Mẹ và Con - Thai chậm phát triển là nỗi lo lớn nhất của tất cả các bà mẹ khi mang thai. Bởi lẽ, tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đế sức khỏe bé yêu khi con chào đời. Làm thế nào để phát hiện và kiểm soát rắc rối này?

Trong suy nghĩ của hầu hết các mẹ bầu, con trai hay con gái không quan trọng, quan trọng là con có phát triển khỏe mạnh hay không. Tuy nhiên, không phải cứ uống thật nhiều sữa, ăn thật nhiều đồ bổ là thai nhi có thể lớn mạnh trong bụng mẹ. Một số trường hợp, thai chậm phát triển trong tử cung khiến mẹ vô cùng lo lắng.

Hiểu được nỗi lo của mẹ, Tạp chí Mẹ và Con xin chia sẻ cùng mẹ một số thông tin liên quan đến sức khỏe thai nhi. Mẹ cùng tìm hiểu nhé!

thai cham phat trien

Hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR)

IUGR (Intrauterine Growth Restriction) là hội chứng suy dinh dưỡng trong bào thai, được phát hiện thông qua kích thước cũng như trong lượng thai nhi dưới đường bách phân vị thứ 10 hoặc thứ 5, thứ 3. Khi chẩn đoán, cần phải đo cả trọng lượng lẫn kích thước thai nhi ít nhất 2 lần thăm khám cách nhau một tuần mới xác định rõ thai có đang chậm hoặc ngừng phát triển hay không.

Phân loại hiện tượng thai chậm tăng trưởng

Hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung IUGR được chia làm 2 loại:

  • IUGR cân xứng: Tất cả các số đo sinh học của thai đều nhỏ do nguyên nhân về rối loạn di truyền, nhiễm trùng …
  • IUGR bất cân xứng: Chỉ có vòng bụng thai nhỏ còn chỉ số đầu và xương đùi bình thường

Cách chẩn đoán và các triệu chứng của hội chứng IUGR

Việc chẩn đoán mức độ tăng trưởng của thai nhi trong bụng mẹ thường chủ yếu dựa vào siêu âm khi mẹ đi khám thai định kỳ bởi các dấu hiệu thai chậm phát triển thường không rõ ràng.

thai chậm phát triển trong tử cung

Khi chẩn đoán thường dựa vào các chỉ số như:

  • Chỉ số đường kính lưỡng đỉnh: Cần đo lường chỉ số đường kính lưỡng đỉnh xem liệu chỉ số này có nhỏ hơn so với tuổi thai hay không. Thông thường, có tới 70% các trường hợp thai tăng trưởng chậm được chẩn đoán thông qua chỉ số đường kính lưỡng định.
  • Chỉ số chu vi bụng: Đây là một chỉ số thường được sử dụng để chẩn đoán quá trình phát triển của thai nhi. Chỉ số này thường có khả năng dự đoán thai chậm phát triển trong tử cung cao hơn so với các chỉ số khác như đường kính lưỡng kính, chu vi đầu và chiều dài xương đùi. Nếu không thể xác định được tuổi thai do thai phụ không nhớ được chu kỳ kinh nguyệt của mình, có thể xem xét tốc độ tăng trưởng của chu vi bụng. Nếu trong 15 ngày nhưng tốc độ tăng của chu vi bụng dưới 10 mm thì có thể nghĩ đến trường hợp thai chậm phát triển.
  • Ước lượng trọng lượng thai: Tuy đây không phải là một phương pháp hiệu quả tuyệt đối nhưng có thể kết hợp cùng các chỉ số khác để chẩn đoán chính xác về quá trình tăng trưởng của thai nhi trong bụng mẹ. Thông thường, các bác sĩ sẽ ước đoán trọng lượng thai trong khoảng cộng trừ 10% của giá trị trung bình. Sau đó, bắt đầu đối chiếu trọng lượng này với biểu đồ phát triển trọng lượng thai theo tuổi thai và chẩn đoán về tốc độ tăng trưởng của thai nhi.

Các triệu chứng của hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung

Mẹ có thể phát hiện thai đang tăng trưởng chậm dựa vào một số triệu chứng sau:

  • Mẹ từng có tiền sử đẻ con chậm phát triển trong tử cung
  • Mẹ phát hiện một số bệnh lý như bệnh tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường…
  • Chiều cao tử cung nhỏ hơn tuổi thai
  • Mẹ tăng cân ít hơn bình thường
  • Mẹ có tình trạng thiểu ối

triệu chứng thai cham phat trien

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng IUGR

Theo các chuyên gia sản nhi, thai chậm phát triển trong tử cung có thể do một số các nguyên nhân sau đây:

  • Mang đa thai: Nếu người mẹ mang đa thai, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho nhiều bào thai sẽ khó khăn hơn rất nhiều lần so với chỉ có một bào thai. Vì thế, mẹ khó cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho thai nhi khiến thai phát triển chậm phát.
  • Tiền sản giật: Nếu mẹ bầu mắc chứng huyết áp tăng, các tĩnh mạch sẽ bị ức chế, hạn chế sự lưu thông máu đến nhau thai. Từ đó, tử cung không thể đảm nhiệm vai trò cung cấp dưỡng chất cho bào thai và dẫn đến tình trạng thai nhi tăng trưởng chậm.
  • Nhiễm trùng: Các bệnh lý nhiễm trùng mà mẹ gặp phải trong suốt thời kỳ mang thai như giang mai, sởi, nhiễm toxoplasma, cytomegalovirus,… đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Thiếu ối: Nước ối đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Trong suốt giai đoạn 9 tháng 10 ngày, nếu mực nước ối thấp (do rỉ ối, sử dụng thuốc sai cách, sức khỏe mẹ không tốt,…) thì thai nhi cũng sẽ phát triển chậm hơn.
  • Nhau thai yếu: nhau thai yếu sẽ không thể cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi, gây nên hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung
  • Thai nhi bị bất thường về nhiễm sắc thể: bào thai mắc các bệnh như hội chứng Turner, Down,…. đều có nguy cơ chậm phát triển cao hơn bình thường
  • Các bất thường về di truyền và xương ở thai nhi cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai
  • Mẹ thiếu dưỡng chất, không ăn uống đầy đủ trong thai kỳ nên không thể cung cấp dưỡng chất cho thai nhi
  • Tử cung người mẹ có hình dạng hoặc kích thước bất thường
  • Mẹ có lối sống không lành mạnh, ít ngủ, không nghỉ ngơi đầy đủ, thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia hoặc tiếp xúc với các chất độc hại
  • Mẹ bị chảy máu, mắc các bệnh về huyết áp, đái tháo đường, hồng cầu liềm,…

Nguy cơ khi bào thai phát triển chậm

Thai chậm phát triển trong tử cung làm tăng nguy cơ như:

  • Trẻ sinh ra bị nhẹ cân: Trong trường hợp nhẹ, thai nhi chậm phát triển sẽ bị nhẹ cân, còi cọc, vóc dáng thấp hơn. Theo nghiên cứu (tác giả DAVID PELEG), nếu trong giai đoạn ở trong bụng mẹ, thai phát triển chậm, sau khi chào đời và ở những năm tháng đầu tiên, bé sẽ vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trẻ sẽ có chiều cao thấp hơn khi ở trong giai đoạn trưởng thành.
  • Trẻ dễ gặp các vấn đề liên quan đến hô hấp và bú sữa
  • Trẻ có nguy cơ bị hạ đường huyết
  • Cơ thể có cơ chế hoạt động chống lại nhiễm trùng yếu
  • Chỉ số Apgar thấp
  • Số tế bào hồng cầu cao bất thường.
  • Có vấn đề về thần kinh: Tăng động, vụng về và tập trung kém,… có thể là các biến chứng mà trẻ sẽ gặp phải
  • Khó duy trì nhiệt độ cơ thể
  • Thai chết lưu

mang thai

Những nhóm thai phụ có nguy cơ có thai chậm phát triển

Không phải mẹ bầu nào khi mang thai cũng gặp tình trạng thai kém tăng trưởng. Một số nhóm thai phụ có nguy cơ cao gặp phải hội chứng này bao gồm:

  • Nhóm thai phụ làm việc trong các môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại
  • Mang song thai hoặc đa thai
  • Có tiền sử hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, uống rượu bia
  • Có tiền sử đẻ con chậm phát triển
  • Mắc các bệnh lý nhiễm trùng hoặc rối loạn di truyền
  • Cơ thể ốm yếu, thường xuyên đau ốm

Biện pháp điều trị

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có giải pháp để điều trị tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung. Vì thế, nếu được chẩn đoán mắc hội chứng này, thai phụ nên kết hợp cùng bác sĩ và người nhà để thường xuyên theo dõi sự phát triển của bào thai, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Một số giải pháp áp dụng khi thai tăng trưởng chậm như:

  • Điều trị chứng cao huyết áp
  • Cho người mẹ được nghỉ ngơi đầy đủ
  • Không cho thai phụ lao động nặng
  • Dùng corticoid cho tuổi thai từ 28 đến hết 34 tuần
  • Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết
  • Trong trường hợp thai chậm phát triển do bất thường nhiễm sắc thể hay đa dị tật, nên chỉ định đình chỉ thai nghén. Nếu là dị tật đơn độc, nên được hội chẩn với trung tâm chẩn đoán trước sinh và bác sĩ phẫu thuật để có hướng xử trí sau sinh.
  • Theo dõi liên tục nhịp tim thai từ tuần 26, đánh giá độ giao động của tim thai và biến đổi nhịp tim thai

Trước khi quyết định đình chỉ thai nghén do thai chậm phát triển, cần thực hiện kiểm tra tổng quát để đánh giá toàn diện tuổi thai, tiền sử, tình trạng mẹ và bệnh lý đi kèm hoặc khi:

  • Thai có nhịp tim dao động kém, dao động độ không liên tục qua 1 tuần theo dõi, nhịp chậm, đơn độc kéo dài. Triệu chứng này được tính khi tuổi thai trên 31
  • Nếu tuổi thai trên 34 tuần mà có bất thường Doppler động mạch não, Doppler động mạch ốn có dòng tâm trương bằng không, thai có biểu hiện ngừng tiến triển thì đình chỉ thai ngén
  • Trong trường hợp thai trên 37 tuần tuổi nhưng có bất thường Doppler động mạch rốn, động mạch não, monitor

Cách phòng ngừa

Để có thể hạn chế tình trạng thai chậm phát triển, cần lưu ý:

  • Đến gặp bác sĩ tư vấn về di truyền khi có kế hoạch mang thai
  • Khi có kế hoạch sinh con, mẹ nên ngưng sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
  • Không sử dụng các loại thực phẩm có chứa caffeine
  • Chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho mẹ trong thời gian mang thai. Mẹ có thể xem thêm các món ăn tốt cho bà bầu để lên kế hoạch ăn uống chuẩn chỉnh hơn.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh thức khuya
  • Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày. Thời gian tập khoảng 30 phút là đủ
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trước và trong thai kỳ

có thai

Thai chậm phát triển là lo lắng của hầu hết các mẹ bầu bởi vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé sau khi con chào đời. Vì vậy, hãy nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề về sức khỏe thai nhi mẹ nhé!

Bài viết liên quan