Bé sơ sinh nổi mụn sữa hay còn gọi là nang kê, đây là một dạng mụn trứng cá trẻ em xuất hiện với các đốm nhỏ li ti ở hai bên má, có khi lan ra cằm, trán, lưng và gây ngứa ngáy.
Mụn không nguy hiểm cho bé và có thể tự khỏi sau vài tuần, thậm chí là vài tháng. Nhưng mẹ lưu ý nếu mụn kéo dài đến 3 tháng thì phải đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc da liễu ngay, tránh việc có thể để lại di chứng trên da bé sau này.
Cách điều trị mụn sữa cho bé
Mụn sữa tuy không nguy hiểm nhưng gây ngứa ngáy và mất thẩm mỹ cho bé. (Ảnh minh họa)
Các bé sơ sinh khi đang bú sữa mẹ thì nguyên nhân dẫn tới mụn sữa có thể xuất phát từ việc mẹ ăn uống khiến da bé bị kích thích. Vì vậy, trong giai đoạn cho con bú, mẹ nên tránh các loại thức ăn tanh.
Bên cạnh đó, việc vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ cũng rất quan trọng. Mẹ hãy tắm rửa cho bé hàng ngày với nước sạch đun sôi để nguội cùng sữa tắm em bé, rồi lau khô bằng khăn bông mềm và mặc quần áo thoáng mát. Khi tắm cho bé, mẹ chú ý không được cọ rửa mạnh tay hay dùng xà phòng/sữa tắm chứa chất kích thích khiến các nốt mụn trên da bé vỡ ra, chảy dịch và lan rộng hơn.
Mặt khác, trong thời gian da bé nổi mụn, mẹ tuyệt đối tránh tự ý bôi thuốc khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ hoặc chạm tay lên vùng da mụn, nặn mụn cho bé. Đặc biệt, nhiều mẹ thường có thói quen bôi nước bọt lên khu vực da mụn của bé hay pha nước muối loãng rửa mặt cho bé đều nên dừng lại ngay. Bởi làn da nhạy cảm của bé rất dễ bị kích ứng với nước bọt và nước muối khiến tình trạng càng thêm trầm trọng.
Trong dân gian có một số cách trị mụn sữa cho bé, mẹ có thể tham khảo như tắm nước lá khế. Với phương pháp tắm lá khế để trị mụn sữa cho bé, mẹ chỉ cần dùng một nắm lá khế, rửa thật sạch với nước. Sau đó, đem đun sôi và lọc lấy nước cho bé tắm. Mỗi tuần mẹ chỉ nên áp dụng liệu pháp này cho bé nổi mụn sữa khoảng 3 lần, vì tắm nhiều lá khế da bé dễ bị xỉn màu.
Lưu ý: Khi dùng lá để tắm cho bé sơ sinh nổi mụn sữa, mẹ nên thử bôi một ít nước lá đun lên tay bé và quan sát có phản ứng lạ hay không mới bắt đầu sử dụng.