Mẹ và Con - Đã bao giờ, trong những lúc khó khăn tưởng chừng như cùng cực, căng thẳng tột độ vì cuộc sống hiện tại, bạn chỉ muốn bỏ lại sau lưng tất cả và chạy trốn thực tại?  

Trong cuộc sống thường nhật nói riêng và đời sống công sở nói chung, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra như ý muốn của chúng ta. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy mọi thứ thật bế tắc, khó khăn chồng chất khó khăn. Những lúc thế, đã bao giờ bạn nghĩ bản thân sẽ trốn chạy thực tại?  

Trong một thống kê không chính thức, hơn một nửa số người lao động tại vương quốc Anh luôn ở trong trạng thái bất mãn, chán nản khi tới công ty làm việc. Kết quả này cũng phần nào phản ánh xã hội ngày nay, và những áp lực mà công dân hiện đại đang phải gánh chịu. Nhiều người trẻ luôn cảm thấy cô đơn, áp lực với cuộc sống và luôn nuôi dưỡng mong muốn chạy trốn thực tại. 

Thay vì phải giam mình ở thế giới thực đầy khắc nghiệt, rất nhiều người tìm đến giải pháp mà bản thân họ cho là duy nhất và hiệu quả đó chính là chạy trốn thực tại, cố gắng thoát khỏi những ràng buộc đấy u ám và phức tạp của hiện tại để đặt chân đến một thế giới mang đến cho họ cảm giác tự do, bình yên và được là chính mình mà không sợ bất kỳ phán xét nào của những người xung quanh. 

Theo các chuyên gia tâm lý, tên gọi của xu hướng trốn chạy thực tại, muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của thế giới hiện tại đến đến một “chân trời” mới chính là escapism.

Hôm nay, hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu thế nào là Escapism? Xu hướng chạy trốn thực tại đã xuất hiện từ khi nào và nó mang đến những tác động ra sao đối với tâm lý con người nói chung. 

Chạy trốn thực tại
Chạy trốn thực tại

Thế nào là Escapism – xu hướng chạy trốn thực tại ? 

Theo phân tích đến từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (viết tắt là APA), escapism hay còn gọi là chủ nghĩa thoát ly, trốn chạy thực tại được xem là xu hướng mà ở đó con người muốn “rời bỏ” thế giới hiện thực đầy khắc nghiệt, hướng đến một thế giới tưởng tượng mang cho họ cảm giác tự do, an toàn, thoải mái nhất. 

Cụ thể, có thể hiểu nôm na escapism chính là cảm giác mà khi áp lực công việc đang bao vây, những kỳ thi đang đến rất gần, bài tập thì chồng chất nhưng chúng ta vẫn lựa chọn dành thời gian cho bản thân để “tận hưởng” những bộ phim hay, ẩn mình trong những trò chơi điện tử hấp dẫn, hóa thân vào các nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám gay cần nào đấy và thức dậy vào sáng hôm sau để trở lại công việc thực tế. 

Theo các nhà tâm lý học, xu hướng escapism thường nhắc nhiều đến những nơi ẩn náu trong một thế giới do chính bản thân chúng ta tạo ra nhờ thế giới tưởng tượng; là một nơi nào đó bất kỳ mà chúng ta được tự do trở thành thành một phiên bản mà mình mong muốn; được quyền hạnh phúc, thoải mái và mạnh mẽ.

Xu hướng này có nhiều nét tương đồng với hiện tượng tâm lý coping mechanism (hay còn được gọi với cái tên khác là cơ chế đối phó). Theo đó, về cơ bản, mỗi người chúng chúng ta sinh ra vốn đã được trang bị sẵn những bản năng ứng phó với các tính huống nguy hiểm.

Và khi cơ thể của chúng ta giải phóng ra các hormon nhóm thuộc nhóm catecholamin  là adrenaline và noradrenaline, chúng ta sẽ có cảm giác như đang đứng ở giữa lằn ranh của hai  hai chế độ hoàn toàn khác nhau: Hoặc là ở lại thế giới thực để đối mặt, đương đầu với thử thách; hoặc chạy trốn thực tại, tìm đến một “chiếc kén” an yên và thoải mái hơn, tạm những khó khăn mà cuộc sống mang tới. 

Trong trường hợp này, có thể hiệu escapism là xu hướng mà con người chúng ta tìm cách thoát ra khỏi những căng thẳng, mệt mỏi để hướng đến những khoảnh khắc thư giãn mang tính tạm thời. Để rồi sau đó có thêm năng lượng để lại trở về thực tại, đối mặt với những thử thách. 

Thế nào là Escapism

Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học cũng cho rằng, escapism – xu hướng chạy trốn thực tại cũng tồn tại một vài nét tương đồng với Houdini. Hội chứng này được xem như một dạng của rối loạn tâm thần. Theo đó, hội chứng Houdini chỉ xảy ra ở những người mà khi họ càng bị ràng buộc bởi công việc, hoặc cảm thấy quá bế tắc với một mối quan hệ nào đó và khao khát thoát ly, chạy trốn thực tại. 

Trong bối cảnh mà xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân (tiêng anh là individualism), thì hội chứng Houdini được thể hiện rất rõ ở nhiều cuộc tình ngắn ngủi, những công việc tạm bợ, xuất hiện và kết thúc một cách chóng vánh vì nỗi sợ hãi phải cam kết, hứa hẹn. 

Escapism – chạy trốn thực tại hiện diện như thế nào trong đời sống?  

Có thể nói, trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi guồng quay công việc ngày càng phức tạp, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải luôn “căng não” để đối mặt và giải quyết, thì hội chứng escapism – chạy trốn thực tại hiện hữu khắp nơi.

Theo đó, hội chứng escapism – chạy trốn thực tại tồn tại ở khắp nơi từ các bài tập thiền đình, những chuyến du lịch ngắn ngày đến việc ẩn mình trong thế giới của những trò chơi điện tử hấp dẫn, những nội dung sách hay ho, hoặc mạng xã hội, thực tế ảo và cả những bộ phim mà ở đó chúng ta muốn trở thành một phần trong đó.  

Có thể nous, ngày nay con người có quá nhiều sự lựa chọn để chạy trốn thực tại nếu hiện thực đang vận hành không giống như những điều ta mong muốn. 

Biểu hiện rõ ràng nhất đó chính là sự gia tăng của các tác phẩm isekai trong văn hóa đại chúng. Theo đó, Isekai hay Dị thế giới được mọi người biết đến là một trong những tiểu thể loại manga, anime, lấy xu hướng escapism – chạy trốn thực tại làm chủ đề cốt lõi để khai thác. 

Trong các tác phẩm Isekai, thông thường các nhân vật chính sẽ là nhân viên văn phòng, những người đang chịu cảnh mắc kẹt với những khó khăn, căng thẳng và đang giam mình trong nhịp sống đơn điệu, tẻ nhạt. Thế nhưng, chỉ với một cái chớp mắt, họ – những người vốn chán chường với xã hội hiện tại đã ngay lập tức bước chân vào một thế giới hoàn toàn mới, với một khởi đầu hoàn toàn mới và đầy hứa hẹn. 

Có thể nói, những tác phẩm Isekai được xem như những tấm gương có chức năng phản chiếu hiện thực của xã hội ngày nay, phản ánh nỗi lòng của những công dân đang cảm thấy lạc lõng, trầm cảm ở thế giới thực.

Xem thêm: Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh

Ngoài ra, nếu là một người yêu thích điện ảnh, hẳn không dưới một lần bạn tìm đến các thể loại phim xuyên không. Nội dung chính của dòng phim này chính là nhân vật sẽ bất ngờ có được quyền năng du hành qua lại giữa hai thế giới song song, giữa những thực tại và hư hảo như một cách thoát khỏi vòng lặp của cuộc sống vốn tẻ nhạt, khó khăn thường ngày.

Cách chạy trốn thực tại

Escapism – chạy trốn thực tại tác động ra sao đến cuộc sống? 

Xu hướng escapism – chạy trốn thực tại với mong muốn ban đầu trở thành một chiếc phao cứu sinh, một tấm vé thông hành giúp con người tạo thời thoát khỏi hiện thực khắc nghiệt, để cảm thấy bản thân được an ủi, vỗ về, để được tự do giải phóng những tiêu cực trong đời sống thường nhật. Thế nhưng, mọi thứ luôn tồn tại hai mặt vấn đề. 

Theo các chuyên gia tâm lý, nếu bản thân quá lạm dụng vào việc chạy trốn thực tại sẽ có thể gây ra hiện tượng phản tác dụng. Lúc này, escapism có thể trở thành một chất gây nghiện, một chất kích thích với tác hại không thua gì bia, rượu, thuốc lá…khiến chúng ta phải lệ thuộc vào chúng. 

Không chỉ vậy, nếu bản thân chúng ta quá lạm dụng vào cảm giác chạy trốn thực tại, một vấn đề khác sẽ nảy sinh đó chính là maladaptive daydreaming – hay còn được biết đến với cái tên hội chứng rối loạn mơ mộng. 

Theo các chuyên gia tâm lý, đây được xem là hiện tượng thường xảy ra ở những người có chấn thương tâm lý từ trước. Lúc này, thay vì đối mặt với hiện thực, họ sẽ có xu hướng lựa chọn mơ mộng, lựa chọn được phiêu du trong một thế giới tưởng tượng, những tình huống giả định không có thật để hòng thoát khỏi thực tại đau lòng.

Thế nhưng, việc một người quá chìm đắm vào thế giới tưởng tượng, cố gắng tách bản thân ra xa khỏi những tương tác lành mạnh cũng trách nhiệm trong thế giới hiện thực sẽ mang đến những hệ lụy nguy hiểm. Thậm chí, bạn có thể rơi vào trạng thái mập mờ, không còn khả năng để phân biệt đâu là thật đâu là giả tưởng.

Theo một nghiên cứu trên Psychology Today, xu hướng escapism – chạy trốn thực tại có thể dẫn tới sự trì hoãn, nhưng điều này cũng tùy vào từng trường hợp cụ thể. 

Theo đó, sau khi thực hiện khảo sát với những sinh viên về hành vi thoát ly bằng việc xem TV, giáo sư Sarah Kohler đã đưa ra kết luận rằng, có sự xuất hiện những dấu hiệu của sự trì hoãn,  nhưng vẫn còn tồn tại nhiều sai số tâm lý khác như tâm trạng, thói quen…Và bản thân ranh giới giữa thoát ly thực tại và trì hoãn cũng chưa rõ ràng.

Escapism mang lại lợi ích gì? 

Có thể thấy, ưu điểm mà xu hướng escapism – chạy trốn thực tại có thể mang đến cho một người không có khả năng chống chọi với tuyệt vọng, nỗi cô đơn; những người có xu hướng và ý định tự làm hại bản thân. Theo nhà phân tâm học Sigmund Freud, escapism – chạy trốn thực tại là cần thiết bởi vì mỗi người trong chúng ta không thể nào tồn tại với chỉ một chút sự thỏa mãn từ cuộc sống thật.

Có thể thấy, xã hội càng phát triển, sẽ phát sinh ngày một nhiều những sự bất ổn, những hỗn loạn bên trong nội tại của mỗi người; sự canh tranh, guồng quay công việc trở nên ngày càng khắc nghiệt hơn bao giờ hết. 

Lúc này, bản thân của chúng ta sẽ tự tạo ra nhu cầu vượt lên giới hạn của cơ thể, mong muốn chạy trốn thực tại, thoát khỏi không gian vật lý, thoát khỏi sự kìm kẹp từ gia đình, xã hội đến những lề thói văn hóa….bằng escapism.

Đây cũng được xem là lý do tại sao, xu hướng tận hưởng những chuyến du lịch ngắn ngày đang càng lúc càng nở rộ. Bởi du lịch được xem như một cuộc tẩu thoát khỏi cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt để đến với một nơi mới mẻ hơn, vui vẻ hơn và tự do hơn. 

Như lời triết gia Alain de Botton, du lịch không phải để rời khỏi nơi chúng ta sống, mà là để rời khỏi phiên bản của mình ở đó. Chung quy, ta đi du lịch cốt để tìm chính mình.

Vậy, làm gì để cân bằng giữa chạy trốn thực tại và đối mặt?  

Đầu tiên, bạn nên tham gia hoạt động lành mạnh như thiền, tập yoga, đọc sách được coi là lành mạnh vì có thể cải thiện sức khỏe, giúp năng suất hơn khi quay lại làm việc.

Tiếp đến, hãy giới hạn thời gian của bản thân ở “thế giới ảo”. Theo đó, chúng ta vẫn có thể lướt điện thoại, “sống ảo” trên mạng xã hội, nghe nhạc, đọc sách hay thưởng thức phim ảnh, nhưng hãy tự quy định thời gian tham gia các hoạt động đó đối với bản thân. Đừng để bản thân bị đắm chìm ở đó quá lâu mà bỏ quên thực tại. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn phương thức dùng thực tại đánh giá ảo tưởng. Theo đó, bạn hãy cố gắng mang theo những nhận thức của thực tại trong lúc đang chạy trốn thực tại ở một thế giới ảo nào đó. Đây cũng được xem là một cách để nhắc nhở bản thân. Theo đó, bạn hãy thử vận dụng tư duy phản biện, kiến thức chuyên môn để nhận xét về thế giới trong tranh và những nhân vật trong sách.

Không chỉ vậy, bạn có thể cân bằng escapism bằng cách cố gắng thoát khỏi vòng lặp bỏ trốn. Cụ thể,  bạn hãy luôn đặt cho bản thân 3 câu hỏi này trước khi có ý định chạy trốn thực tại. Đó là, điều bạn đang làm có giúp bạn giải quyết vấn đề không? Điều gì đang làm bạn căng thẳng, sợ hãi và lo lắng? Bạn muốn cuộc sống của mình như thế nào?

Có thể bạn quan tâm: Căng thẳng tàn phá cơ thể như thế nào ?

Làm gì để cân bằng giữa chạy trốn thực tại và đối mặt

Cuối cùng, phương thức hữu hiệu và thực tế nhất giúp bạn cân bằng escapism chính là can đảm đương đầu, can đảm đối mặt với hiện thực. Rất nhiều nghiên cứu đã đưa ra những kết luận rằng, vấn đề được xem như một món ăn, mọi thứ rồi sẽ trở nên mục ruỗng theo thời gian nếu không giải quyết. 

Chính vì thế, thay vì né tránh, phớt lờ, thì chúng ta hãy thử một lần can đảm đối mặt. Lúc này, bạn có thể hãy trả lời ba câu hỏi trên và lập một kế hoạch cụ thể, bắt đầu từ những đầu việc đơn giản nhất rồi nâng dần độ khó. Bạn có thể nhờ người khác giám sát nếu chưa tự tin kiểm soát bản thân.

Và trên đây là những thông tin bạn cần biết về hiện tượng tâm lý escapism – chạy trốn thực tại. Thông qua bài viết này, hy vọng bạn sẽ hiểu hơn về chính mình, về những người xung quanh. Bởi chỉ có thấu hiểu bản thân, bạn mới có thể trở nên tốt hơn, và chỉ khi trở nên tốt hơn bạn mới có năng lực để giúp những người xung quanh trở nên tốt hơn. 

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.