
Cũng nhiều người từng nhắc nhở anh về chuyện giữ sức khỏe nhưng chỉ khi trải qua mùa dịch, chứng kiến sự “ra đi” đột ngột của nhiều người quen, anh mới thực sự hiểu ra rằng “sức khỏe là số 1”, trong khi rất nhiều ngày trước đó, anh coi thường nó mà chỉ tập trung cho sự nghiệp, thậm chí “bỏ bê” cả gia đình. Ai cũng biết tập thể dục là tốt, nhưng không phải ai cũng tập thể dục.
Anh C. cũng vậy. Công việc bận rộn, anh cũng quên luôn cả việc tập thể dục. Chỉ qua những ngày dịch này, anh mới nhận thức sâu sắc được rằng muốn có sức khỏe tốt thì không có cách nào khác là phải ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn và đặc biệt là phải hạn chế nhậu nhẹt.
Anh C. đã quyết tâm đi bộ, chạy bộ hằng ngày và thấy khỏe khoắn hơn nhiều. Những ngày ở nhà cùng vợ, chơi với con, anh cũng cảm nhận niềm vui của mình, đặc biệt vợ con anh rất vui khi cả gia đình được bên nhau trong nhiều ngày như thế. Vợ anh nấu ăn, anh lau nhà, các con học tập, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa. Anh C. thấy trân trọng và yêu thương gia đình của mình hơn.
Những ngày sống cùng gia đình vượt qua mùa dịch, anh thấy đúng như câu nói: “Mọi thứ thay đổi chúng ta, nhưng chúng ta luôn bắt đầu và kết thúc mọi thứ với sự quan tâm của gia đình”.
Theo Tuổi Trẻ