Ở giai đoạn dậy thì, con gái thường trở nên nhạy cảm, ngại ngùng và ít muốn chia sẻ với người lớn hơn. Chưa kể tâm lý tuổi dậy thì ở con gái lẫn con trai đều không tránh khỏi muốn “nổi loạn”. Nên trong giai đoạn này nếu cha mẹ không kịp thời nắm bắt sự thay đổi của con thì rất dễ dẫn tới xung đột, khiến con gái rơi vào khủng hoảng cũng như xa cách với gia đình hơn.
Những thay đổi trong tâm lý tuổi dậy thì ở con gái
Bước vào tuổi dậy thì, trẻ có sự thay đổi rõ rệt cả về ngoại hình lẫn tâm lý. Về cơ thể, các bé gái bắt đầu có kinh nguyệt, cao nhanh hơn, cơ thể có đường có nét hơn. Do sự thay đổi hormone, da mặt cũng bắt đầu xuất hiện mụn trứng cá.
Về tính cách, con có thể thay đổi 180 độ khiến cha mẹ đôi khi “đỡ không kịp”. Từ công chúa nhỏ suốt ngày bám theo cha mẹ liên thiên trò chuyện có thể “biến hình” thành cô nhóc nổi loạn hay trở nên ít nói và luôn muốn có không gian riêng.
Trưởng thành và tự lập hơn trong suy nghĩ
Các bé gái có xu hướng dậy thì sớm hơn bé trai. Thông thường, vào độ 13 – 14 tuổi là trẻ bắt đầu nổi loạn và muốn được tự do, độc lập, không muốn bị gò bó nữa vì đã “trưởng thành”. Chẳng hạn con không muốn cha mẹ tự ý vào kiểm tra phòng, muốn được đi chơi về muộn, không muốn kể nhiều về chuyện học hay nhóm bạn.
Không chỉ tự do, tâm lý tuổi dậy thì ở con gái cũng đề cao sự độc lập. Con cố gắng tách mình khỏi sự giúp đỡ của cha mẹ để khám phá thế giới. Trẻ bắt đầu chú ý và muốn thể hiện cái tôi của mình.
Điều này thể hiện rõ trong các cuộc tranh luận gia đình, con sẽ luôn muốn giành phần thắng. Đồng thời, nhiều bé cũng muốn thể hiện mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn và chê các bạn quá trẻ con.
Tâm lý né tránh cha mẹ của con gái ở tuổi dậy thì
Xung đột tư tưởng giữa hai thế hệ trong giai đoạn này thường rất gay gắt. Cha mẹ thì quan niệm “con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Huống gì ở độ tuổi dậy thì này con thật sự cũng chưa đủ lông đủ cánh như trẻ tưởng.
Các bé thì muốn được làm chủ, muốn thể hiện mình là người lớn, có thể tự quyết định. Con muốn cha mẹ tôn trọng quyền riêng tư, muốn được có tiếng nói và được lắng nghe như người lớn mà không phải luôn luôn chỉ biết nghe lời.
Trong giai đoạn tâm lý tuổi dậy thì ở con gái, các bé có xu hướng ít nói chuyện với cha mẹ hơn, dành nhiều thời gian ở một mình trong phòng.
Một số trẻ nổi loạn hơn còn thẳng thừng cãi lại, sập cửa trước mặt cha mẹ. Cha mẹ lúc này phải bình tĩnh, tránh la mắng, giáo điều. Càng cố thể hiện quyền lực của người lớn thì bạn càng đẩy con mình ra xa.
Tâm lý tuổi dậy thì ở con gái có tính khí thất thường
Tâm lý tuổi dậy thì rất dễ bị ảnh hưởng, nhạy cảm, bướng bỉnh, thất thường hơn nhiều. Đôi khi những lời cha mẹ vô tình nói nhưng con lại cảm thấy bị tổn thương rất nhiều. Cũng có lúc con hung hăng, sẵn sàng tranh cãi bằng được với cha mẹ.
Lúc này, dù trẻ có biết lỗi, có hối hận hay không thì vẫn luôn “cố tỏ ra mạnh mẽ”, ương ngạnh. Nếu cha mẹ tiếp tục trách móc thay vì điềm đạm giải thích, lắng nghe thì mâu thuẫn càng tăng.
Bắt đầu chăm chút bản thân hơn
Ở độ tuổi này, các bé gái bắt đầu chú ý, quan tâm bản thân rất nhiều. Trẻ bắt đầu tò mò về cơ thể bản thân, muốn làm đẹp, muốn được chú ý. Đặc biệt trong thời đại mạng xã hội, internet phát triển như hiện nay thì con càng dễ tự ti bởi ai trên mạng nhìn cũng đẹp đẽ, hào nhoáng.
Nếu cha mẹ cấm cản con tìm hiểu trang điểm, làm đẹp với lý do “con nít đua đòi” thì chỉ khiến trẻ thêm tức giận. Thay vào đó, gia đình nên là người bạn đầy thấu hiểu tư vấn giúp con nên chọn phong cách nào, trang điểm ra sao thì đẹp và hợp với lứa tuổi.
Trẻ muốn mở rộng mối quan hệ, tình cảm
Tâm lý tuổi dậy thì ở con gái là chơi thành nhóm, là được thuộc về một nhóm nào đó. Hầu hết trường hợp con đều có bạn thân và tin tưởng hơn cả cha mẹ. Đồng thời, trẻ bắt đầu có những rung động đầu đời đầy trong sáng. Không chỉ hẹn hò, nhiều trẻ còn thử quan hệ tình dục ngay từ khi 15 – 16 tuổi.
Hiển nhiên không cha mẹ nào mong muốn điều này nên việc quan trọng là phải giáo dục giới tính từ sớm. Cha mẹ lưu ý, không thể cấm cản, la mắng hay xúc phạm con chỉ vì trẻ tò mò về các vấn đề này.
Việc để trẻ tự tìm hiểu và làm theo những hướng dẫn chẳng rõ nguồn gốc mới đáng sợ. Nếu con làm sai vì thiếu kiến thức thì trách nhiệm chính thuộc về cha mẹ lẫn nhà trường đã không kịp thời giáo dục giới tính.
Cha mẹ làm gì trước sự thay đổi trong tâm lý con gái ở tuổi dậy thì?
Trong mỗi giai đoạn phát triển tâm lý sinh lý của con trẻ, cha mẹ luôn là người đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Muốn giúp con đi vào khuôn khổ, phát triển tâm lý khỏe mạnh là tốt nhưng nếu cha mẹ không khéo thì thường phản tác dụng.
Tỷ lệ trẻ dậy thì bị khủng hoảng tâm lý, rối loạn lo âu thậm chí trầm cảm hiện nay rất cao. Nguyên nhân chính là vì trẻ bị khủng hoảng trước quá nhiều thay đổi từ bên trong lẫn bên ngoài nhưng không có ai chia sẻ, hướng dẫn. Không chỉ thế, nhiều trẻ còn phải chịu áp lực từ chính gia đình của mình khi cha mẹ chọn cách trách mắng, ép buộc, kiểm soát vì “muốn tốt cho con”.
Để ứng phó với những thay đổi về tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì cha mẹ nên:
- Lắng nghe và tôn trọng con, không phán xét, trách mắng mà hỏi qua ý kiến và phân tích lý do cho mỗi quyết định.
- Hướng dẫn con cách chọn nội y phù hợp.
- Nói với con về kinh nguyệt, các vấn đề thường gặp trong chu kỳ và chú ý nếu có dấu hiệu bất thường.
- Giáo dục giới tính từ sớm. Việc giáo dục giới tính trong trường học ở nước ta hiện nay còn rất qua loa trong khi các bé dễ dàng tiếp cận đủ mọi thông tin về vấn đề giới, giới tính trên mạng từ rất sớm. Do đó, nhiệm vụ của cha mẹ là phải “vẽ đúng đường”, bởi dù bạn vẽ hay không thì con vẫn “chạy” nên hãy chủ động để con không lạc đường nhé.
- Luôn dành thời gian trò chuyện, chia sẻ để định hướng đúng đắn thay vì chì chiết, phán xét con quá nhiều.
Tâm lý tuổi dậy thì ở con gái rất khó đoán bởi mỗi trẻ đều là cá thể độc nhất. Nhưng dù thay đổi như thế nào đi nữa thì gia đình, cha mẹ nên là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, là đồng minh để con tin tưởng chia sẻ, xin giúp đỡ. Cha mẹ nhớ quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần của con khi bé đến giai đoạn dậy thì để hướng con tới con đường đúng nhất.