Tử vong vì ngạt khí than
Nhiều vụ tử vong xảy ra vì đốt than củi để sưởi ấm. (Ảnh minh họa)
Tháng 8/2016, bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) tiếp nhận 4 trường hợp bị ngộ độc khí. Cả 4 bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng mê man bất tỉnh, mạch và huyết áp không ổn định. Được biết trong 4 bệnh nhân nhập viện có một sản phụ vừa sinh con. Trong lúc đốt than củi để sưởi ấm cho sản phụ, cả gia đình 4 người cùng ngủ trong một căn phòng bật máy lạnh và đóng kín cửa nên xảy ra sự việc trên.
Tháng 10/2016, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng xảy ra một vụ tử vong thương tâm do ngạt khí than. Sự việc xảy ra trong lúc cả hai vợ chồng đốt than nướng cá trong phòng máy lạnh khiến người vợ chết và người chồng bị thương.
Ngày 23/2 vừa qua, tại quận 7 (TP.HCM) cũng xảy ra sự việc đáng tiếc khiến hai vợ chồng tử vong và con gái 17 tuổi nguy kịch. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do gia đình đốt than tổ ong, trong lúc ngủ đóng kín cửa nên xảy ra tình trạng ngạt khí than.
“Xin đừng chủ quan…”
Mỗi năm có 4,3 triệu người chết do ô nhiễm không khí trong nhà từ việc đốt than củi, than tổ ong… để nấu ăn hay sưởi ấm. Trong đó các nước đang phát triển như Việt Nam chiếm đến 2/3 số ca tử vong.
Việc đốt than củi, than tổ ong… sẽ sinh ra nhiều chất ô nhiễm như cacbon monoxide (CO), carbonic, bụi mịn PM2.5, PM10. Khi ở trong phòng kín, có máy lạnh, ít oxy và nhiều carbonic sẽ dẫn đến ngộ độc khí CO. Khí CO là khí không màu, không mùi và không kích ứng nên rất khó nhận biết, đặc biệt là trong lúc ngủ. Ngộ độc khí CO gây thiếu oxy, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và cơ tim dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, mọi người không nên chủ quan khi sử dụng than củi, than tổ ong… trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Biểu hiện của người ngộ độc khí CO
Khi bị ngộ độc khí CO, bệnh nhân thường có biểu hiện đầu tiên là đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn… Sau đó xuất hiện triệu chứng co giật, dẫn đến hôn mê. Ngộ độc khí CO có thể để lại các di chứng như vận động bất thường, tổn thương hệ thần kinh.
Cách xử lý
Nhanh chóng mở rộng cửa phòng khi phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc khí than. (Ảnh minh họa)
Khi phát hiện bệnh nhân bị ngạt khí than, hãy thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Nhanh chóng mở rộng cửa làm thoáng khí và đưa bệnh nhân ra khỏi vùng ngộ độc. Bạn nên mang khẩu trang được làm ẩm để ngăn khí độc.
Bước 2: Cấp cứu bệnh nhân tại chỗ bằng cách hà hơi thổi ngạt và kịp thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Phòng tránh ngộ độc khí
– Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh, tuyệt đối không được đốt than trong phòng kín hoặc phòng có máy lạnh.
– Khi đốt than củi, than tổ ong… mọi người nên dùng máy quạt để đuổi khói và khí độc ra bên ngoài.
– Trong mùa đông, hạn chế việc đốt nhiên liệu để sưởi ấm trong phòng kín. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các phương pháp giữ ấm khác như mặc nhiều áo, đắp chăn… để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc không may xảy ra.