Mẹ và Con - Các bệnh nhân từng bị ung thư vú thường dễ gặp vấn đề về tâm lý do lo lắng quá mức về việc bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào. Điều này sẽ vô tình gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn và cũng đồng thời khiến cho bệnh nặng thêm...

Việt Nam có hơn 15.000 ca bệnh ung thư vú hàng năm. Vì thế, nỗi lo lắng về vấn đề tái phát ung thư vú là một trong những điều khó tránh khỏi của những người mắc bệnh và may mắn được chữa khỏi. Một nửa bệnh nhân cảm thấy lo lắng, sợ hãi về việc căn bệnh ung thư “quay trở lại”. Việc lo lắng là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, đừng để nó lấn át cuộc sống và tâm trí của bạn.

Các thống kê liên quan đến bệnh ung thư vú

Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: “Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng phân chia mạnh, xâm lấn xung quanh và di căn xa”. Không chỉ riêng Việt Nam mà số lượng phụ nữ mắc ung thư vú trên toàn cầu cũng ngày một cao hơn. Hiện nay, ung thư vú đã vượt qua ung thư phổi để trở thành loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới.

Theo thống kê của Globocan, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ mắc ung thư vú. Các thống kê cho thấy, một năm có khoảng 15.229 ca mắc mới với số lượng ca tử vong là 6103 ca. Con số này được dự đoán sẽ càng tăng cao nếu chị em không thực hiện các tầm soát ung thư sớm nhất.

Ung thư vú có khả năng tái phát không?

Sau khi bị ung thư vú, điều mà nhiều người quan tâm chính là nếu đã chữa khỏi thì căn bệnh này liệu có tái phát hay không. Câu trả lời chính là “Có”. Việc tái phát ung thư vú có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào sau khi khỏi bệnh và sự tái phát này có thể tại chỗ, tại vùng hoặc có thể di căn tới hạch, gan, xương, não, phổi,…

Triệu chứng tái phát ung thư vú

Một số triệu chứng thường thấy khi bị tái phát ung thư vú có thể kể đến như:

  • Vùng vú đã phẫu thuật xuất hiện những khối u cục cứng
  • Da trên vú phù nề, viêm đỏ hoặc bị co rút
  • Sẹo mổ không liền, tiết dịch, rỉ nước
  • Có hạch ở vùng cổ, trên xương đòn (hạch cứng, ít di động)
  • Hạch vùng nách cùng bên hoặc đối bên với vị trí ung thư vú
  • Đầy bụng khó tiêu
  • Thường xuyên ho, cảm lạnh, sốt nhẹ – các dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng
  • Khó thở nhưng không mất sức khi thực hiện những hoạt động bình thường, chẳng hạn như đi bộ, leo cầu thang,… – dấu hiệu ung thư vú di căn sang phổi
  • Không có cảm giác ngon miệng – triệu chứng do ung thư vú di căn tới gan
  • Sụt cân nhanh, nhiều, yếu mệt, suy nhược cơ thể
  • Đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác – dấu hiệu ung thư vú di căn tới não

lo lắng

Kiểm tra tái phát ung thư vú như thế nào?

Với những người bị ung thư vú, sau khi thực hiện điều trị, nên tiếp tục thường xuyên tự kiểm tra khối u vú. Khi kiểm tra, nên quan sát cả khu vực được điều trị và cả phần vú còn lại. Ngoài ra, nên khám định kỳ để chụp X-quang tuyến vú để có thể kịp thời phát hiện các thay đổi bất thường.

Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi tái phát ung thư vú?

Bình thường hóa nỗi sợ hãi

Thật không may, nỗi sợ hãi là một phần thường gặp của những bệnh nhân từng mắc ung thư vú. Trên thực tế, sợ hãi cũng đồng nghĩa với việc bạn thật sự quan tâm tới cuộc sống của mình. Vì thế, nếu sau khi khỏi bệnh bạn vẫn có những lo lắng về việc tái phát ung thư vú thì đây là điều hoàn toàn bình thường và bạn không cần phải ngần ngại hay che giấu cảm xúc về điều này.

Nhờ đến sự hỗ trợ

Bạn có thể chia sẻ nỗi sợ của mình với những người thân, bạn bè xung quanh mà bạn tin tưởng. Và không chỉ chia sẻ, nếu có cảm giác sợ hãi về việc tái phát ung thư vú, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ cộng đồng những bệnh nhân cùng mắc bệnh ung thư để có thể lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm và thêm lạc quan, yêu đời hơn, xua tan những suy nghĩ tiêu cực đang quẩn quanh trong đầu.

tái phát ung thư vú

Tiếp tục chủ động theo dõi sức khỏe

Sau một thời gian dài “chiến đấu”, nhiều người thường cảm thấy kiệt sức và sợ cảm giác phải đến bệnh viện điều trị, thực hiện các biện pháp xạ trị và hóa trị. Với tâm lý này, nhiều người đã từ chối đi tái khám hoặc theo dõi sức khỏe sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến bạn tăng nguy tái phát ung thư vú mà thôi.

Việc tuân thủ các cuộc hẹn của bác sĩ, thường xuyên thực hiện các cuộc tầm soát, kiểm tra sẽ mang đến cho bạn cảm giác an tâm hơn và giúp bạn lấy lại sức khỏe tinh thần của mình.

Tập trung vào việc tận hưởng cuộc sống của bạn

Việc có thể “sống sót” sau khi điều trị ung thư là một điều vô cùng may mắn. Có thể nói, đối mặt với ung thư là một trong những điều khó khăn nhất mà bạn phải trải qua – và bạn đã làm được điều đó. Do đó, đừng bận tâm về điều đó quá nhiều và hãy tập trung vào việc tận hưởng cuộc sống, làm những điều bạn thích. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều đấy!

Xây dựng lối sống lành mạnh

Để hạn chế tái phát ung thư vú và phục hồi sau bệnh được tốt hơn, người bệnh cần phải xây dựng một lối sống lành mạnh, nên ngủ đủ giấc, tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, nên xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, cân nhắc việc điều trị bằng hormon ở giai đoạn mãn kinh nhằm hạn chế tăng thêm lượng hormon estrogen vào cơ thể, kích thích sự phát triển của các tế bào bất thường gây ung thư vú.

lối sống lành mạnh

Tái phát ung thư vú vẫn có thể xảy ra ở các bệnh nhân từng mắc bệnh và đã được điều trị thành công. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng mà thay vào đó hãy cố gắng xây dựng lối sống lành mạnh, sống lạc quan và vui vẻ bạn nhé!

 

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.