Tay chân tê mỏi khi mang thai thường xuyên quấy rầy thai phụ, nhất là khi thai càng lớn. Đặc biệt vào ban đêm, nhiều chị em bị “phá bĩnh” giấc ngủ với cảm giác chân tay buồn buồn, như có kiến bò, rồi lại như có kim châm.
Hiện tượng tê tay chân khi mang thai có nguy hiểm tới sức khỏe không? Làm sao để cải thiện tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin này trong bài viết dưới đây.
Triệu chứng tê tay chân khi mang thai
Những triệu chứng tay chân tê mỏi khi mang thai có thể xuất hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ nhưng khá ít xảy ra. Tê chân tay khi mang thai tháng đầu thường chỉ đi kèm những biểu hiện nhẹ, thoáng qua và nhanh chóng biến mất. Phần lớn bà bầu hay bị tê tay chân khi mang thai ở 3 tháng cuối của thai kỳ.
Một số biểu hiện tay chân tê mỏi khi mang thai mà mẹ bầu có thể gặp như
- Có cảm giác tê buồn như kiến bò hoặc tê râm ran như bị kim châm ở tay hoặc chân.
- Đôi khi có cảm giác nóng rát, đau nhức hoặc gây mất cảm giác ở các vị trí thường bị tê.
- Thường xuất hiện ở cả bàn tay, ngón tay, cổ tay, vùng chân, thậm chỉ có thể lan đến cổ chân hay đùi, hông, thắt lưng, bụng, mặt…
Nguyên nhân gây tay chân tê mỏi khi mang thai
Bị tê buồn chân tay khi mang thai chủ yếu là do nghẽn mạch máu ở rãnh tay, chân khiến máu lưu thông kém. Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân gây nên hiện tượng này như:
Do tăng cân
Phụ nữ mang thai thường tăng cân khá nhanh. Điều này khiến các mạch máu đột ngột bị chèn ép nặng nề dẫn tới hiện tượng tay chân tê mỏi khi mang thai. Đặc biệt, vào những tháng cuối của thai kỳ, cân nặng của mẹ đã thay đổi nhiều so với khi chưa mang thai nên hiện tượng bị tê tay chân khi mang thai sẽ càng nghiêm trọng hơn trước.
Thiếu chất, thiếu vitamin
Phụ nữ mang thai cần bổ sung rất nhiều dưỡng chất thiết yếu như magie, canxi, axit folic, các vitamin như B1, B2… Nếu cơ thể bị thiếu các loại vitamin và khoáng chất này, sức đề kháng sẽ suy giảm, máu lưu thông kém hoặc thiếu máu. Theo đó, tình trạng tay chân tê mỏi khi mang thai sẽ thường xuyên xuất hiện.
Ít vận động
Lười vận động là một trong những lý do khá phổ biến khiến phụ nữ hay bị tê tay chân khi mang thai. Đặc biệt, càng về những tháng cuối của thai kỳ, cơ thể trở nên nặng nề hơn cộng thêm sự mệt mỏi khiến phụ nữ trở nên lười vận động.
Việc ít vận động, di chuyển khiến máu lưu thông khó khăn, các vùng ngoại vi như tay chân không được cung cấp lượng máu cần thiết khi mẹ bầu chỉ ngồi yên. Chính vì thế, tình trạng tay chân tê mỏi khi mang thai xuất hiện nhiều và nghiêm trọng hơn.
Thay đổi nội tiết tố
Vào khoảng những tháng cuối thai kỳ, hormone relaxin được tiết ra để làm mềm khung xương chậu và khớp, giúp việc sinh nở dễ dàng hơn. Tuy nhiên điều này cũng khiến thai nhi dễ chèn ép vào các dây thần kinh dẫn đến tê buồn và đau nhức các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, sự thay đổi các hormon trong thời kỳ mang thai cũng có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay, khiến bàn tay và cánh tay bà bầu bị tê. Theo đó, lượng máu trong cơ thể phụ nữ mang thai cũng có thể tăng lên đến 50% khiến cho các dây thần kinh ở cánh tay chịu áp lực lớn, từ dẫn đến tê mỏi và đau cánh tay, ngón tay, bàn tay.
Do bệnh lý
Một số bệnh lý có thể gây tay chân tê mỏi khi mang thai, đó là:
- Bệnh tiểu đường.
- Béo phì, mỡ máu tăng cao.
- Rối loạn thần kinh.
- Thiếu máu, đường máu thấp.
Xem thêm:
Tình trạng tay chân tê mỏi khi mang thai có nguy hiểm không?
Tê chân tay khi mang thai là hiện tượng hết sức phổ biến, có thể coi là một biểu hiện sinh lý bình thường và không đáng lo ngại. Những triệu chứng khó chịu này sẽ nhanh chóng biến mất sau khi sinh con.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tay chân tê mỏi khi mang thai có là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Nếu bạn hay bị tê tay chân khi mang thai và đi kèm những triệu chứng như hoa mắt, không thể nhấc nổi tay chân, co cơ… thì hãy đi khám ngay lập tức để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
Cách khắc phục tay chân tê mỏi khi mang thai
Như đã đề cập ở trên, tay chân tê mỏi khi mang thai là hiện tượng sinh lý của cơ thể và chỉ hoàn toàn biến mất khi sinh con. Do đó, bạn chỉ có thể hạn chế tình trạng này nhiều nhất có thể thay vì điều trị triệt để khi còn mang thai. Một số biện pháp hỗ trợ hạn chế cảm giác khó chịu này để bạn tham khảo như:
Bổ sung Vitamin và khoáng chất
Liều lượng vitamin và khoáng chất cần bổ sung như sau:
- Canxi 800 -1000mg/ngày
- Acid folic 400mcg/ngày
- Vitamin A 800 mcg/ngày
- Vitamin D 10mcg/ngày
- Vitamin B2 1,4 mg/ngày
- Vitamin C 80mg/ngày
- Kẽm 15mg/ngày…
Cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết từ thực phẩm
Một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất và giữ cân nặng ở mức ổn định là điều cần thiết để cải thiện tình trạng tay chân tê mỏi khi mang thai. Hãy hạn chế muối, đường, chất béo trong thực phẩm hàng ngày và đừng quên uống nhiều nước, ăn trái cây và rau củ. Các thực phẩm giàu vitamin B6 được khuyến khích dung nạp để thúc đẩy sức khỏe của hệ thần kinh, chẳng hạn như:
- Bơ
- Tỏi
- Hạt phỉ
- Hạt hướng dương và hạt vừng
- Thịt nạc (thịt lợn, thịt cừu…)
- Rau xanh đậm (bông cải xanh, rau ngót, cải xanh…)
- Cá chứa nhiều dầu chẳng hạn như cá thu, cá ngừ, cá hồi…
Bấm huyệt nội quan
Nếu bị tê tay khi mang thai, mẹ có thể thử bấm huyệt nội quan. Lưu ý, nếu cả hai tay bị ảnh hưởng, mẹ có thể nhờ người khác giúp bấm huyệt để đạt được hiệu quả tối đa. Tìm huyệt này bằng cách sau:
- Chụm 3 ngón tay gồm ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út lại với nhau và đặt chúng nằm ngang trên đầu cổ tay
- Huyệt nội quan sẽ nằm ở giữa cổ tay, nơi ngón cái cảm nhận được 2 gân lớn
- Nhấn mạnh điểm này trong 10 giây
- Lặp lại lần nữa với tay còn lại.
Không những hỗ trợ điều trị tê tay, huyệt nội quan còn có khả năng giúp mẹ bầu ngủ ngon giấc hơn hoặc thậm chí chống say xe mà không cần dùng thuốc.
- Luyện tập và xoa bóp linh hoạt
- Dùng một tay nắm lấy cổ tay bị tê và xoa bóp bằng chuyển động tròn để giảm sự tắc nghẽn và khuyến khích chất lỏng không tích tụ bên trong.
- Nhẹ nhàng duỗi thẳng tay và cánh tay bị tê. Cố gắng không thực hiện quá sức để tránh làm tổn thương ống cổ tay của mình.
- Nhờ người thân nhẹ nhàng xoa bóp bàn tay và cổ tay, di chuyển về phía nách, sau đó tiến dần đến vai, cổ và lưng trên.
- Xoa bóp bấm huyệt một cách hợp lý.
Thường xuyên tập luyện thể dục
Đi bộ, các bài tập kéo giãn cơ, thắt lưng, tay và chân hay tập yoga được khuyến khích thực hiện hàng ngày để cải thiện tình trạng tay chân tê mỏi khi mang thai. Những vận động nhẹ nhàng này sẽ lưu thông khí huyết, tăng độ dẻo dai và giảm tình trạng cứng khớp.
Thay đổi tư thế phù hợp cho bà bầu
Hạn chế nằm ngủ một tư thế để cải thiện tình trạng tay chân tê mỏi khi mang thai. Thay vào đó, mẹ bầu nên tập nằm nghiêng sang bên trái, thường xuyên thay đổi tư thế, kê chân cao trong lúc ngủ vừa giảm tê nhức, vừa giảm phù. Mẹ bầu nên lựa chọn nằm giường mềm, kê nhiều gối để có cảm giác thoải mái khi thay đổi tư thế và an toàn cho thai nhi.
Tay chân tê mỏi khi mang thai là tình trạng sinh lý phổ biến trong thai kỳ, nhất là 3 tháng cuối. Chính vì thế, mẹ bầu không cần quá lo lắng. Thay vào đó, hãy thực hiện những vận động hợp lý, bổ sung đầy đủ khoáng chất để giảm nhẹ những biểu hiện khó chịu của tình trạng này.
Nếu bà bầu bị tê tay chân thường xuyên và gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày thì nên tới cơ sở y tế để kiểm tra cũng như tìm biện pháp khắc phục đúng cách.