Nhiều thai phụ… há hốc mồm khi bác sĩ báo cho biết thai nhi bị suy dinh dưỡng! Trong suy nghĩ của họ, phải là đứa bé sinh ra bị èo uột, thiếu sữa mới có nguy cơ suy dinh dưỡng chứ. Thai nhi ở trong bụng mẹ, suy dinh dưỡng thế nào được! Rất tiếc, sự thật không phải vậy.

Thai nhi suy dinh duong

(Hình minh hoạ)

Những yếu tố nào có thể khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng?

Có 4 yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi, dẫn đến việc thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Ðó là tuổi của thai phụ, sức khỏe của thai phụ (trước và trong quá trình mang thai), dinh dưỡng trong quá trình chín tháng mười ngày, và cuối cùng là điều kiện lao động, công việc mà thai phụ phải “gồng gánh”.

Bạn cần biết rằng những phụ nữ mang thai khi đã trên tuổi 35, thì cơ thể đã có những hiện tượng thoái hóa, không còn hoàn hảo như trước nữa. Trong trường hợp này, thai nhi sẽ rất dễ rơi vào tình trạng không còn được cung cấp đủ chất, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.

Ðiều này cũng có nghĩa là để hạn chế nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai cho chính bé yêu của mình, bạn nên cố gắng sắp xếp công việc, gia đình để kết hôn và có con vào giai đoạn từ 25 đến 30 tuổi. Ngoài ra, nếu sinh con sau tuổi 35, bé yêu của bạn còn dễ mắc phải các nguy cơ dị tật bẩm sinh như bị bệnh Down, sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh…

Yếu tố thứ hai, sức khỏe của thai phụ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi. Một phụ nữ mang thai trong chín tháng thai kỳ cứ nay đau mai bệnh, bị cúm, sốt phát ban, bị nhiễm khuẩn cấp hay mẹ đang mắc các bệnh mạn tính như gan, thận, tim mạch… có nguy cơ sẽ dẫn đến việc thai nhi bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, muốn con mình khỏe mạnh ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bạn cần kiểm tra sức khỏe tổng quát từ trước khi mang thai và khám thai đều đặn theo lịch suốt chín tháng thai kỳ. Nếu có bệnh mạn tính, bạn cần điều trị dứt điểm trước hoặc ít nhất là hỏi ý kiến bác sĩ để có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận cho việc này.

Thêm một yếu tố quan trọng nữa bạn cần để tâm là dinh dưỡng của người mẹ. Người ta bảo ăn trong giai đoạn thai kỳ không chỉ là ăn cho mình mà còn là ăn “giùm” cả cho con. Thực tế,   Không nên chỉ ăn lấy no mà phải chú ý những gì mình ăn vào cung cấp đủ chất đạm, chất béo, tinh bột, có đủ vitamin, khoáng chất… Nếu thiếu bất kỳ chất nào, thai nhi của bạn cũng sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng, phát triển còi cọc, thiểu năng, còi xương hay mù lòa.

Cuối cùng, bạn cũng nên quan tâm đến điều kiện lao động hàng ngày. Những thai phụ phải làm việc quá vất vả thì năng lượng cũng tiêu hao đi đáng kể. Phần năng lượng còn lại của cơ thể không chắc đủ dành cho sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp này, thai nhi sẽ dễ bị ảnh hưởng theo.

Nếu bạn đang làm một công việc nhiều áp lực, hãy cố gắng sắp xếp với cơ quan để giảm tải công việc của mình. Nếu bạn đang làm một công việc đòi hỏi nhiều đến sức lực, di chuyển, đi lại…, tốt hơn hết nên tính toán từ trước khi mang thai để có kế hoạch thay đổi công việc phù hợp, nhằm đảm bảo tốt nhất cho con.

Trong 9 tháng 10 ngày, thai phụ cần phải tăng khoảng 12kg. Trong đó, 3 tháng đầu tăng khoảng 1kg, 3 tháng thứ hai tăng 5kg, 3 tháng cuối mỗi tháng 2kg. Nếu mẹ chỉ tăng khoảng 6-7kg trong thời kỳ mang thai thì sinh con dễ bị suy dinh dưỡng, mẹ dễ thiếu sữa, mất sữa sớm, dẫn đến bé bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai hoặc suy dinh dưỡng sơ sinh.

Ngoài ra, bạn cần chú ý đến các yếu tố…

Bên cạnh 4 yếu tố căn bản dễ dẫn đến việc thai nhi bị suy dinh dưỡng như vừa kể ở trên, bạn cũng cần biết rằng còn có một vài yếu tố bất thường khác dẫn đến tình trạng này. Có những thai phụ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sức khỏe ổn định nhưng thai vẫn phát triển chậm. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc bánh nhau có bất thường hoặc các yếu tố như: mẹ bị tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén…

Trong trường hợp trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng bào thai chỉ ở thể nhẹ, tức là chỉ nhẹ cân hơn nhưng vòng đầu bình thường, chiều dài cơ thể bình thường thì đa phần có thể cứu sống và vấn đề nuôi dưỡng sau đó cũng không quá khó khăn. Nếu cha mẹ phối hợp với bác sĩ, thực hiện việc nuôi dưỡng đúng cách thì trẻ sẽ phát triển tương đối bình thường như mọi em bé khác.

Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai ở thể trung bình hoặc thể nặng, vòng đầu nhỏ rõ rệt thì trẻ sẽ thường mắc những di chứng về thần kinh, chậm phát triển, thậm chí chết trong giai đoạn sơ sinh. Nói như vậy để bạn hiểu rằng chuyện suy dinh dưỡng không chỉ đơn thuần là chuyện liên quan đến việc bé nhẹ cân. Khi thai phụ không quan tâm đúng mực đến thai nhi trong bụng mình, khiến bé bị suy dinh dưỡng bào thai thì có thể bé sẽ phải gánh chịu những hậu quả và thiệt thòi rất lớn.

Bạn cũng cần lưu ý rằng hiện tượng suy dinh dưỡng của thai nhi có thể xảy ra từ tuần thứ 20. Ở thời điểm này, khi mẹ bị nhiễm bệnh, siêu vi trùng trong cơ thể mẹ dễ xâm nhập vào nhau thai và ảnh hưởng trực tiếp đến thai, làm ngừng sự phát triển của các tế bào. Những trường hợp này cũng dễ dẫn đến khả năng gây ra thai dị dạng. Ðể ngăn ngừa tất cả các yếu tố đó, một lần nữa lại phải nhắc với bạn rằng cần thăm khám thai thường xuyên, thận trọng với từng bất thường dù nhỏ nhất để các bác sĩ có hướng can thiệp và giúp đỡ bạn kịp thời.

Bạn cần biết!

Trẻ sinh ra với cân nặng dưới 2.500g thường có nguy cơ đã bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai. Có 3 mức độ suy dinh dưỡng:

– Loại nhẹ: Trẻ có chiều dài bình thường và cân nặng giảm ít so với trẻ có cân nặng và tuổi thai tương ứng.

– Loại trung bình: Trẻ có chiều dài và cân nặng giảm, nhưng vòng đầu vẫn bình thường.

– Loại nặng: Trẻ có vòng đầu, chiều dài và cân nặng đều giảm.

Tags:

Bài viết liên quan